Sức lan tỏa từ Cuộc thi 'Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh'
Hiếm có cuộc thi nào nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân như Cuộc thi 'Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Minh'. Cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng và để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho đông đảo đại biểu và khán giả qua những câu chuyện giản dị về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Qua cuộc thi đã giúp cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thấm nhuần hơn nữa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong không khí thi đua sôi nổi lập thành tích báo công dâng Bác nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Ngày mất của Người (2-9-1969 – 2-9-2019), với niềm kính yêu Bác, những ngày qua, tại khắp các vùng miền trong tỉnh, không khí tập luyện để tham gia cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” diễn ra khẩn trương, sôi nổi và thiết thực.
Dự chung kết cuộc thi do TP Thanh Hóa tổ chức, chúng tôi được nghe thuyết trình viên Lê Thị Phúc, Bí thư Đoàn phường Tân Sơn thổi hồn cho bài thuyết trình đi vào lòng người với một đoạn trong Di chúc về “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Qua giọng nói ngọt ngào và truyền cảm, thuyết trình viên đã lột tả được nội dung cốt lõi của Di chúc và lồng ghép những việc mà thế hệ trẻ đã và đang tiếp nối thế hệ cha anh đi trước, làm rạng rỡ non sông. Phần thi đã đạt giải nhất, xứng đáng với sự đầu tư, tâm huyết và cống hiến của các thành viên trong đội.
Đội Công an tỉnh đạt điểm cao nhất cụm số II tiếp tục dự thi chung kết cấp tỉnh. Ảnh: Lê Hà
Cả hội trường xúc động, bùi ngùi bởi phần thuyết trình và múa phụ họa của 12 diễn viên không chuyên đội Công an tỉnh tại chung kết Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” cụm số II (tổ chức tại thị xã Bỉm Sơn). Một lần nữa, hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân lại được khắc họa sâu sắc qua thực hiện 6 Điều Bác dạy Công an Nhân dân và lồng ghép vào phần thuyết trình là hình ảnh đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (Mường Lát) đã hy sinh khi xuống bản vận động nhân dân di dời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, tránh lũ trong cơn bão số 3 vừa qua. Phần thi của đội Công an tỉnh đã thể hiện xuất sắc và dành điểm cao nhất cụm số II, tiếp tục dự thi Chung kết Cuộc thi cấp tỉnh. Trung úy Phạm Phương Thảo, thành viên đội Công an tỉnh chia sẻ: Cuộc thi đã mang lại nhiều cảm xúc cho các thành viên trong đội. Nội dung chúng tôi xây dựng có sự tham gia góp ý của Đảng bộ, Ban Chấp hành Đoàn Công an tỉnh và các thành viên trong đội để phần thi hoàn chỉnh, ấn tượng sâu hơn. Tuy thời gian luyện tập ít nhưng đội luôn nhận được sự quan tâm động viên, tiếp sức của lãnh đạo Công an tỉnh và Ban Chấp hành Đoàn. Bằng sự nhạy cảm và bám sát thực tiễn, trách nhiệm công việc, đội đã lồng vào thuyết trình hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh hết lòng vì dân, sẵn sàng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ, góp phần “xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân”.
Dẫu vừa trải qua mất mát, đau thương trong trận bão số 3 vừa qua, nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và cấp ủy các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trên địa bàn vẫn luôn quan tâm triển khai cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” sâu rộng. Tại chung kết cuộc thi cụm số III các huyện miền núi (tổ chức tại huyện Như Thanh), đội huyện Quan Sơn đã đầu tư công phu, trả lời đúng theo yêu cầu của câu hỏi, đồng thời còn bổ sung kiến thức với những nội dung phong phú, phân tích sâu làm sáng tỏ những nội dung trong Di chúc của Bác. Phần liên hệ thực tế đã nêu bật được sự vận dụng sáng tạo của đảng bộ trong việc thực hiện Di chúc của Người, trong đó có việc xây dựng các hoạt động đối ngoại hữu nghị với tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào.
Chăm chú theo dõi chung kết Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” cụm số III đến hết buổi, thầy giáo Lê Xuân Đức, Trường THPT huyện Như Xuân bày tỏ: Tôi đã 3 lần theo dõi các cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ cấp cơ sở đến vòng thi cấp tỉnh, lần nào cũng để lại cảm xúc và ấn tượng sâu sắc. Với cán bộ, đảng viên có nhiều điều kiện để tiếp cận Di chúc của Người, nhưng với nhân dân, tầng lớp lao động và học sinh ít có điều kiện hơn nên qua các cuộc thi được tổ chức từ cơ sở trở lên sẽ giúp cho nhiều đối tượng hiểu hơn, thấm nhuần hơn Di chúc của Bác. Riêng với cá nhân tôi, tôi có thêm nhiều dẫn chứng để trong quá trình dạy học sẽ truyền đạt cho học sinh hiểu hơn, giúp các em thấm nhuần sâu sắc việc “Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ghi nhận qua các vòng thi cấp cơ sở đến vòng thi cụm cấp tỉnh, chúng tôi thấy hầu hết các thí sinh đã thể hiện sự tự tin, trí tuệ và thấm nhuần về tư tưởng trong trình bày nội dung, mang đến cuộc thi sự đa dạng, phong phú, nhưng mang đậm dấu ấn riêng, thể hiện tình cảm, sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu. Phần lớn các thí sinh đã làm chủ được nội dung thuyết trình, kỹ năng thuyết trình tốt, trình bày rõ ràng, mạch lạc, chuyển tải một cách đầy đủ, xúc cảm về nội dung, tư tưởng cốt lõi của bản Di chúc, có sức lôi cuốn người nghe. Phần thi trả lời câu hỏi phụ đã thể hiện sự hiểu biết về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trả lời các câu hỏi chính xác, đầy đủ, có liên hệ thực tiễn bản thân, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đáp ứng được yêu cầu mà Ban Tổ chức đề ra.
Đối với ban giám khảo, những người “cầm cân nảy mực” của cuộc thi được ban tổ chức cuộc thi tin tưởng giao nhiệm vụ đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm của mình, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, làm việc khoa học, khách quan, công tâm, trung thực, dân chủ theo đúng quy chế, thể lệ cuộc thi.
Đánh giá bước đầu về cuộc thi, đồng chí Nguyễn Văn Chính, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Qua theo dõi các vòng thi cấp huyện và các cụm cho thấy các tổ chức cơ sở đảng từ xã đến huyện đều làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức cuộc thi. Ngoài hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhiều huyện còn có nhiều sáng tạo trong liên hệ với thực tiễn, sân khấu hóa, hầu hết các đội đều đạt điểm khá cao. Đối tượng dự thi phong phú là cán bộ, đảng viên, học sinh, người lao động, đặc biệt là khối giáo dục tham gia đông. Phần thi thuyết trình đã được các đội phân tích sâu để hiểu hơn ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó truyền tải đến người nghe và làm nổi bật giá trị lý luận của bản Di chúc. Từ đó, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, xây dựng đất nước theo di nguyện của Bác: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau gần 2 tháng triển khai Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong toàn tỉnh đã có hàng trăm cuộc thi cấp xã, phường, thị trấn và hàng chục cuộc thi cấp trên cơ sở được tổ chức. Sau các vòng thi cấp huyện, mỗi đơn vị chọn ra thí sinh xuất sắc nhất, đội xuất sắc nhất đại diện cho đơn vị tham dự cuộc thi chung kết cụm của tỉnh, gồm 3 cụm tại: Thị xã Bỉm Sơn, huyện Như Thanh và huyện Quảng Xương. Tại vòng thi cụm, mỗi cụm chọn ra 3 đội xuất sắc nhất để tham dự chung kết cuộc thi cấp tỉnh.
Sức hút từ Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong toàn tỉnh một lần nữa đã khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc thiêng liêng, thể hiện lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đối với Bác Hồ kính yêu. Đợt sinh hoạt chính trị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sáng rõ và lan tỏa hơn nữa những giá trị của bản Di chúc, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ và con đường cách mạng của dân tộc. Cuộc thi Chung kết cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào hôm nay (23-8) - là ngày hội của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh, khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác đã căn dặn Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh.