Sức hút đầu tư từ công nghiệp

Trước bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid - 19, thế nhưng trong 3 quý năm 2021 toàn tỉnh tiếp tục ghi nhận thêm hơn 20 dự án đăng ký mới, trong đó có 1 dự án bên lĩnh vực công nghiệp có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Ngoài ra, còn có 32 dự án được cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, Bình Thuận hiện đã thu hút gần 1.600 dự án, với tổng vốn 321.180 tỷ đồng, trong đó bao gồm 116 dự án FDI (đầu tư nước ngoài, có vốn đăng ký 3,348 tỷ USD) còn hiệu lực. Thực tế cho thấy trong quá trình phát triển, địa phương luôn tích cực mời gọi đầu tư ở hầu hết các lĩnh vực và công nghiệp luôn khẳng định sức hút và đón nhiều dự án quy mô về địa bàn tỉnh.

Sức hút đầu tư từ công nghiệp

Theo định hướng phát triển, đến nay hoạt động sản xuất công nghiệp đã thể hiện bước đột phá mạnh mẽ với điểm nhấn nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm ngành sản xuất - phân phối điện. Qua đó dần đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, thể hiện qua hệ thống hơn 40 nhà máy điện vận hành gồm thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời… có tổng công suất 6.285,38 MW. Nhờ thu hút đầu tư trong thời gian qua, dự kiến đến cuối năm 2021 tại Bình Thuận sẽ có thêm 6 dự án sản xuất năng lượng tái tạo với sản lượng điện thiết kế 737 triệu kWh/năm (tổng vốn đầu tư hơn 10.100 tỷ đồng) hoàn thành, phát điện.

Trong khi đó, tại địa phương có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động, đã thu hút được 85 dự án thứ cấp đầu tư và góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động. Trong số các dự án hoàn thành đi vào hoạt động, có 26 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm thanh long (xuất tươi, sấy khô, sơ chế), hạt điều, gỗ, may mặc, giày dép, giấy, phụ tùng ô tô, cấu kiện sắt thép, khoáng sản, hải sản… Do tác động tiêu cực từ đại dịch nên trong 9 tháng năm nay, tình hình mời gọi đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp gặp khó khăn và bị chững lại. Theo đó chỉ thu hút 1 dự án đầu tư là Nhà máy Pigment TiO2 Sông Bình, dù vậy quy mô đầu tư vốn đăng ký đến 11.525,78 tỷ đồng (tương đương hơn 500 triệu USD), vượt gấp nhiều lần kế hoạch thu hút vốn đầu tư cả năm 2021.

Theo quy hoạch, đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 24 cụm công nghiệp thu hút, bố trí 174 dự án đầu tư, tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 8.200 lao động địa phương. Tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn thu hút được 3 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp dù gặp không ít khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cụ thể gồm: Dự án nhà máy bê tông Nam Hà (vốn đầu tư 50 tỷ đồng) tại Cụm công nghiệp Nam Hà 2, dự án sản xuất nước mắm (vốn đầu tư 3 tỷ đồng) tại Cụm công nghiệp Phú Hài và dự án nhà máy sản xuất các loại bóp, ví, cặp, va li, ba lô, túi xách, dây thắt lưng bằng vải da (vốn đầu tư 46 tỷ đồng) tại Cụm công nghiệp Nghị Đức.

Tận dụng tiềm năng công nghiệp của Bình Thuận, có thể nói nhóm ngành sản xuất - phân phối điện không những cung cấp đủ nguồn điện phục vụ phát triển tỉnh nhà mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Còn đối với các khu, cụm công nghiệp đã từng bước tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dự ước cả năm nay vượt chỉ tiêu 502 triệu USD, tạo nhiều việc làm ổn định cũng như tăng thu ngân sách cho địa phương.

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/suc-hut-dau-tu-tu-cong-nghiep-142176.html