Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/6 bất ngờ thông báo rút quân khỏi đảo Rắn ngoài khơi Biển Đen sau khi "hoàn thành nhiệm vụ", đồng thời gọi đây là "cử chỉ thiện chí" để tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.
"Như vậy, điều này chứng minh cho cộng đồng thế giới thấy rằng Nga không can thiệp vào nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong quá trình tổ chức hành lang nhân đạo, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản từ lãnh thổ Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.
Tuy nhiên, tuyên bố của phía Nga gây nhiều hoài nghi, bởi đảo Rắn có vị trí chiến lược quan trọng, giúp lực lượng đồn trú có thể kiểm soát vùng trời và các tuyến hàng hải ở miền nam Ukraine.
Việc lực lượng Nga rút khỏi đây sẽ trao cho Ukraine một chiến thắng quan trọng cả về giá trị chiến lược trên thực địa lẫn ý nghĩa biểu tượng.
Có diện tích 17 hecta, nằm cách bờ biển Ukraine khoảng 48 km, đảo Rắn trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên lực lượng Nga kiểm soát sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Ukraine đã nhiều lần tuyên bố sẽ quyết tâm giành lại hòn đảo này.
Trên thực tế, đảo Rắn đã trở thành mục tiêu giành giật giữa Nga và Ukraine suốt 4 tháng qua.
Ngay sau khi kiểm soát hòn đảo, Nga đã củng cố hiện diện quân sự, điều tới đây nhiều khí tài phòng không hiện đại để ngăn chặn mọi nỗ lực tập kích, phản công của Ukraine.
Hệ thống radar và tên lửa phòng không Nga biến đảo Rắn thành một "pháo đài" án ngữ tuyến đường không và đường biển trọng yếu trong khu vực.
Hoạt động phòng thủ đảo Rắn của Nga phần nào thành công trong giai đoạn đầu, khi quân đội Ukraine tổ chức nhiều đợt phản kích, thậm chí điều trực thăng đưa quân đổ bộ lên đảo, song đều bất thành do vấp phải hỏa lực phòng không mạnh.
Các đợt tập kích của quân đội Ukraine nhằm vào đảo Rắn thu được một số kết quả nhất định, khi phá hủy một số khí tài và tàu chiến, song cái giá mà họ phải trả cũng khá đắt, do Nga liên tiếp bắn hạ máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2.
Ukraine sau đó thay đổi chiến thuật, chuyển sang sử dụng tên lửa chống hạm để tấn công các tàu chiến Nga hoạt động gần hòn đảo. Sau vụ tuần dương hạm Moskva chìm ngày 14/4, sự kiện mà Ukraine tuyên bố là do đòn tập kích bằng tên lửa diệt hạm Neptune, các chiến hạm Nga buộc phải lùi xa khỏi bờ biển Ukraine để tránh đòn tập kích của đối phương.
Tuần dương hạm Moskva chìm khiến lực lượng Nga mất đi ô phòng không quan trọng bảo vệ một khu vực rộng lớn trên Biển Đen, trong đó có đảo Rắn.
Tuy nhiên, Nga vẫn phải duy trì hoạt động tiếp tế hậu cần cho lực lượng đồn trú trên đảo.
Các tàu hậu cần của Nga đã trở thành mục tiêu tấn công mới của Ukraine, trong đó ít nhất một tàu chở đạn dược, hàng hóa và vũ khí được bị bắn chìm.
Được phương Tây cung cấp các loại lựu pháo, pháo phản lực hiện đại có tầm bắn xa hơn, quân đội Ukraine tăng cường tập kích hỏa lực vào đảo Rắn.
Nga tuyên bố đã ngăn chặn các đợt tập kích của Ukraine, bắn hạ nhiều UAV và rocket phóng vào hòn đảo, nhưng Kiev khẳng định hỏa lực của họ đã phá hủy ít nhất một tổ hợp Pantsir-S1 của Nga.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng các vũ khí hạng nặng tầm xa của phương Tây là yếu tố "thay đổi cuộc chơi", khiến lực lượng Nga nhận ra rằng phòng thủ đảo Rắn không còn là lựa chọn khả thi.
Ukraine đã nhận lựu pháo tự hành CAESAR với tầm bắn khoảng 42 km.
Ngoài ra Ukraine còn triển khai tên lửa chiến thuật Tochka-U tới tỉnh Odessa, từ đó tăng đáng kể mật độ oanh kích đảo Rắn từ khu vực này.
Mason Clark, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, cho rằng những đợt tấn công dồn dập của Ukraine khiến lực lượng Nga gần như không có phương án đối phó hiệu quả trên địa hình trống trải của đảo.
Các tổ hợp phòng không trên đảo dễ dàng bị áp đảo khi đối phương sử dụng lượng lớn hỏa lực, trong khi các tàu chiến trên Biển Đen không thể tới gần để "chia lửa" với lực lượng đồn trú.
"Đây là một thất bại lớn đối với lực lượng Nga, đồng thời là chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược cho Ukraine", Clark nhận định.
Một số cơ quan truyền thông Nga cũng nhận định quyết định rút các đơn vị đồn trú khỏi đảo Rắn là "bước lùi" đối với chiến dịch quân sự đặc biệt, song là động thái cần thiết để bảo vệ mạng sống của các quân nhân Nga, vốn rất dễ tổn thương trước hỏa lực hạng nặng của Ukraine liên tục tập kích.
Theo chuyên gia Clark, khi rút quân khỏi đảo Rắn, lực lượng Nga đã đánh mất một điểm tựa quan trọng để cản trở tuyến đường biển bắt đầu từ Odessa và chạy dọc bờ biển Romania.
Đây được coi là tuyến đường an toàn nhất để các tàu chở ngũ cốc và những mặt hàng xuất khẩu khác của Ukraine vượt qua hàng rào phong tỏa của Nga trên Biển Đen.
Tuy nhiên, chuyên gia Jeffrey Edmonds thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Virginia, Mỹ, cảnh báo rằng hải quân Nga trên Biển Đen "vẫn có thể đe dọa tuyến thương mại ngoài khơi Odessa".
"Về mặt quân sự, động thái rút khỏi đảo Rắn làm suy yếu hàng rào phong tỏa Biển Đen của Nga, song Moscow vẫn còn những công cụ khác để tăng áp lực với Kiev", ông Edmonds kết luận.
Việt Hùng