Sức khỏe cho mọi người

Năm 1948, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế thế giới và quyết định lấy ngày 7/4 hằng năm là ngày Sức khỏe thế giới. Đây là 1 trong 8 chiến dịch y tế công cộng toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của sức khỏe, trong đó bao hàm toàn diện cả về thể chất, sức khỏe tinh thần và cảm xúc.

Mỗi năm, ngày Sức khỏe thế giới được WHO lựa chọn 1 chủ đề, năm 2023, chủ đề ngày Sức khỏe thế giới được lựa chọn là “Sức khỏe cho mọi người”.

Khám sức khỏe cộng đồng giúp phát hiện kịp thời các bệnh không lây nhiễm để quản lý và diều trị cho người dân.

Khám sức khỏe cộng đồng giúp phát hiện kịp thời các bệnh không lây nhiễm để quản lý và diều trị cho người dân.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người cũng như của toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”. Những giá trị nhân văn, quan điểm chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng vào thực tiễn công tác chăm sóc sức khỏe và cải thiện điều kiện sống cho người dân trong giai đoạn hiện nay. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình và cả hệ thống chính trị.

Ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi, như vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Mặt trái của tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm môi trường sống. Các yếu tố về hành vi lối sống đã và đang làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp mãn tính. Những căn bệnh này đang chiếm tới hơn 70% số ca tử vong hằng năm. Việc phòng, chống các yếu tố gây bệnh, phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh là rất quan trọng.

Hướng đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ngành y tế tỉnh đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ở vùng nông thôn, biên giới, vùng sâu. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về chăm sóc dinh dưỡng trẻ trong 1 nghìn ngày đầu đời, xây dựng mô hình “Cải thiện thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng” tại các xã nông thôn mới. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức các hoạt động cân, đo, theo dõi tăng trưởng định kỳ cho trên 98,5% trẻ, đồng thời quản lý chặt các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, giám sát phát hiện, điều trị kịp thời...

Xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đóng vai trò chiến lược trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, góp phần giảm bệnh dịch, nâng cao năng suất lao động, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được triển khai thường xuyên thông qua các hình thức kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở thực phẩm. Các đơn vị y tế thực hiện đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giúp nâng cao nhận thức của cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về sức khỏe gắn với an toàn thực phẩm.

Tại Dự thảo Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, Bộ Y tế đã đưa ra mục tiêu chung hướng đến người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế và sức khỏe tốt nhất. Có rất nhiều yếu tố tổng hòa ảnh hưởng đến sức khỏe, như môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng; phòng, chống dịch bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh...
Bên cạnh những nỗ lực của các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, mỗi người dân cũng cần chủ động tự chăm sóc sức khỏe, tạo lối sống lành mạnh, rèn luyện thân thể, nâng cao nhận thức để xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/366242-suc-khoe-cho-moi-nguoi