Sức hút của đỉnh Gia Lan qua giải leo núi
Lần đầu tiên, Giải leo núi 'Chinh phục đỉnh Gia Lan' được UBND huyện Văn Bàn tổ chức đã thu hút đông vận động viên trong và ngoài huyện tham gia, góp phần quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của Văn Bàn, tạo sản phẩm du lịch thể thao mới, hấp dẫn.
Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Gia Lan” năm 2023 có quy mô cấp huyện mở rộng, thu hút hơn 600 vận động viên đến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài huyện Văn Bàn ngay trong lần đầu tổ chức. Các vận động viên đã được trải nghiệm chinh phục cung đường leo núi dốc tự nhiên, cự ly 7,6 km, đích là đỉnh núi Gia Lan ở độ cao 1.458 m so với mực nước biển.
Tham gia nội dung leo núi nam ngoài huyện Văn Bàn, anh Sùng A Phử (thị xã Sa Pa) đã xuất sắc về đích đầu tiên. Ngoài vui mừng vì thành tích đạt được, anh Phử còn ấn tượng bởi vẻ đẹp thiên nhiên trên cung đường chinh phục núi Gia Lan huyền thoại.
Từ lâu, núi Gia Lan là biểu tượng của Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn, việc chinh phục ngọn núi huyền thoại này là ước mơ của mỗi người dân nơi đây, trong đó có ông Vũ Văn Đỏm (xã Khánh Yên Hạ).
Ông Đỏm là một trong những vận động viên lớn tuổi nhất tham gia Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Gia Lan” năm nay. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng ông vẫn chưa một lần được đặt chân lên đỉnh núi Gia Lan. Vì vậy, giải là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để ông có thể thực hiện ước mơ của mình. Hình ảnh người đàn ông tóc đã bạc nhưng vẫn leo “thoăn thoắt” chinh phục đỉnh núi có lẽ là một trong những hình ảnh ấn tượng nhất giải đấu.
Còn đối với em Hoàng Tòn Nhất (xã Dần Thàng), những câu chuyện về núi Gia Lan em chỉ được nghe người thân kể lại hoặc được học trong nhà trường. Tham gia giải, em đã về đích thứ 2 nội dung leo núi nam trong huyện.
Em Nhất cho biết: Khi mới xuất phát, em gặp vấn đề về sức khỏe, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Lúc đó, gia đình là động lực để em bước tiếp.
Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Gia Lan” năm 2023 đã thành công tốt đẹp. Thông qua giải giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Văn Bàn, đồng thời nâng cao sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân trên địa bàn về ý thức giữ gìn và bảo tồn những giá trị thiên nhiên, văn hóa bản địa.
Đỉnh Gia Lan có độ cao 1.458 m so với mực nước biển, thuộc dãy Hoàng Liên, là ngọn núi có địa hình hiểm trở, với rừng nguyên sinh dày đặc, thác nước nhiều.
Dưới chân núi là những thung lũng bằng phẳng, vừa rộng, vừa dài, kéo từ xã Làng Giàng, thị trấn Khánh Yên đến các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken, Liêm Phú… Bao quanh chân núi Gia Lan là các bản làng của đồng bào Tày, Dao sinh sống.
Đặc biệt, nơi đây có Khu di tích Pú Gia Lan. Đây là khu căn cứ bí mật trong vùng địch được hình thành từ năm 1947 do Huyện ủy Văn Bàn chỉ đạo, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Khu căn cứ này thường được gọi là Khu du kích Gia Lan.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/suc-hut-cua-dinh-gia-lan-qua-giai-leo-nui-post375429.html