Sức hút Câu lạc bộ Hát then xã Ea Ly

Các thành viên CLB Hát then xã Ea Ly tập luyện một tiết mục hát then biểu diễn trong các dịp lễ hội. Ảnh: NGÔ XUÂN

Với mong muốn gìn giữ nghệ thuật hát then truyền thống, người đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hát then xã Ea Ly. CLB góp phần truyền dạy nghệ thuật hát then cùng những làn điệu dân ca, dân vũ cho các thế hệ trẻ, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Món ăn tinh thần

CLB Hát then xã Ea Ly được thành lập từ năm 2013, với hơn 20 thành viên, đều là người dân tộc Tày, Nùng, sinh sống tại thôn Tân Lập, xã Ea Ly. Các thành viên trong CLB ở độ tuổi từ 40-60; gồm nhiều thành phần dân tộc, điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng có chung tinh thần yêu nghệ thuật hát then truyền thống. CLB sinh hoạt định kỳ vào tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Vào những dịp lễ, tết, các thành viên CLB sẽ tập trung mỗi tối để ôn luyện các câu ca, điệu nhạc, chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội của cộng đồng.

Bà Dương Thị Nga, 54 tuổi, dân tộc Tày, một trong những thành viên lâu đời nhất của CLB cho biết: Trước đây, khi còn ở quê nhà Lạng Sơn, tôi biết đến những điệu hát then trên đài phát thanh. Sau khi rời quê lập nghiệp tại Ea Ly, được gia nhập CLB hát then giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Gần 10 năm nay, được tham gia sinh hoạt CLB, tập đàn, tập hát đã trở thành một món ăn tinh thần vô cùng quan trọng của tôi sau những giờ làm việc vất vả.

Bà Lý Thị Lâm, 58 tuổi, dân tộc Tày, cho hay: Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, công việc ruộng rẫy bộn bề, nhưng chỉ cần cầm lên cây đàn tính, hát những làn điệu then thì bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Càng ngày tôi càng mê hát then. Hiện nay, cháu ngoại tôi cũng rất yêu âm thanh của cây đàn tính. Tôi mong muốn các con, các cháu thế hệ trẻ sau này cũng tập hát then để cùng lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Các thành viên CLB hát then phần lớn là nông dân, sáng đi làm rẫy, tối đến mới tập trung lại tập đàn hát, ca múa. Mỗi thành viên đều tự trang bị trang phục dân tộc, nhạc cụ như đàn tính, sóc nhạc, quạt… để duy trì luyện tập, ca múa. “Hiện các thành viên của CLB đều tự đàn, hát, biểu diễn rất chuyên nghiệp. Ngoài tham gia các hoạt động văn nghệ tại cộng đồng, địa phương, CLB còn giao lưu với các CLB cũng như cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh lân cận”, bà Lương Thị Hỷ, Chủ nhiệm CLB Hát then xã Ea Ly, nói.

Nỗ lực gìn giữ nghệ thuật truyền thống

Bà Lương Thị Hỷ cho rằng: Theo quan niệm của người Tày, then (thiên) là trời, nên hát then là câu hát giúp gửi lời cầu khấn đến trời. Đàn tính là một loại nhạc cụ dân gian, được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm cho âm thanh mượt mà, ấm áp. Hát then, đàn tính là một loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian, nhằm thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Lời hát then được dân gian chắt lọc, là những câu hát, lời thơ giàu cảm xúc, nhằm khích lệ, khuyên răn con người về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống.

Hát then thường được biểu diễn theo hình thức diễn xướng tổng hợp, gồm đàn, hát, múa. Người hát then thường phải sử dụng thành thạo nhạc cụ đàn tính và sóc nhạc để vừa hát, đệm đàn, vừa múa theo các làn điệu dân ca. Hát then, đàn tính thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên. Do vậy, hát then thường được người dân hát trong dịp năm mới, lễ hội, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Tày, Nùng. Một hình thức khác của hát then là hát sli của người Nùng và hát lượn của người Tày. Hát sli, hát lượn mang đậm tính giao duyên, trữ tình, đối đáp, thường được dùng trong các dịp lễ hội, năm mới, đám cưới nhằm tăng cường gắn kết cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Minh Sương, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, cho biết: Ea Ly có nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, đa phần là dân tộc Tày, Nùng, Thái từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn vào làm kinh tế mới. Năm 2013, CLB Hát then xã Ea Ly được thành lập, tạo sân chơi bổ ích, giúp người đồng bào dân tộc Tày, Nùng có cơ hội giao lưu, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua đó góp phần truyền dạy nghệ thuật hát then cùng những làn điệu dân ca, dân vũ cho các thế hệ trẻ, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/420/291286/suc-hut-cau-lac-bo-hat-then-xa-ea-ly.html