Sức ép chọn trường!
Những ngày qua, hình ảnh hàng ngàn ông bố, bà mẹ, thậm chí có cả những người ông, người bà phải thức trắng đêm trước cổng nhiều trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội để chờ nộp hồ sơ với hy vọng có được một suất học lớp 10 cho con em mình, khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm nay tại Hà Nội vô cùng căng thẳng, khi lượng thí sinh đăng ký thi là gần 105.000 em nhưng chỉ tiêu trúng tuyển chỉ khoảng 72.000 em; đồng nghĩa có hơn 30.000 em không có cơ hội vào học tại trường công lập. Bức xúc và lạ kỳ hơn khi tại kỳ thi năm nay, nhiều em đạt kết quả thi với tổng điểm 40-41 điểm (trung bình 8 điểm/môn) nhưng không thể đỗ vào trường công như mong muốn. Chuyện thi được vào lớp 10 công lập ở Hà Nội đã rất khó, thì giờ đây để tìm được một trường tư với các em không trúng tuyển vào trường công cũng căng thẳng không kém.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao thành phố không xây dựng thêm trường mà năm nào cũng để những cảnh tượng này xảy ra? Lãnh đạo thành phố và Sở GD-ĐT Hà Nội nghĩ gì khi phụ huynh và học sinh phải xếp hàng suốt đêm để tìm một suất học? Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra mới đây, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thừa nhận, tình trạng phụ huynh xếp hàng suốt đêm để nộp hồ sơ cho con vào các trường học đã từng xảy ra ở các năm trước, nhưng năm nay căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, ông Cương cho rằng, mạng lưới trường học tại Hà Nội hiện không thiếu và có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Việc phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ suốt đêm là do phụ huynh mong muốn đăng ký tập trung vào một số trường ở nội thành nên đã đẩy sức ép lên cao với cả nhà trường và phụ huynh. “Bài toán này khiến chúng tôi rất đau đầu…”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội bày tỏ.
Nhiều năm nay ở Hà Nội, các gia đình có con bắt đầu vào lớp học đầu cấp thường phải bốc thăm, xếp hàng thâu đêm, thậm chí là giằng co, xô đẩy trước cổng trường để có thể tranh được 1 suất học cho con em mình. Nguyên nhân của thực trạng này chính là do thiếu quy hoạch đồng bộ khiến khu vực nội thành thiếu trường, lớp rất trầm trọng.
Đúng là Hà Nội “không thiếu trường học”... ở ngoại thành, nhưng thật quá khó và thử thách khi phụ huynh lẫn học sinh mỗi ngày từ nhà đến trường cách vài chục cây số!?. Không chỉ riêng ngành giáo dục thủ đô mà các cấp, các ngành có liên quan của Hà Nội cũng cần xem xét, đánh giá đúng, đầy đủ thực trạng của công tác quy hoạch, phát triển đô thị để từ đó quy hoạch trường lớp khoa học, bài bản, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của người dân.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/suc-ep-chon-truong-post696755.html