'Sức khỏe' doanh nghiệp vẫn là nỗi lo lớn
Tham gia thẩm tra các nội dung về kinh tế, xã hội, cả đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều lo ngại về sức khỏe của khu vực doanh nghiệp, trong đó có những khó khăn không nhỏ đến từ hạn chế của việc ban hành và thực thi chính sách.
Phân tích kỹ về “sức khỏe” doanh nghiệp
Chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội vào tháng 10 tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tiến hành thẩm tra tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024.
Báo cáo nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khái quát, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
“Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết. Riêng chỉ tiêu GDP, theo báo cáo là “phấn đấu mức cao nhất”; Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) dự kiến vượt, ước thực hiện 3,5%/4,5%.
Một trong những kết quả được nêu tại báo cáo đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là công tác phát triển lực lượng doanh nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực, thúc đẩy liên kết, liên doanh, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong nước và khu vực.
Tháng 8/2023 có trên 14.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7/2023 (tăng 17,9% về số doanh nghiệp và 3,9% về vốn so với cùng kỳ năm 2022). Tính chung 8 tháng, có 149.400 doanh nghiệp gia nhập thị trường, 103.700 doanh nghiệp đăng ký thàng lập mới và 45.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Những con số này chưa khiến các vị đại biểu dự phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yên tâm.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một trong những tín hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao, tốc độ thành lập doanh nghiệp mới giảm, dù năm 2023 đáng ra là giai đoạn quan trọng để doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh hơn nữa.
Nhắc lại mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân là năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, với tiến độ thành lập doanh nghiệp mới như hiện tại, thì mục tiêu lớn, quan trọng như vậy rất khó đạt được. Điều này cũng là tín hiệu dự báo về việc làm, ngân sách trong thời gian tới sẽ khó khăn.
Cho rằng cần phân tích thật kỹ về “sức khỏe” doanh nghiệp để có giải pháp cải thiện chỉ số này, ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sốt ruột nêu vấn đề: “Báo cáo chỉ nêu năm nay thành lập bao nhiêu doanh nghiệp thôi. Chuyên gia Trần Đình Thiên nói ở Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 rằng, doanh nghiệp ta chịu khó, chịu khổ rất tốt, nhưng không lớn được, do chính sách hay do cái gì mà sao không lớn được?”.
Vẫn theo ông Minh, thì doanh nghiệp thành lập ra có vốn sẵn rồi dần tiêu hết, đến phần vay ngân hàng, sau đó cũng nợ đầm, nợ đìa. “Cần báo cáo xem có bao nhiêu doanh nghiệp nợ và không nợ ngân hàng. Từ đó tính chính sách dài hạn cho doanh nghiệp”, ông Minh đề nghị.
“Một tháng tính ra 16.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, doanh nghiệp thành lập mới cũng khó khăn. Các anh rút lui khỏi thị trường là những anh mạnh, những anh thành lập mới đóng góp cho thị trường còn hạn chế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh bình luận.
Chính sách khiến doanh nghiệp dở khóc, dở cười
Đến từ cơ quan thường xuyên tiếp nhận thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp, Phó tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, năm 2023 có một số vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. “Chưa năm nào ảnh hưởng lớn như vậy”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Điển hình là việc chậm trễ trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) tác động cực kỳ lớn tới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành hàng xuất khẩu như gỗ, cao su, điện tử…
Doanh nghiêp vẫn khó khăn trong hoàn thuế.
- Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội
Về hoàn thuế giá trị gia tăng, đến nay, một số doanh nghiệp báo cáo còn khó khăn. Đơn vị nào sai phạm đã được đưa hồ sơ sang cơ quan điều tra. Nhưng mấy tháng rồi, tiếp cận tín dụng khó khăn, tiền hoàn thuế, như Chủ tịch Quốc hội nói, đó là tiền của doanh nghiệp, nhưng bây giờ vẫn treo ở đấy và không cẩn thận có những doanh nghiệp không có nguồn vốn, không có “máu” để vận hành.
“Một số doanh nghiệp quy mô lớn như Lioa, xuất khẩu ra hàng trăm thị trường, hiện nay lãnh đạo Lioa cho biết, họ đã dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu và hàng ngàn lao động phải ngừng việc. Đây là vấn đề của hoàn thuế. Tất nhiên, có sự khác nhau về quan điểm giữa ngành thuế và doanh nghiệp, nhưng rõ ràng hệ quả của chính sách này đối với doanh nghiệp nội địa sản xuất có thương hiệu tốt như Lioa là điều chưa từng xảy ra”, ông Tuấn nêu ví dụ.
Ví dụ tiếp theo được ông Tuấn đề cập là Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, mục tiêu là chống chuyển giá, nhưng thực ra lại điều chỉnh rất nhiều doanh nghiệp trong nước.
“Từ cuối năm 2020, lãi suất rất cao. Khi lãi suất cao, thì chi phí vay tăng cao. Hiện nhiều doanh nghiệp đang dở khóc, dở cười, rơi vào hoàn cảnh rất bi đát, vì bối cảnh kinh doanh rất khó khăn, nhưng chi phí vay, tỷ lệ vay trên vốn tăng cao, do chịu sự điều chỉnh của Nghị định 132, nên bị tính thêm thuế. Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ cực kỳ khó khăn, nhưng hiện chưa có đánh giá, nghiên cứu, rà soát việc này”, ông Tuấn phản ánh.
“Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất 4 lần, nhưng đã trúng vào những khó khăn của doanh nghiệp hay chưa. Đâu đó hiện nay, thủ tục giải ngân vẫn khó khăn cho doanh nghiệp và yêu cầu các phí khác (như phí bảo hiểm) khi muốn vay”, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận.
Đại biểu Nam phân tích, hiện doanh nghiệp có 3 nguồn vốn đầu tư, gồm chính sách tài khóa, tiền tệ và vốn đầu tư nước ngoài. Về chính sách tài khóa, 8 tháng giải ngân đầu tư công được hơn 42%, thì 4 tháng cuối phải giải ngân tốc độ gấp 3 lần mới đạt mục tiêu kế hoạch giải ngân năm nay. Chính sách tiền tệ, tín dụng 8 tháng mới tăng 5,5%, trong khi chỉ tiêu là 14,5%, cho thấy tăng trưởng tín dụng cũng là áp lực. Trong khi đó, nợ xấu nội bảng tăng 3,56%, tăng cao so với mục tiêu dưới 3%, gây áp lực lên chi phí vốn, tức là các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng thêm.
“Chính phủ cần phân tích kỹ hơn thực trạng tài chính để có giải pháp tháo gỡ”, ông Nam nêu quan điểm.
Hồi đáp về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng hết sức để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, hạ lãi suất, nhưng khó khăn ở đây là sức hấp thụ của nền kinh tế khi tổng cầu yếu, sức khỏe doanh nghiệp có vấn đề. Vì thế, cần giải pháp đồng bộ hơn để thúc đẩy tăng đơn hàng, mở rộng thị trường và cần tăng cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phương án tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
Về hoàn thuế VAT, với trường hợp của Lioa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, doanh nghiệp này kinh doanh tương đối lớn. Từ năm 2019, doanh thu của Lioa đã đạt trên 8.500 tỷ đồng, nhưng số đóng góp cho ngân sách rất thấp, dưới 0,1% (0,089%) doanh thu, tức là thuộc diện rủi ro và phải kiểm tra.
Ông Hưng nói thêm, từ năm 2019 đến nay, có 31 lần cơ quan hoàn thuế thực hiện hoàn thuế. Kỳ 32, 33, doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế 60 tỷ đồng, thì đã xử lý 10 tỷ đồng đối với trường hợp đủ hóa đơn, chứng từ.
Còn 50 tỷ đồng qua xác minh tại Đồng Nai, Hưng Yên, thì nhiều doanh nghiệp, nhà máy là đầu vào nguyên liệu cho Lioa là “doanh nghiệp ma”.
“Chúng tôi chuyển cơ quan điều tra để điều tra xác minh việc này. Cơ quan thuế thực hiện đầy đủ chức năng, trong trường hợp đầy đủ hồ sơ chứng từ, thì hoàn cho doanh nghiệp theo quy định”, ông Hưng khẳng định.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/suc-khoe-doanh-nghiep-van-la-noi-lo-lon-d199660.html