Sức ép lên Israel và Hamas gia tăng

Cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza tiếp tục là nội dung thảo luận chính tại một loạt hội nghị đa phương đang hoặc sắp diễn ra

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 6-11 tăng cường kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza khi cảnh báo nơi này đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em". Theo ông Guterres, thảm họa đang diễn ra khiến nhu cầu ngừng bắn nhân đạo trở nên cấp thiết hơn.

Các bên trong cuộc xung đột và cộng đồng quốc tế phải chấm dứt cuộc khủng hoảng và đẩy mạnh viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Ông Guterres cũng cho rằng việc vận chuyển hàng cứu trợ từ Ai Cập qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza như hiện nay là không đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo đài Al Jazeera, nhà lãnh đạo LHQ này có ý nói rằng nên mở lại các cửa khẩu đang bị Israel phong tỏa để đưa nhiều hàng cứu trợ hơn vào Dải Gaza.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết ít nhất 4.104 trẻ em trong số hơn 10.000 người thiệt mạng kể từ khi xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra hôm 7-10. Theo AP, khoảng 70% trong số 2,3 triệu người dân tại Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa trong lúc xung đột diễn ra.

Các tổ chức quốc tế cho biết những bệnh viện địa phương không thể tiếp nhận người bị thương, trong lúc thực phẩm và nước sạch đang cạn kiệt còn hàng viện trợ quá ít so với nhu cầu.

Lực lượng không quân Jordan thả hàng cứu trợ y tế xuống bệnh viện dã chiến của nước này tại Dải Gaza hôm 6-11 Ảnh: Reuters

Lực lượng không quân Jordan thả hàng cứu trợ y tế xuống bệnh viện dã chiến của nước này tại Dải Gaza hôm 6-11 Ảnh: Reuters

Theo Reuters, cả Israel và Hamas cho đến giờ vẫn bác bỏ sức ép đang tăng của cộng đồng quốc tế về động thái ngừng bắn. Phía Israel nhấn mạnh toàn bộ con tin bị Hamas bắt đi trong cuộc tấn công hôm 7-10 phải được phóng thích trước. Trong khi đó, Hamas nói sẽ không thả con tin trong lúc Dải Gaza còn bị tấn công.

Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy các khoảng dừng trong cuộc xung đột để cho phép viện trợ thay vì ngừng bắn hoàn toàn. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận về một bước đi như thế trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 6-11. Nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại sự ủng hộ của ông dành cho Israel và nhấn mạnh rằng nước này phải bảo vệ dân thường.

Trong cuộc phỏng vấn được phát trên đài ABC News cùng ngày, ông Netanyahu cho biết Israel sẽ xem xét việc ngừng bắn xen kẽ, mang tính chất chiến thuật để tạo điều kiện cho việc cung cấp viện trợ hoặc đưa con tin ra ngoài.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nói sẽ không có chuyện ngừng bắn chừng nào mọi con tin chưa được thả. Ông Netanyahu cũng tuyên bố Israel sẽ "chịu trách nhiệm chung" về an ninh tại Dải Gaza trong "khoảng thời gian không xác định" sau khi xung đột kết thúc.

Các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục. Sau chuyến công du Trung Đông vào tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Nhật Bản dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 (nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới) trong 2 ngày 7 và 8-11.

Theo AP, cuộc xung đột kéo dài hơn một tháng tại Dải Gaza và nỗ lực xoa dịu khủng hoảng nhân đạo tại đó là một chủ đề chính của hội nghị. Các bộ trưởng G7 dự kiến tìm kiếm lập trường chung về hướng tiếp cận đối với cuộc xung đột đang đe dọa gây bất ổn cả Trung Đông.

Phát biểu trước thềm hội nghị, ông Blinken cho biết sẽ trao đổi với những người đồng cấp khác trong G7 về những nỗ lực Mỹ đang tiến hành, như mở rộng cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza, thúc đẩy Israel đồng ý về những khoảng dừng trong cuộc xung đột để đưa nhiều hàng cứu trợ hơn vào vùng đất này và đưa nhiều dân thường hơn ra ngoài, ngăn xung đột lan rộng…

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi ngày 12-11 để bàn về tình hình Dải Gaza. Đáng chú ý, theo trang tin tức Etemadonline, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ đến Ả Rập Saudi dự hội nghị này. Trước đó một ngày, lãnh đạo các nước thành viên Liên đoàn Ả Rập sẽ họp khẩn tại Riyadh để bàn về xung đột Israel - Hamas.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/suc-ep-len-israel-va-hamas-gia-tang-20231107211406104.htm