Sức hút ngành sư phạm: Cơ hội rộng mở
Triển khai Chương trình GDPT mới, nhu cầu giáo viên càng trở nên cấp bách hơn.
Thực tế này đòi hỏi mỗi địa phương, nhà trường phải chủ động rà soát, sắp xếp, bồi dưỡng và tuyển dụng; nhất là đặt hàng trường sư phạm đào tạo giáo viên…
Vùng khó “khát” giáo viên
Bước vào năm học 2021 - 2022, thầy trò Trường Tiểu học Hố Gùi, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) vừa lo phòng chống dịch bệnh, vừa lo vì thiếu cơ sở vật chất, trường lớp và cả giáo viên. Lo nhất là thiếu giáo viên giảng dạy Chương trình mới lớp 1, lớp 2. Theo chia sẻ của một giáo viên, việc phải dạy liên trường tại vùng sâu, vùng xa chiếm nhiều thời gian, công sức. Do đó giáo viên cũng gặp khó, thậm chí thiệt thòi vì không có thời gian tự nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Trường Tiểu học Hố Gùi có 3 điểm, gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Để đảm bảo việc dạy học, giáo viên của trường khá vất vả khi đến lớp do phụ thuộc phương tiện xuồng ghe, đò… Thầy Trần Chí Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điểm chính Hố Gùi với 10 lớp; 2 điểm lẻ tên Đầm Chim, Trảng Tràm, mỗi điểm có 3 lớp. Trường hoàn toàn bị cô lập giao thông bộ. Nếu không để tồn tại các điểm lẻ này, nguy cơ học sinh bỏ học rất cao.
Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, mỗi năm tỉnh tuyển viên chức ngành Giáo dục 2 lần nhưng vẫn thiếu. Hiện cấp THPT còn 40 biên chế chưa tuyển được. Đặc biệt là giáo viên môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Giáo dục thể chất, Tiếng Anh… vừa thiếu, vừa không có nguồn tuyển. Về giải pháp, theo ông Dự, sở đã tham mưu UBND tỉnh cho phép hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên. Cụ thể, cho phép các trường thiếu giáo viên được thỉnh giảng giáo viên trường khác để đảm bảo chương trình.
Tình trạng thiếu giáo viên mầm non gây nhiều khó khăn cho ngành GD-ĐT Tiền Giang. Toàn tỉnh còn thiếu 343 giáo viên mầm non, vì vậy việc huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường chưa đạt theo chỉ tiêu đề ra do địa phương không có nguồn tuyển dụng. Một số sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non của các trường ngoài tỉnh nhưng không về địa phương công tác.
Bên cạnh đó, khó khăn được ngành Giáo dục Tiền Giang xác định là còn một số giáo viên lớn tuổi ngại đứng lớp, an phận, chưa năng động. Đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn đang là bài toán khó.
Đội ngũ nhà giáo tuy đã được tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhưng theo quy định Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, một bộ phận chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo (giáo viên mầm non tốt nghiệp CĐ Sư phạm; giáo viên phổ thông tốt nghiệp ĐH Sư phạm) nên cần tiếp tục đào tạo bồi dưỡng.
Theo ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, tỉnh cũng gặp khó về biên chế giáo viên, còn thiếu khoảng 600 giáo viên mầm non… Theo ngành Giáo dục các địa phương, ở một số môn học, đặc biệt là cấp tiểu học, dù muốn tuyển giáo viên, cũng không có nguồn.
Địa phương mong muốn các cơ sở đào tạo giáo viên có chiến lược để cung cấp nhân lực, đặc biệt là giáo viên dạy chương trình mới. Hệ thống trường sư phạm cũng cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cũng như phát triển ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo…
Cần tầm nhìn xa
Thống kê của tỉnh Cà Mau, năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục tỉnh cần hơn 500 biên chế, bao gồm: Mầm non (173), tiểu học (55), THCS (53) và các đơn vị, trường học trực thuộc sở (269 người). Đặc biệt, tỉnh thiếu hơn 350 giáo viên cho Chương trình GDPT 2018 đối với các môn Tin học và ngoại ngữ cấp tiểu học.
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, tỉnh rà soát đội ngũ theo tinh thần Công văn số 371 ngày 26/1/2021 của Bộ GD&ĐT, về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh và Tin học dạy cấp tiểu học. Tỉnh đã trình Trung ương để tăng cường bổ sung nguồn nhân lực, đáp ứng đủ các vị trí việc làm cho ngành nhằm đảm bảo chương trình và nâng cao chất lượng GD&ĐT cho tỉnh.
Tỉnh An Giang cũng xác định khó khăn khi đội ngũ giáo viên chuyển sang triển khai chương trình mới. Qua rà soát, tỉnh còn thiếu giáo viên tiếng Anh. Về vấn đề tuyển dụng, theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, một số trường hợp có trình độ cử nhân tiếng Anh nhưng không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Để tháo gỡ, tỉnh đề xuất Bộ GD&ĐT có thêm thông tư về bồi dưỡng sư phạm cho đội ngũ này để hỗ trợ địa phương tuyển được giáo viên.
Các địa phương cũng đang đề xuất cần có cơ chế để tuyển giáo viên Tin học, ngoại ngữ cho lớp 3, tạo điều kiện cho các địa phương có đủ giáo viên thực hiện Chương trình mới. Để gỡ khó, một số địa phương chủ động trong chính sách tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên… Như TP Cần Thơ, ngành Giáo dục khuyến khích trường tiểu học thực hiện giảng dạy những môn tự chọn như Tin học, Tiếng Anh... Có bước chuẩn bị, nên khi áp dụng bắt buộc dạy học môn đặc thù từ lớp 3, các trường đảm bảo được yêu cầu giáo viên, cơ sở vật chất.
Nhiều địa phương có chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục thông qua tuyển dụng đặc cách, có cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thuận lợi. Đây là tín hiệu tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng như thu hút người giỏi vào ngành sư phạm…
Như tỉnh Tiền Giang thực hiện chế độ ưu đãi cho giáo viên ở 57 xã vùng sâu vùng xa gồm: Trợ cấp tiền ăn, tiền xe trong thời gian 3 năm hoặc cho đến khi nào không còn thiếu giáo viên… Nhiều tỉnh có lộ trình đào tạo giáo viên, nâng chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên theo các hình thức liên kết đào tạo, hỗ trợ kinh phí, đào tạo theo địa chỉ. Có chính sách thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm như: Tặng học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí, tạo môi trường học tập, thực hành…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/suc-hut-nganh-su-pham-co-hoi-rong-mo-z5eLC1I7g.html