'Sức hút' Việt Nam qua những con số đầu tư biết nói
Trước bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm và trong nước đang đối mặt với không ít thách thức, những con số đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, Việt Nam vẫn có sức hút rất lớn và tiềm năng hồi phục bền vững trước khó khăn. Đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 10 tháng của nước ta.
Thăng hạng nhanh chóng trong thu hút FDI
Số liệu thống kê mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) cho thấy, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm. Cụ thể, trong 10 tháng qua, vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, trong số đó, có 2.608 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 66,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 5,33 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ.
Nhận định về những con số này, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, tuy vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm, nhưng số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư an toàn, đầy triển vọng của Việt Nam và đó là lý do lớn nhất để họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Không chỉ vậy, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thăng hạng trong thu hút FDI. Điển hình, bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ (cùng với Singapore, Malaysia). Đặc biệt, HSBC nhấn mạnh, bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Tín hiệu vui đối với nền kinh tế
Theo các chuyên gia kinh tế, kể từ khi được thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang tác động tốt đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ EU vào Việt Nam. Hiện khu vực kinh tế năng động này đang ở vị trí thứ 6 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.
Đánh giá về bức tranh đầu tư của Việt Nam từ đầu năm đến nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nước ta đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, phát triển ngành bán dẫn và đầu tư FDI tăng trưởng tốt trong lĩnh vực này là tín hiệu rất vui cho sự phát triển về “chất” của nền kinh tế.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỷ USD, chiếm gần 73,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 32,8%) và điều chỉnh vốn (chiếm 54,4%).
Các chuyên gia cũng nhận định thêm, trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á thì Việt Nam chính là điểm sáng đối với các nhà đầu tư. Điều đó là thành quả bước đầu từ những định hướng của chính phủ về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nguồn, bán dẫn, năng lượng xanh trong thời gian qua.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), dẫn chứng thời gian qua, các nhà máy bán dẫn liên tục được thành lập. Điển hình, nhà máy bán dẫn lớn thứ 2 miền Bắc của Tập đoàn Amkor tại Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) đã đi vào hoạt động. Hana Micron - “ông lớn” ngành bán dẫn Hàn Quốc, khánh thành nhà máy đóng gói và kiểm định chất bán dẫn tại Bắc Giang.
Dự án nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) có tổng mức đầu tư 440 triệu USD dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2025. Nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn mong muốn rót vốn vào Việt Nam. Chủ Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) muốn đầu tư một dự án 400 triệu USD ở Bắc Ninh.
“Nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến các ngành công nghiệp công nghệ cao - công nghiệp bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng thời gian tới” - ông Tuấn nhấn mạnh, khi chia sẻ với báo giới.
Doanh nghiệp EU sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam
Hơn một nửa số doanh nghiệp thực hiện khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý, có tới 31% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào top 3, trong đó 16% doanh nghiệp ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.