Sức khỏe không phải để đánh đổi: cần pháp lý đủ mạnh, đủ sâu

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả, thiết bị y tế kém chất lượng và thực phẩm chức năng giả được phát hiện tại một số nhà thuốc và bệnh viện đã đặt ra những vấn đề pháp lý và quản trị cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Dưới góc độ pháp luật, đây không chỉ là hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mà còn là dấu hiệu vi phạm quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và chặt chẽ hơn của hệ thống pháp luật và các chủ thể có liên quan.

Thực trạng đáng lưu tâm

Từ vụ việc một số sản phẩm sữa bột dinh dưỡng được cung ứng qua hình thức đấu thầu chính thức tại bệnh viện, đến các lô thực phẩm chức năng, thuốc và thiết bị y tế bị phát hiện làm giả, gắn mác nước ngoài nhưng sản xuất trong nước với nguyên liệu không đảm bảo - tất cả cho thấy những thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc trong ngành y tế.

Đáng chú ý, các đối tượng vi phạm đã sử dụng những phương thức rất tinh vi: hợp thức hóa hồ sơ, đăng ký nhãn hiệu, thậm chí tạo dựng các công ty phân phối có pháp nhân rõ ràng. Việc này gây khó khăn đáng kể cho công tác giám sát, hậu kiểm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường dược và thiết bị y tế đang ngày càng mở rộng. Thực trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp pháp lý chủ động, bài bản và hiệu quả hơn nữa.

Dưới góc nhìn pháp lý, theo Luật sư Hồ Minh Khánh - Giám đốc hãng luật MKLaw - thuộc Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng hoặc thiết bị y tế có thể bị xử lý theo Điều 193 và 194 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với khung hình phạt nghiêm khắc - lên đến tù chung thân hoặc tử hình nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như làm chết người, gây thiệt hại lớn về tài sản, tổn hại sức khỏe hàng loạt.

Tuy nhiên, luật sư cũng lưu ý thêm rằng: “Việc chứng minh yếu tố hậu quả và mối quan hệ nhân quả trong các vụ án này không đơn giản, do đó trong thực tiễn, cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng trước tiên hình phạt theo khoản 2 hoặc 3 Điều 193 hoặc 194, sau đó mở rộng điều tra để xem xét trách nhiệm cao hơn nếu có đủ căn cứ”.

Cùng với đó, trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong chuỗi phân phối và sử dụng hàng hóa y tế cũng cần được làm rõ và xác lập minh bạch. Theo luật sư Khánh, trách nhiệm này có thể bao gồm: trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại, theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, đối với các bên gây ra hậu quả do sản phẩm không an toàn; trách nhiệm hành chính, được xử lý theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP hoặc Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong một số tình huống cụ thể, trách nhiệm hình sự của cán bộ chuyên môn cũng cần được đặt ra - nhất là khi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc thông đồng với đối tượng cung ứng hàng giả. Trường hợp đó có thể bị xem xét theo Điều 360 Bộ luật Hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở đây, mục tiêu của pháp luật không chỉ là trừng phạt, mà là để phòng ngừa và kiểm soát. Mỗi hành vi thiếu kiểm tra, mỗi sơ suất trong phê duyệt hồ sơ có thể vô tình trở thành điều kiện để hàng giả len lỏi vào bệnh viện - nơi đáng ra phải là nơi an toàn nhất cho người bệnh” - luật sư nhận định.

Tăng cường kiểm soát bằng công cụ pháp lý mềm

Bên cạnh các quy định xử lý hình sự nghiêm khắc, hệ thống pháp luật cũng cần bổ sung những giải pháp mang tính phòng ngừa, chủ động và kỹ thuật cao hơn nhằm kiểm soát rủi ro từ sớm, từ xa. Trong đó, một số hướng đi cần được đẩy mạnh như: đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các sản phẩm y tế lưu hành trong bệnh viện và nhà thuốc, nhằm kiểm tra nhanh chóng, chính xác nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm; tăng cường các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất có trọng điểm, kết hợp với công nghệ kiểm tra nhanh tại chỗ để kịp thời phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng trước khi đến tay người sử dụng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông về thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế, giúp các cơ sở y tế truy cập và kiểm tra tức thời tính hợp pháp của sản phẩm trong quá trình mua sắm.

Song song đó, cần củng cố cơ chế xác lập trách nhiệm pháp lý rõ ràng cho từng chủ thể trong chuỗi cung ứng - từ nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, phân phối đến cơ sở sử dụng. Đây không phải để quy kết trách nhiệm, mà là để đảm bảo tính minh bạch, ràng buộc nghĩa vụ pháp lý cụ thể và thúc đẩy cơ chế tự kiểm soát nội bộ hiệu quả.

Từ góc độ quyền lợi người dân, đây cũng là dịp để củng cố niềm tin vào hệ thống y tế và pháp luật. Khi một sản phẩm giả lọt vào tay người bệnh, thiệt hại không chỉ là về vật chất, mà còn là nỗi lo thường trực về sức khỏe và sự an toàn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong quản lý y tế, đồng thời thiết lập cơ chế phản hồi, tiếp nhận thông tin và xử lý khiếu nại nhanh chóng, hiệu quả - giúp người dân cảm thấy mình được bảo vệ đúng nghĩa dưới mái che của pháp luật.

Củng cố hệ thống pháp luật trong lĩnh vực y tế - từ quy trình cấp phép, kiểm định đến hậu kiểm và giám sát sử dụng - không phải để gây khó cho các chủ thể kinh doanh chân chính, mà là để lành mạnh hóa môi trường, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và bảo vệ giá trị cốt lõi của y đức. Những bài học từ các vụ việc gần đây không nên chỉ dừng lại ở cảnh báo, mà cần trở thành hành lang pháp lý vững chắc, nhắc nhở rằng trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người, sự thận trọng, minh bạch và trách nhiệm pháp lý luôn cần được đặt lên hàng đầu.

Hồ Khánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/suc-khoe-khong-phai-de-danh-doi-can-phap-ly-du-manh-du-sau.710766.html