Sức khỏe nhân dân luôn được chăm sóc chu đáo

Phủ nhận những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có việc chăm sóc chu đáo sức khỏe nhân dân, các thế lực xấu đã và đang ra sức xuyên tạc, vu cáo chúng ta trong lĩnh vực này.

Họ cho rằng Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng của Việt Nam không quan tâm đến vấn đề sức khỏe của nhân dân. Trong đó, họ nói nhiều đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Họ cho rằng cán bộ tập trung lo vơ vét, kiếm tiền, dân mất ATTP cũng mặc kệ. Họ còn bịa đặt, thổi phồng, vu cáo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) chỉ tìm cách thu lợi bất chính, để cho thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả xuất hiện tràn lan… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân. Họ còn xuyên tạc cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nặng về hình thức, kém hiệu quả, hàng Việt Nam nhiều hàng giả, bị tẩy chay…

Bộ Công Thương triển khai kịp thời các quy định thuộc trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, nhất là công tác kiểm tra thị trường, bảo đảm vệ sinh ATTP

Bộ Công Thương triển khai kịp thời các quy định thuộc trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, nhất là công tác kiểm tra thị trường, bảo đảm vệ sinh ATTP

Nhưng sự thật là Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị ở Việt Nam luôn quan tâm chú ý chăm lo đến đời sống mọi mặt của nhân dân. Các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn đặt lên hàng đầu lợi ích của nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”, trong đó ghi rõ: “Nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống”.

Nhà nước, các ngành chức năng, các địa phương vào cuộc quyết liệt trong tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ để bảo đảm ATTP. Luật ATTP ra đời và nhanh chóng đi vào cuộc sống, các vi phạm trong lĩnh vực này cũng bị phát hiện, xử lý nghiêm túc, đem lại kết quả tích cực.

Trong những nỗ lực chung ấy, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của ngành Công Thương. Bộ Công Thương triển khai kịp thời các quy định thuộc trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, nhất là công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, vì sức khỏe nhân dân. Bộ chủ động tăng cường tham gia vào việc rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP, tiến hành nhiều biện pháp tích cực theo chức trách, thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Chỉ trong những ngày đầu tháng 4/2022, Bộ Công Thương kịp thời có nhiều việc làm thiết thực để bảo đảm ATTP. Như: khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng kẹo thạch sữa trái cây do khi sử dụng loại kẹo này có nguy cơ gây nghẹt thở vật lý; hay đề nghị thu hồi kẹo socola nhãn hiệu Kinder đang lưu hành trên thị trường do không bảo đảm ATTP … Bộ cũng chủ động xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng cơ quan chức năng, lực lượng chức năng để hoạt động có hiệu quả hơn.

Quý I/2022, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã xử lý hơn 4.400 vụ, trong đó có nhiều vụ hàng giả, hàng kém chất lượng là bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… nộp ngân sách 538 tỷ đồng và khởi tố 42 vụ với gần 60 đối tượng. Hiện nay lực lượng QLTT cả nước đang đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đạt hiệu quả tốt nhất trong Tháng hành động vì ATTP năm 2022 (từ ngày 15/4 - 15/5/2022).

Cùng với tăng cường biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, Bộ Công Thương cũng kiên quyết xử lý các hành vi sai phạm trong nội bộ với tinh thần kiên quyết, nghiêm minh, công khai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm để sửa chữa, khắc phục, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Vừa qua, Bộ đã kiên quyết xử lý nghiêm với một số cán bộ QLTT có vi phạm. Tháng 1/2022, khi phát biểu với lực lượng QLTT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã xác định “Chỉ cần một cán bộ vi phạm trong lực lượng QLTT, lập tức ngành Công Thương bị mang tiếng, hình ảnh bị méo mó” và thẳng thắn chỉ rõ: QLTT là lực lượng thực thi pháp luật, có quyền hạn và trực tiếp xử lý các vi phạm, nên nếu lực lượng này mà sai phạm thì “không thể chấp nhận được và phải xử phạt nặng hơn”.

Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tạo ra sức mạnh đồng bộ, tổng hợp bảo đảm tốt ATTP, vì sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, thực hiện tốt quy định của Luật ATTP về trách nhiệm của Bộ Công Thương cùng với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố ATTP; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đối với những sự cố về ATTP ở nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam thuộc lĩnh vực được phân công”.

Sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng, trong đó có ngành Công Thương đã và đang đem lại những thành tựu tốt đẹp trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó nhân dân cũng như các doanh nghiệp thêm tin tưởng, tự giác, hăng hái đóng góp vào công việc chung, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng, trở thành những nhà sản xuất, kinh doanh lành mạnh, người tiêu dùng thông minh… Đây cũng là cơ sở vững chắc, là động lực to lớn để chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa cuộc sống đất nước và nhân dân ta ngày càng phát triển vững bền.

Phạm Thái Hưng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-khoe-nhan-dan-luon-duoc-cham-soc-chu-dao-175622.html