Sức khỏe học đường - nghĩ sớm, làm sớm

Sức khỏe học đường có 3 trụ cột là dinh dưỡng học đường, thể lực học đường và vệ sinh trường học. Thực tế cho thấy hiện hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em, học sinh phổ thông đã dần đi vào nề nếp và từng bước được cải thiện hơn về chất lượng so với những năm trước.

Chăm sóc y tế trường học là khâu quan trọng.

Chăm sóc y tế trường học là khâu quan trọng.

Điều này được thể hiện ở kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (từ 5-19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỉ lệ này là 23,4%).

Bên cạnh đó, tỉ lệ học sinh được tiêm vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm đạt mức cao, cơ sở vật chất học tập, rèn luyện thể dục thể thao được sửa sang, thay mới, các bữa ăn dinh dưỡng học đường được tổ chức thường xuyên…

Khám bệnh tổng quát định kỳ.

Khám bệnh tổng quát định kỳ.

Nhưng sức khỏe của học sinh trong nhà trường phổ thông hiện nay cũng đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Có thể kể đến như: thuốc lá, rượu bia, bạo lực học đường, bạo lực trên không gian mạng, trầm cảm do áp lực thi cử, học hành, phát triển thể lực kém…

Tập thể dục giữa giờ.

Tập thể dục giữa giờ.

Không những thế, tại một số vùng kinh tế khó khăn, khu vực miền núi, hải đảo, học sinh còn gặp nhiều trắc trở. Từ thiếu dinh dưỡng trong các bữa ăn đến trang phục, từ cơ sở vật chất lớp học đến nơi ăn chốn nghỉ.

Đối với đội ngũ cán bộ sức khỏe học đường trong các cơ sở giáo dục cơ bản đã được kiện toàn. Thực tế cho thấy các cán bộ làm công tác này vẫn còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, hoạt động chưa hiệu quả.

Ngoài những nơi có cán bộ chuyên môn, còn có những người làm không chuyên trách, chưa được đào tạo bài bản. Vẫn còn có những trường học thiếu cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ y tế. Ở những vùng khó khăn, có thể nói việc có cán bộ sức khỏe học đường là điều khá xa vời.

Giờ thể dục của học sinh phổ thông.

Giờ thể dục của học sinh phổ thông.

Trước những khó khăn về mọi mặt, chúng ta cần tập trung khắc phục, có biện pháp cụ thể để tháo gỡ.

Thứ nhất, cần chú trọng đến việc xây dựng quy định cụ thể về sức khỏe học đường. Hiện nay, sức khỏe học đường đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, chỉ đạo sát sao qua các nghị quyết, quyết định như:

- Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

- Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia trong việc chăm sóc cho thế hệ tương lai của Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, cần có những hướng dẫn, cần sự vào cuộc một cách triệt để của các cơ quan chức năng.

Thứ hai, không ngừng bổ sung nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác sức khỏe học đường. Bởi lẽ đây là nguồn cốt yếu giúp đảm bảo sức khỏe học đường, duy trì, làm vai trò nòng cốt, mang tính sáng tạo.

Các cấp có thẩm quyền cần mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho các cán bộ, nhân viên y tế.

Thứ ba, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất như: thiết bị y tế, khu vận động, rèn luyện thể dục thể thao nhằm phát triển toàn diện, mỗi học sinh đi học không chỉ lĩnh hội tri thức mà còn phát triển cả về thể chất, đáp ứng được các tiêu chuẩn về sức khỏe theo từng lứa tuổi cụ thể.

Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của sức khỏe học đường, giúp phụ huynh học sinh hiểu biết hơn, quan tâm hơn để không bỏ lỡ thời điểm "vàng" để nâng cao thể trạng của con em mình, tăng cường sự trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh.

Các phương thức truyền tải hiện nay rất đa dạng cả về phương tiện và phương diện, đặc biệt là trong thời đại chuyển đổi số, sự phát triển của mạng xã hội.

Thứ năm, tạo sự phát triển cân bằng sức khỏe giữa giới tính, vùng miền. Tại các vùng miền núi, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn hay vùng nông thôn nghèo, bữa ăn của học sinh còn thiếu dinh dưỡng, thiếu các bữa ăn học đường.

Như vậy, việc chăm sóc sức khỏe học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Hãy chung tay góp sức để xây dựng một môi trường học tập an toàn, lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, bởi đây chính là thế hệ "chủ nhân tương lai của đất nước", vì một Việt Nam vươn cao hơn.

Với khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao, nền giáo dục Việt Nam đang được đầu tư một cách mạnh mẽ. Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông phát triển, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên và có bước phát triển mới, cơ sở hạ tầng, chế độ chính sách ngày được quan tâm là những tín hiệu tích cực để đưa đất nước tiến tới mục tiêu đó.

Tuy nhiên, song hành với sự phát triển là những mối nguy hại về thể chất, tinh thần luôn xuất hiện và tiềm tàng trong từng cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay. Đây luôn là vấn đề nhức nhối, một bài toán khó dành cho các cán bộ làm công tác về sức khỏe học đường.

(Bài dự thi "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")

Nguyễn Thị Hà

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/suc-khoe-hoc-duong-nghi-som-lam-som-179240814155509442.htm