Sức lan tỏa của Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Nguyễn Văn Toàn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nguồn vốn

Nguyễn Văn Toàn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh

Qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nguồn vốn "phủ” khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Cuối tháng 5/2024, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phát động phong trào "Gửi tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo" nhằm huy động nguồn vốn thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao sổ tiết kiệm cho các cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH tỉnh. Ảnh: P.V

Cuối tháng 5/2024, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phát động phong trào "Gửi tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo" nhằm huy động nguồn vốn thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao sổ tiết kiệm cho các cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH tỉnh. Ảnh: P.V

Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 9 huyện) với 151 xã, phường, thị trấn. Trong đó có một huyện nghèo, 145 đơn vị cấp xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 507 thôn, xóm đặc biệt khó khăn. Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh nhưng tình hình phát triển KT-XH của tỉnh được giữ vững, ổn định với nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 0,68% so với năm 2022, GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,77 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.046 tỷ đồng. An sinh, phúc lợi xã hội được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, lao động, việc làm được quan tâm và đạt kết quả tốt. Để đạt được những kết quả đó có vai trò quan trọng của hoạt động TDCS mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai, nhất là từ khi Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với TDCSXH và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Trong 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua đó làm thay đổi lớn nhận thức về vị trí TDCSXH và xác định đây là công cụ hữu hiệu để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Từ đó thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, tập trung nguồn lực cho NHCSXH để phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn vay phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người nghèo, các đối tượng chính sách. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCSXH gắn với tạo lập nguồn vốn từ ngân sách địa phương, đưa vào chương trình, kế hoạch hàng năm, từng giai đoạn của UBND tỉnh, các huyện, thành phố, coi đây là một trong những giải pháp mang tính căn cơ, trọng điểm để triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và từng địa phương.

Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tại chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 5.108,4 tỷ đồng, tăng 3.240 tỷ đồng (173,4%) so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn từ T.Ư chuyển về là 4.452,6 tỷ đồng, tăng 2.631,3 tỷ đồng so với năm 2014; nguồn vốn huy động tại địa phương 454,1 tỷ đồng, tăng 413,2 tỷ đồng so với năm 2014; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 201,6 tỷ đồng, chiếm 4%/tổng nguồn vốn, tăng 195,6 tỷ đồng, gấp 32,2 lần so với khi chưa có Chỉ thị số 40-CT/TW. Đây là nỗ lực rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhằm bổ sung thêm vốn cho NHCSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 20 chương trình TDCS với tổng dư nợ đạt 5.096,7 tỷ đồng, tăng 3.233,6 tỷ đồng (tăng 2,7 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, với gần 102 nghìn hộ còn dư nợ, chiếm 46,2% số hộ dân trên địa bàn và chiếm 12,6% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm qua, nguồn vốn TDCS đã giúp trên 125,4 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm trên 103,3 nghìn lao động, giúp 1,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ trên 31,9 nghìn HSSV được vay vốn để chi phí học tập; mua hơn 1 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến; đầu tư xây dựng trên 223,7 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trên 4,4 nghìn căn nhà cho người nghèo, 572 căn nhà ở xã hội. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015 từ 31,51% xuống 12,26%; giai đoạn 2016 đến nay, từ 24,38% xuống còn 9,2%.

Sau 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW là một chủ trương đúng đắn của Đảng, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện TDCSXH. Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống, tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025), Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 - 2030) và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với TDCSXH. Coi việc tổ chức thực hiện TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển KT-XH. UBND tỉnh sẽ tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh bao gồm: vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác sang chi nhánh NHCSXH tỉnh theo mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cơ chế, chính sách đặc thù về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống NHCSXH.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn vốn từ T.Ư, địa phương cho TDCSXH, đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động TDCSXH trên địa bàn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, sai sót và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn TDCS.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191273/suc-lan-toa-cua-chi-thi-so-40-cttw-tren-dia-ban-tinh-hoa-binh.htm