Sức ép bủa vây các tập đoàn công nghệ Mỹ

Giám đốc điều hành Apple cho rằng công ty này không độc quyền bởi họ có thị phần khiêm tốn và không thống trị bất cứ thị trường nào

Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ viện Mỹ hôm 4-6 thông báo sẽ tiến hành một loạt phiên điều trần về vấn đề quyền lực không ngừng gia tăng của các đại gia công nghệ trong nước. Lãnh đạo các công ty này sẽ được yêu cầu ra điều trần trong cuộc điều tra liệu họ có lạm dụng sức mạnh thị trường khổng lồ của mình hay không.

Ông David Cicilline, chủ tịch tiểu ban này, cho biết đã đến lúc quốc hội xác định xem liệu các luật hiện hành có đủ để xử lý hành vi lạm dụng của các công ty công nghệ hàng đầu hay không sau 4 thập kỷ thực thi kém hiệu quả luật chống độc quyền.

Động thái trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của Washington đối với nghi vấn các tên tuổi công nghệ nổi bật, như Google, Facebook, Amazon, Apple… vi phạm luật chống độc quyền.

Trước đó, đã xuất hiện thông tin về thỏa thuận giữa Bộ Tư pháp (DOJ) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) của Mỹ - 2 cơ quan chia sẻ trách nhiệm thực thi luật chống độc quyền. Theo thỏa thuận này, Bộ Tư pháp sẽ tập trung điều tra Google và Apple trong khi FTC sẽ chịu trách nhiệm xem xét Facebook và Amazon.

DOJ được cho là đã khởi động cuộc điều tra về Google nhưng chưa rõ các công ty khác có lâm vào tình cảnh tương tự hay không. Phản ứng trước thông tin trên, Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook, nói với đài CBS News (Mỹ) nhấn mạnh bất kỳ ai có lý lẽ cũng đều kết luận rằng Apple không độc quyền bởi công ty này có thị phần khiêm tốn và không thống trị bất cứ thị trường nào.

Bên ngoài văn phòng Google ở TP New York - Mỹ Ảnh: REUTERS

Bên ngoài văn phòng Google ở TP New York - Mỹ Ảnh: REUTERS

Những người chỉ trích, trong đó có nhiều nghị sĩ Mỹ, đã kêu gọi chia tách các công ty công nghệ hàng đầu nói trên. Dù vậy, một số nhà phân tích tỏ ra lạc quan về viễn cảnh các doanh nghiệp này vẫn "sống sót" sau cuộc điều tra chống độc quyền. Trấn an các nhà đầu tư không nên lo lắng, ông Matthew Miskin, chuyên gia Công ty John Hancock Investments (Mỹ), chỉ ra trường hợp Tập đoàn Viễn thông AT&T từng bị chia tách thành các công ty con nhưng sau đó vẫn trở lại như cũ. Chưa hết, hãng Microsoft đã bị điều tra trong nhiều năm nhưng vẫn không hề hấn gì.

Dù vậy, theo ông Miskin, cuộc điều tra vẫn có thể khiến các đại gia công nghệ ngần ngại trong việc thâu tóm những công ty nhỏ hơn, từ đó giúp họ có cơ hội tồn tại và phát triển. Mặt khác, chuyên gia này lập luận rằng một số gã khổng lồ công nghệ theo đuổi chiến lược giá có lợi cho người tiêu dùng, trái ngược với tình trạng độc quyền, vốn có xu hướng đẩy giá lên cao và áp đặt giá đối với người tiêu dùng.

Một số chuyên gia pháp lý cũng cho rằng khó có khả năng Washington tìm cách chia tách các tập đoàn công nghệ lớn thành những công ty nhỏ hơn. Theo đài CBS News, FTC từng tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền tương tự đối với Google vào năm 2011 nhưng khép lại vụ việc vài năm sau đó. Trong khi đó, các công ty có nguy cơ rơi vào tầm ngắm của nhà chức trách thường điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị buộc tội vi phạm luật chống độc quyền ngay cả khi các biện pháp này không đủ mạnh như kỳ vọng.

Một yếu tố khác là vấn đề thời gian. Theo trang Fortune, một cuộc điều tra chống độc quyền thường kéo dài ít nhất 1 năm bất chấp những lời kêu gọi FTC hoặc DOJ có hành động nhanh chóng. Nếu tính luôn các thủ tục tố tụng hay các cuộc đàm phán để dàn xếp kiện tụng, bất kỳ kết quả cuối cùng nào chỉ có thể có được sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Dù vậy, những bước đi mới lúc đó có thể thay đổi, tùy thuộc đảng nào lên nắm quyền sau cuộc bầu cử. Ngoài ra, các công ty liên quan còn có thể tìm cách đánh phủ đầu để xoa dịu chỉ trích.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/suc-ep-bua-vay-cac-tap-doan-cong-nghe-my-20190605204435957.htm