Sức hấp dẫn từ dòng sách du ký

Khác với một số dòng sách ở Việt Nam, sau một thời gian thịnh hành có chiều hướng bão hòa, dòng sách du ký kể từ khi được chú ý đến nay cũng đã gần 10 năm, vẫn được các đơn vị xuất bản săn đón và độc giả yêu thích.

Tác giả Nguyễn Hữu Tài trong buổi ra mắt một cuốn sách du ký tại Đường sách TPHCM cuối năm 2018

Chưa hạ nhiệt

Gần đây, Nguyễn Chí Linh là tên tuổi được chú ý ở dòng sách du ký. Từ năm 2018 đến nay, anh đã giới thiệu đến độc giả 5 cuốn sách ở thể loại này, gồm: Trên con đường tơ lụa, Bốn mùa trên xứ Phù Tang, Sương khói Perú, Một Hồi giáo khác biệt ở Java và mới đây là Vàng son một thuở Ba Tư do NXB Tổng hợp ấn hành. Không dễ gì để có thể đến được những nơi như Nhật Bản (thuở Việt Nam và Nhật Bản chưa mở rộng giao thương) hay Perú, Java, Ba Tư… Sức hấp dẫn từ những trang sách của Nguyễn Chí Linh nằm ở đó. Trước Nguyễn Chí Linh, một tên tuổi khác cũng được yêu mến là nhà văn Phan Việt với bộ ba tác phẩm: Một mình ở châu Âu, Xuyên Mỹ và Về nhà. Ngoài sự thú vị đến từ hành trình, nơi đến, sách du ký của Phan Việt còn chinh phục người đọc bởi cảm xúc, giọng văn mang dáng dấp tiểu thuyết.

Không chỉ 2 cái tên trên, nhiều tác giả cũng đã trở nên quen thuộc trong cộng đồng ưa thích xê dịch. Có thể kể đến Trương Anh Ngọc với Nước Ý, câu chuyện tình của tôi, Phút 90++, Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu, Hẹn hò với Paris; Nguyễn Hữu Tài với Đi rong trên những múi giờ, Lê la quán xá quê nhà; Đinh Hằng với Chân đi không mỏi - Hành trình Đông Nam Á, Quá trẻ để chết - Hành trình nước Mỹ; Đỗ Quang Tuấn Hoàng với Vắt qua những ngàn mây, Theo dấu chân Người tình, Ngang dọc đường trà…

Đặc biệt, Sống - thương hiệu sách tác giả Việt Nam còn thành lập hẳn tủ sách Văn hóa Trải nghiệm mà du lịch - du ký là một mảng nhỏ trong đó. Hiện nay, tủ sách này có gần 30 đầu sách đã xuất bản bao gồm sách du học ở các quốc gia: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý..., các sách du lịch trong và ngoài nước. Tủ sách này không chỉ dành cho người Việt Nam ở Việt Nam mà còn dành cho những người Việt Nam ở nước ngoài nên góc nhìn rộng hơn. Nói về lý do ra đời của tủ sách Văn hóa Trải nghiệm, chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Giám đốc điều hành của Sống, cho biết: “Nhu cầu của người Việt Nam hướng ra thế giới ngày càng nhiều, họ đi du lịch, học tập, làm việc, sinh sống. Ngoài ra, với những người Việt trẻ là công dân toàn cầu, nơi nào cũng có thể là nhà. Đó chính là lý do ra đời của tủ sách Văn hóa Trải nghiệm. Chúng tôi không có tham vọng gì lớn lao, chỉ mong chia sẻ kinh nghiệm cho những người Việt trẻ - những công dân toàn cầu và mong có thể là một ngọn đuốc để dẫn đường người Việt trẻ tự tin hòa nhập toàn cầu”.

Trung thực với chính mình và độc giả

Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp, cho biết: Không phải đến bây giờ, NXB Tổng hợp mới theo hướng làm sách du ký. Chỉ là đọc những tác phẩm du ký đó, chúng tôi thấy đọng lại giá trị gì (văn hóa, tinh thần), nét đặc sắc gì, phong cách riêng của từng tác giả... để chọn lựa. Với tiêu chí đi tìm hồn cốt văn hóa, chúng tôi làm sách. Ví dụ: Quen lạ xứ người của Lam Anh là những ghi nhận quen - lạ về tập tục, văn hóa Nhật Bản từ điểm nhìn của một nền văn hóa khác (Việt Nam); Làm gì trước 30 của Hà Chiến Thắng gợi cảm hứng trải nghiệm, xông pha trên những cung đường nguy hiểm của một chàng thanh niên mê phượt; Vàng son một thuở Ba Tư của Nguyễn Chí Linh là sự lý giải những huyền bí ma thuật của người Hy Lạp cổ khi tác giả hành quân theo “con đường hoàng gia”...

Dự đoán, ít nhất trong khoảng 5 năm nữa, thể loại sách du ký chắc chắn còn tiếp tục được nối dài bởi nhu cầu “xách ba lô lên và đi”, nhất là với những người trẻ. Tuy nhiên, vì được viết ra từ những trải nghiệm cá nhân, mang tính chủ quan, nên họ “bày” ra món nào thì độc giả phải ăn món đó. Đôi khi có những vấn đề, những chuyện mà chỉ có tác giả biết, còn đơn vị xuất bản và độc giả không biết. Đã từng có những “lời nói dối” hay viết sai sự thật từ những cuốn sách thuộc thể loại du ký như trường hợp của Huyền Chip hay Alex Tu từng có thời gian khiến độc giả nổi giận.

Theo chị Nguyệt Nga, điều đáng giá nhất của dòng du ký - trải nghiệm văn hóa, là người thật việc thật; có bài học, kinh nghiệm nào tốt hơn điều thật, nhân chứng sống? Chị nói: “Những rủi ro như của Huyền Chip không nhiều, và quả thật chúng ta cũng nên nhìn vào những gì Huyền Chip đạt được trong học tập, cuộc sống để bao dung hơn, hay nói cách khác, nhìn vào mặt tốt nhiều hơn. Khi xuất bản một cuốn sách quả thật có những thứ không thể lường trước được, vì vậy, chúng tôi bao giờ cũng kiểm tra thông tin với tác giả, kiểm tra thông tin vùng miền... trước khi hoàn thiện cuốn sách”.

Từng chu du khắp các tỉnh, thành trong nước và hơn 100 quốc gia trên thế giới, tác giả Nguyễn Chí Linh tâm sự rằng, dù là người ngoại đạo nhưng ngay từ khi bắt đầu viết bài du lịch cho báo giấy, anh luôn nghĩ đến chữ tâm với nghề, đề cao sự trung thực. “Tôi là người thật thà, có trải nghiệm như thế nào thì kể lại như vậy, không thêm mà cũng chẳng bớt. Báo giấy là chứng cứ xác thực của giấy trắng mực đen và khi viết sai sự thật bắt buộc phải đăng tin xin lỗi độc giả. Đó cũng là lý do tại sao tôi chỉ viết báo giấy mà không viết cho các trang online như để nhắc nhở, rèn luyện bản thân mình cần có chữ tâm hơn trong các bài viết”, Nguyễn Chí Linh cho biết.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/suc-hap-dan-tu-dong-sach-du-ky-653578.html