Sức lan tỏa của một phong trào
Từ lâu, phong trào văn hóa, văn nghệ (VH-VN) quần chúng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các địa phương đều chú trọng phát triển các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm văn nghệ quần chúng, vì vậy, phong trào VH-VN quần chúng được phát triển rộng khắp với nhiều nhân tố tích cực. Qua đó, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Đã thành thông lệ, định kỳ vào ngày 20 hằng tháng, các thành viên CLB Hát văn, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch lại gặp gỡ, giao lưu văn nghệ, tập luyện và truyền dạy hát Văn cho các thành viên.
Chủ nhiệm CLB Lê Đức Dũng cho biết: “Năm 2014, CLB Hát văn xã Sơn Đông được thành lập với 35 thành viên tham gia sinh hoạt, đều là những người am hiểu, đam mê bộ môn hát Văn. Dù bận rộn với những công việc khác nhau, nhưng khi đến với CLB, mọi người đều cố gắng thu xếp để luyện tập, cùng nhau sưu tầm, phục dựng, biểu diễn các tiết mục truyền thống. Vào các dịp lễ, Tết hay các sự kiện quan trọng của địa phương, các thành viên lại tụ họp tập luyện và biểu diễn phục vụ bà con trong xã”.
Đầu năm 2020, CLB Khiêu vũ Tam Dương chính thức được thành lập với 31 thành viên. Thành phần tham gia CLB khá đa dạng, bao gồm cán bộ hưu trí, những người làm kinh doanh, buôn bán, lao động phổ thông, học sinh...
CLB có lịch tập hầu hết các ngày trong tuần, với nhiều điệu nhảy sôi động như Bachata, Chachacha, Zumba… Ngoài ra, CLB cũng đưa thêm các bài nhảy dân vũ vào tập luyện.
Hằng ngày, vào 2 khung giờ, từ 5-6h và từ 17-19h, các thành viên CLB có mặt đông đủ để luyện tập, các chị em nhảy thành thạo sẽ hướng dẫn cả nhóm hoặc hỗ trợ người mới tham gia. CLB được duy trì trên tinh thần tự nguyện của các thành viên, có nội quy hoạt động rõ ràng. Mỗi tháng, các thành viên CLB sẽ đóng quỹ để duy trì hoạt động.
Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ Tam Dương Nguyễn Thị Trung Hậu chia sẻ: “Khi tham gia CLB, chị em không những được rèn luyện sức khỏe mà còn gần gũi, sẻ chia với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, hỗ trợ nhau về mọi mặt. Đặc biệt, CLB cũng tham gia rất nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, qua đó, chị em được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Không chỉ thu hút thành viên trên địa bàn huyện, CLB còn thu hút sự tham gia của nhiều người ở những địa phương khác".
Toàn huyện Tam Dương hiện có hơn 120 CLB VH-VN quần chúng; trong đó, nhiều CLB hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Cùng với xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư thiết chế văn hóa ngày càng hoàn chỉnh.
Nhiều nhà văn hóa tại các khu dân cư được xây mới khang trang, với hội trường, sân khấu rộng rãi, trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng và các thiết bị phụ trợ cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các CLB, đội văn nghệ.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng, tạo sân chơi lành mạnh để các CLB biểu diễn tài năng, phục vụ nhân dân.
Không chỉ ở huyện Tam Dương mà tại các huyện, thành phố khác trong tỉnh, phong trào VH-VN quần chúng cũng thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa-Thông tin tỉnh tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các CLB VH-VN quần chúng, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ quần chúng; thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn gắn với các sự kiện chính trị của địa phương, góp phần tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các hạt nhân VH-VN; làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật biểu diễn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của đông đảo người dân.
Trong 2 năm (2020-2021), mặc dù các hoạt động biểu diễn văn nghệ, tập trung đông người đều phải tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, song không vì thế mà phong trào VH-VN ở cơ sở mai một, trầm lắng. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các cấp, ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các CLB, đội văn nghệ trên địa bàn sinh hoạt sôi nổi trở lại.
Mới đây, Trung tâm Văn hóa-Thông tin tỉnh đã tổ chức Hội thi dân ca, dân vũ cấp tỉnh dành cho các CLB không chuyên. Hội thi đã thu hút 16 đoàn nghệ thuật và CLB đến từ 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia. Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên không chuyên, các hạt nhân văn nghệ sinh hoạt tại các CLB nghệ thuật được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng phong trào VH-VN quần chúng đi vào chiều sâu.
Thời gian tới, để phong trào VH-VN quần chúng lan tỏa sâu rộng tại các khu dân cư, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân đối với việc tham gia phát triển phong trào VH-VN quần chúng.
Quan tâm, duy trì, kiện toàn các CLB, đội văn nghệ quần chúng; tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để nâng cao hơn nữa chất lượng những chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77681/suc-lan-toa-cua-mot-phong-trao.html