Sức hút của ngành chip bán dẫn
Do nhu cầu nhân lực ngành chip bán dẫn tăng cao thời gian tới, nhiều trường đại học mở ngành, tăng quy mô đào tạo lĩnh vực này.

Một giờ học thí nghiệm của sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC
Đón đầu xu hướng
Cả nước hiện có khoảng 75 chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch bán dẫn và tiếp tục tăng khi các trường đại học mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giảng dạy ngành học này. Điểm chuẩn đầu vào của ngành trong năm 2024 cũng phản ánh sức nóng, dao động từ 26 - 28 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trong số đó, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo ngành Thiết kế vi mạch, với điểm chuẩn năm 2024 lên đến 80,03/90. Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi đào tạo chuyên sâu về thiết kế và chế tạo vi mạch bán dẫn cũng lấy điểm chuẩn cao 27,41/30.
Tại Việt Nam, xu hướng chuyển dịch đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt bán dẫn đang ngày càng rõ rệt. Hàng loạt doanh nghiệp lớn như: Amkor, Hana Micron, Synopsys... đặt nhà máy và trung tâm nghiên cứu phát triển tại các tỉnh, thành lớn, kéo theo nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng chóng mặt.
Đặc biệt, trong năm 2025, Chính phủ Việt Nam và các trường đại học, cao đẳng hàng đầu đã có nhiều chính sách ưu tiên đào tạo sinh viên theo học ngành Vi mạch bán dẫn. Điều này khiến ngành này lên ngôi trong mùa tuyển sinh năm 2025, trở thành một trong những ngành học “hot” nhất.
Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển 4.120 sinh viên và mở thêm 4 ngành, chương trình mới gồm: Khoa học dữ liệu; Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng Thiết kế vi mạch; Công nghệ vật liệu; Công nghệ sinh học. Ngoài ra, trường tăng chỉ tiêu ở một số ngành thế mạnh như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính.
Chia sẻ về các ngành học mới, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Các ngành đào tạo mới đều tiếp cận đến nhóm học sinh giỏi, học sinh tài năng. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và công nghệ kỹ thuật.
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học được định hướng để dồn lực phát triển kỹ thuật, công nghệ, PGS.TS Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thông tin: Dự kiến năm 2025, Học viện mở nhiều ngành học mới đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ số.
Trong đó, các ngành và chương trình đào tạo mới gồm: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ vi mạch bán dẫn, Logistics, Truyền thông đa phương tiện chất lượng cao, An toàn thông tin chất lượng cao. Vì vậy, chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Bưu chính Viễn thông dự kiến tăng so với năm 2024.

Học sinh Trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) dự Ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2025. Ảnh: Vân Anh
Cân nhắc trước khi lựa chọn
Việc ưu tiên phát triển trung tâm nghiên cứu tại các trường học, mở rộng dự án hợp tác đào tạo và đầu tư vào chương trình nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên không chỉ giỏi về lý thuyết, mà còn có kỹ năng thực hành vững chắc, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành khi tốt nghiệp.
GS.TS Nguyễn Thế Toàn - Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Công nghệ bán dẫn là một trong những lĩnh vực cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất vi mạch, cảm biến, thiết bị điện tử và công nghệ số.
Sinh viên theo học chương trình cử nhân công nghệ bán dẫn được đào tạo bài bản, có nền tảng kiến thức lý thuyết vững vàng và kỹ năng thực hành thành thạo để làm việc tại các vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn như: Chế tạo; thiết kế, đóng gói và kiểm chuẩn của các linh kiện bán dẫn tích hợp; phát triển vật liệu mới nhằm nâng cao chất lượng linh kiện, thiết bị.
Ngoài đào tạo chuyên môn, sinh viên được tôi luyện các kỹ năng mềm như thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và có trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp, quản lý, làm việc nhóm và năng lực ngoại ngữ tốt để làm việc trong môi trường đa ngành, đa văn hóa, đa quốc gia.
Có thể nói, vi mạch bán dẫn đang là lĩnh vực đầy triển vọng. Tuy nhiên, trước khi quyết định lựa chọn ngành học này, học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên năng lực, sở trường để lựa chọn nguyện vọng phù hợp.
Chia sẻ về cơ hội học tập cho học sinh tại mùa tuyển sinh năm nay, TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, ngành Vi mạch bán dẫn đòi hỏi khả năng tư duy logic, yêu thích kỹ thuật, điện tử, máy tính và công nghệ. Những học sinh đam mê tìm hiểu cấu trúc, khám phá, lắp ráp có tiềm năng học ngành này.
Vi mạch bán dẫn có nhiều kiến thức liên quan đến môn Toán, Vật lý. Do đó, học sinh cần có nền tảng vững chắc các môn học này. Cùng đó, do thường xuyên tiếp xúc với tài liệu chuyên ngành, giao tiếp với chuyên gia nước ngoài, việc có nền tảng tiếng Anh tốt là lợi thế lớn. Nếu chưa giỏi tiếng Anh trước khi theo học ngành này thì có thể bắt đầu trau dồi vốn tiếng Anh chuyên ngành trong quá trình học.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang đối mặt với tình trạng khát nhân lực trên phạm vi toàn cầu. Các tập đoàn công nghệ lớn như Micron, Intel, Samsung, TSMC, Qualcomm…. cần đội ngũ kỹ sư bán dẫn có chuyên môn sâu để phục vụ sản xuất và nghiên cứu phát triển.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-hut-cua-nganh-chip-ban-dan-post728319.html