Sức hút lớn của Giải báo chí quốc gia
Ngày 16/11, tại tỉnh Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí quốc gia; tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024.
Tham dự hội nghị có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Tuấn- Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình; đại biểu của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc; các Liên Chi hội và Chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hấp dẫn của Giải ngày càng lớn, được đông đảo giới báo chí và công chúng quan tâm và tham gia”.
“Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới, đặt ra những yêu cầu, thách thức trong quá trình tổ chức Giải”. ông Lê Quốc Minh cho biết thêm.
Được biết, năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020; triển khai hướng dẫn thực hiện Quyết định 558/QĐ-TTg và Hướng dẫn 3824/HD-BVHTTDL ngày 15/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 khu vực phía Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ trong 5 năm tiếp theo.
Đặc biệt, Hội nghị lần này đã phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí quốc gia, những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong quá trình tổ chức, từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.
Đồng thời, Hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có những tham luận và đóng góp ý kiến, làm rõ một số vấn đề như: Đánh giá kết quả của Giải Báo chí quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải.
Tiếp đến là đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với trọng tâm là tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác một cách có chất lượng, công tâm.
Cuối cùng là các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính - kế toán.
Chia sẻ bên lề Hội nghị với Báo TG&VN, Đại tá Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân cho hay: “Hội nghị chuyên đề chuyên sâu rất thiết thực cho công việc làm báo của các cấp hội, của các nhà báo. Thông qua hội nghị, chúng ta có thể là trao đổi kinh nghiệm quý của các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo nói chung. Mỗi phóng viên/nhà báo nói riêng có thêm thông tin, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng tác nghiệp bổ ích hỗ trợ công việc chuyên môn ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, phục vụ nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Là một trong hiếm những người đoạt nhiều giải thưởng của Hội, nhà báo Đại tá Nguyễn Văn Hải chia sẻ thêm: “Một tác phẩm có giải, cần các tiêu chí chung như: Chọn đề tài có tính phát hiện mới hoặc làm mới những vấn đề cũ; rõ ràng về thể loại báo chí và viết sinh động; có thông điệp, có mục tiêu cao cả giúp thay đổi nhận thức, hành vi của con người. Còn tiêu chí riêng là, phải say nghề, dấn thân, trăn trở, tìm tòi. Đề tài mới cần “đầu tư” nghiêm túc. Có sự tham gia góp ý, định hướng chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, hỗ trợ của đồng nghiệp. Tác phẩm thể hiện được sức mạnh tập thể làm báo. Theo đó, nếu phát huy được sức mạnh cá nhân và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, những tác phẩm báo chí mới có chất lượng tốt”.
Với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp Hội, sự tích cực đóng góp ý kiến của quý vị đại biểu và tinh thần làm việc khoa học, chuyên nghiệp của Ban tổ chức, Hội nghị đã làm rõ các kết quả nổi bật cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai tham dự Giải Báo chí quốc gia hằng năm, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng của Giải, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cũng như đánh giá việc thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022 đạt được các yêu cầu đề ra và Hội nghị đã thành công tốt đẹp.
Cùng ngày, các đại biểu tiếp tục tham dự Hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-hut-lon-cua-giai-bao-chi-quoc-gia-250253.html