Sức lan tỏa từ cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến 'Tìm hiểu 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa'
Sau 13 tuần thi, ban tổ chức cuộc thi đã trao 143 giải thưởng, gồm 13 giải nhất; 26 giải nhì; 39 giải ba, 65 giải khuyến khích cho các cá nhân. Hoằng Hóa là huyện đạt nhiều giải nhất với 30 giải (chiếm 20,1% tổng số giải), trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 8 giải ba và 16 giải khuyến khích; huyện Thường Xuân đạt 22 giải, trong đó có 3 giải nhất, 3 giải nhì, 8 giải ba và 8 giải khuyến khích...
Đại diện Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trao giấy khen cho các em học sinh Trường Dân tộc Nội trú tỉnh đạt giải cao cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa”. Ảnh: Thu Vui
Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa” đã kết thúc vào 8 giờ ngày 6-7-2020. Sau 13 tuần phát động, cuộc thi đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo và công tác tuyên truyền nên cuộc thi đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân. Điều đáng ghi nhận, cuộc thi đã thu hút nhiều thành phần trong xã hội tham gia. Từ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đến người tỉnh ngoài và kiều bào. Trong đó, học sinh là đối tượng tham gia nhiều nhất với 111.931 em dự thi và 1.311.212 lượt thi; viên chức có 23.750 người dự thi với 343.428 lượt thi; giáo viên có 18.815 người dự thi với 287.142 lượt thi; công chức có 10.206 người dự thi với 177.801 lượt thi; sinh viên có 5.622 người dự thi với 40.204 lượt thi; bộ đội có 1.189 người dự thi với 16.967 lượt thi; công an có 1.637 người dự thi với 12.296 lượt thi; doanh nhân có 198 người dự thi với 3.312 lượt thi; tiểu thương có 415 người dự thi với 4.197 lượt thi; nhân viên có 2.837 người dự thi với 37.728 lượt thi; công nhân có 2.323 người dự thi với 18.150 lượt thi; nghề nghiệp khác 3.817 người dự thi với 52.161 lượt thi. Đặc biệt, cuộc thi cũng đã thu hút 138 người dự thi là kiều bào với 1.305 lượt thi.
Về độ tuổi người dự thi, trên 60 tuổi là 1.327 người; từ 38 đến 60 tuổi là 36.584 người; từ 18 đến 38 tuổi là 45.335 người; dưới 18 tuổi là 99.632 người. Sau 13 tuần thi, cuộc thi đã thu hút 2.305.971 lượt người dự thi, tính trung bình khoảng 177.380 lượt dự thi/tuần. Một số địa phương, đơn vị có số lượng người đăng ký dự thi đông và thường xuyên đứng trong 10 địa phương, đơn vị dẫn đầu đó là: TP Thanh Hóa (39.413 người dự thi với 387.881 lượt thi); TP Sầm Sơn (10.083 người dự thi với 84.078 lượt thi); Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (28.400 người dự thi với 370.205 lượt thi); huyện Thọ Xuân (10.551 người dự thi với 132.684 lượt thi); huyện Nga Sơn (9.914 người dự thi với 138.091 lượt thi); huyện Hoằng Hóa (8.440 người dự thi với 160.554 lượt thi)...
Trải qua 13 tuần thi, ban tổ chức cuộc thi đã đưa ra 106 câu hỏi trắc nghiệm tương ứng với từng giai đoạn lịch sử cụ thể; nêu bật các mốc son lịch sử, gắn với những thành tựu quan trọng của đất nước, của tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới hiện nay. Cuộc thi có 133.229 lượt người trả lời đúng các câu hỏi do ban tổ chức đưa ra cho thấy sự quan tâm sâu sắc và tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Một số địa phương có số lượng bài dự thi đạt chất lượng tốt như: TP Thanh Hóa có 25.975 người trả lời đúng; TP Sầm Sơn có 6.475 người trả lời đúng; Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh có 10.415 người trả lời đúng; huyện Thọ Xuân có 7.656 người trả lời đúng; huyện Nga Sơn có 8.324 người trả lời đúng; huyện Hoằng Hóa có 6.342 người trả lời đúng; huyện Quảng Xương có 5.874 người trả lời đúng... Nhiều cá nhân đã trả lời đúng các câu hỏi của 13 tuần thi và đạt nhiều như: Anh Trần Công Định, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn đạt giải nhất tuần 1 và giải ba tuần 2; anh Nguyễn Xuân Thiêm, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, Quân khu 4 đạt giải nhì tuần 5 và giải nhất tuần 10; anh Đỗ Đình Tú, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa đạt 2 giải nhì ở tuần 4 và tuần 11... Đặc biệt, có những gia đình cả ba, bốn thế hệ cùng tham gia cuộc thi và đạt giải. Trong đó, tiêu biểu nhất là gia đình anh Hồ Văn Tình, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân. Anh Tình đạt giải ba tuần 10, vợ anh là chị Đỗ Thị Minh đạt giải ba tuần 8, con gái là Hồ Thị Ánh, học sinh lớp 11B1, Trường THPT Cầm Bá Thước đạt 2 giải nhất ở tuần 9 và tuần 11, ngoài ra anh trai anh Tình là Hồ Văn Chiến đạt giải ba tuần 13.
Sau 13 tuần thi, ban tổ chức cuộc thi đã trao 143 giải thưởng, gồm 13 giải nhất; 26 giải nhì; 39 giải ba, 65 giải khuyến khích cho các cá nhân. Hoằng Hóa là huyện đạt nhiều giải nhất với 30 giải (chiếm 20,1% tổng số giải), trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 8 giải ba và 16 giải khuyến khích; huyện Thường Xuân đạt 22 giải, trong đó có 3 giải nhất, 3 giải nhì, 8 giải ba và 8 giải khuyến khích...
Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh cũng quyết định trao giải thưởng cho 11 tập thể, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực cuộc thi cũng đã quyết định trao thưởng cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai, tuyên truyền về cuộc thi.
Qua theo dõi công tác chỉ đạo, triển khai cuộc thi ở các địa phương, đơn vị cho thấy nhiều huyện, thị, thành ủy và các đảng bộ trực thuộc đã có những sáng tạo trong công tác chỉ đạo và triển khai cuộc thi nghiêm túc, bài bản, tổ chức tổng kết trao giải thưởng cuộc thi tại địa phương, đơn vị mình. Điển hình như huyện Thường Xuân, để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân trong huyện, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ về 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức phát động tham gia cuộc thi trong hệ thống tổ chức từ huyện đến cơ sở. Trong đó, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức phát động cuộc thi sâu rộng trong hệ thống tổ chức cơ sở đoàn và toàn ngành giáo dục. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ đạo Viễn thông huyện chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng đường dẫn internet, gắn địa chỉ cuộc thi lên cổng thông tin điện tử của UBND huyện, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trong huyện; tổ chức tổng hợp số lượt người tham gia cuộc thi của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Huyện ủy. Sau 13 tuần, huyện Thường Xuân có 174 đơn vị tham gia dự thi, gồm 23 đảng bộ và 21 chi bộ trực thuộc Đảng bộ huyện, 31 cơ sở đoàn, 62 cơ sở giáo dục với 25.104 lượt thí sinh tham gia cuộc thi. Trong đó, số lượng đảng viên tham gia cuộc thi đông nhất đạt 60,26% (3.330/5.526 đồng chí đảng viên trong toàn huyện); 38,74% thí sinh tham gia cuộc thi là cán bộ, công an, quân đội, giáo viên, đoàn viên, hội viên, học sinh và các tầng lớp Nhân dân. Đơn vị có thí sinh dự thi đông nhất và dành nhiều giải nhất là Đảng bộ Trường THPT Cầm Bá Thước, Đảng bộ thị trấn Thường Xuân, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Kết thúc cuộc thi, huyện Thường Xuân đạt được 22 giải, gồm 3 giải nhất, 3 giải nhì, 8 giải ba, 8 giải khuyến khích.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh: Đây là Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến trên mạng Internet, người dự thi có thể thi một cách dễ dàng nhất ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời gian nào. Vì vậy, cuộc thi đã thu hút số lượt người dự thi lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và niềm tin tưởng sâu sắc vào vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa, khắc sâu trong tiềm thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Điểm thu hút nhất của cuộc thi là người thi được thực hiện thi 20 lần/1 tuần, do đó, tỷ lệ trả lời đúng tất cả các câu hỏi và dự đoán trúng số người tham gia cuộc thi sẽ cao hơn. Người dự thi sử dụng Internet, mạng xã hội có thể trao đổi, thảo luận để có những đáp án đúng nhất; đồng thời ôn lại những kiến thức bổ ích về lịch sử 90 năm của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Cuộc thi là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử và cách mạng của đất và người xứ Thanh trong diễn trình lịch sử của dân tộc; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của tỉnh.