Sức mạnh chiến thắng thiên tai

Bão số 3 (YAGI) kèm theo lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại miền Bắc, trong đó có tỉnh Phú Thọ. Công tác ứng phó với bão lũ được triển khai quyết liệt, kịp thời huy động được cả hệ thống chính trị và người dân chung sức đồng lòng, tạo sức mạnh chiến thắng thiên tai.

Lực lượng bộ đội giúp người dân dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ ở khu 8, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Lực lượng bộ đội giúp người dân dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ ở khu 8, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ ngày 7-11/9 đã có mưa to, nhiều nơi mưa rất to; lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp các hồ thủy điện xả lũ làm mực nước các sông trên địa bàn tỉnh lên nhanh. Đặc biệt, vào 17 giờ ngày 10/9, mực nước sông Thao tại Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa ở mức trên báo động III là 2,72 m và vượt lũ lịch sử năm 1971 là 1,4 m. Nước lũ lên nhanh, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh lập tức phải di dời; nước tràn vào nhà làm hư hỏng nhiều tài sản.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị của tỉnh, lực lượng Quân đội, Công an, cứu hộ, cứu nạn tỉnh đã nỗ lực vào cuộc không kể ngày đêm, chạy đua từng giờ để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng lũ. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, toàn tỉnh đã tiến hành di dời hơn 7.000 hộ từ vùng lũ đến nơi an toàn, đồng thời hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, tài sản. Riêng huyện Hạ Hòa đã di dời hơn 4.000 hộ dân đến nơi an toàn.

Đồng chí Lê Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa cho biết: “Toàn xã có hơn 800 hộ ở 5 khu dân cư phải di dời trong cơn lũ vừa qua. Các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, khu dân cư đã tập trung nguồn nhân lực, sử dụng thuyền, ca nô đi từng ngõ, rà soát từng hộ dân nằm trong diện ngập lụt để hỗ trợ vận chuyển người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã kết nối với xã để hỗ trợ người dân vùng bị ngập nhu, yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo cuộc sống. Đối với những khu vực nước đã rút, xã phối hợp với các lực lượng chức năng huy động thiết bị, phương tiện, máy móc tham gia dọn dẹp vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh, chuồng trại chăn nuôi... đảm bảo sớm ổn định cuộc sống và sản xuất”.

Từ trước bão số 3 và liên tục trong những ngày mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều công điện khẩn, yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Nhờ đó, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân được đảm bảo, không có người nào bị thiếu chỗ ở, đói, rét hoặc các vật dụng cần thiết khác.

Ngay sau khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và lãnh đạo Quân khu 2 đã có mặt tại hiện trường cùng với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên người bị nạn; chỉ đạo thực hiện các biện pháp trước mắt để khắc phục sự cố và các giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn giao thông;

Đặc biệt ngày 12/9, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn Công tác Trung ương đã kiểm tra công tác phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và thăm hỏi, động viên Nhân dân vùng mưa lũ tỉnh Phú Thọ.

Với tinh thần chủ động, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương cũng từng phút, từng giờ có mặt tại những “điểm nóng” để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; động viên lực lượng làm nhiệm vụ, đặc biệt là tại những điểm xung yếu; chia sẻ, chỉ đạo hỗ trợ kịp thời người dân ở những nơi bị ảnh hưởng nặng. Cả hệ thống chính trị được huy động tổng lực cùng vào cuộc khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử.

Các lực lượng chuẩn bị hàng hỗ trợ cho người dân xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa

Huy động tổng lực, chung sức đồng lòng

Với phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “Tính mạng con người là trên hết”, lực lượng Công an tỉnh huy động gần 7.500 cán bộ chiến sĩ; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động hơn 850 cán bộ chiến sĩ, hơn 13.600 dân quân tự vệ; Quân khu 2 chi viện, hỗ trợ 645 người cùng nhiều phương tiện, vật tư. Các huyện, thành, thị huy động 100 % lực lượng của BCH PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã cùng với các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và nhân dân trên địa bàn tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thượng tá Đồng Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316, Quân khu 2 cho biết: “Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau cơn bão, Sư đoàn 316 đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ có mặt kịp thời tại các khu vực nước rút, thực hiện thu dọn bùn đất, rác thải và hỗ trợ kê dọn đồ đạc, vệ sinh nhà cửa... giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Ngành Điện cũng đã kịp thời khắc phục, sửa chữa, đến nay đã cơ bản hoàn thành các sự cố công trình điện, riêng huyện Hạ Hòa còn 4 trạm biến áp chưa đóng điện do còn ngập nước (với hơn 700 hộ dân bị mất điện). Ngành Giao thông vận tải đã tổ chức phân luồng giao thông, đồng thời khẩn trương sửa chữa, khắc phục các sự cố giao thông, tạo điều kiện phục vụ đi lại của Nhân dân. Các cơ sở y tế ở vùng bị thiên tai, ngập lụt vẫn duy trì hoạt động 100% để đảm bảo nhu cầu khám chữa, bệnh của Nhân dân...

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có - Việc gì khó có thanh niên”, ngay sau khi thiên tai xảy ra, màu xanh tình nguyện đã có mặt ở tất cả các địa phương xảy ra thiên tai, lũ lụt cùng các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bão lũ.

Thật xúc động, trong khi các cơ quan chức năng, đoàn thể của tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ người dân khu vực bão lũ, đồng bào trên khắp cả nước cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng về người dân Đất Tổ. Các thiết bị, vật tư phục vụ công tác cứu hộ như thuyền, xuồng, đèn tích điện, áo phao... liên tục được tình nguyện viên ở nhiều nơi cung cấp để lực lượng cứu hộ có thể ứng cứu nhiều người nhất. MTTQ tỉnh đã tiếp nhận nguồn hỗ trợ trên 50 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân (trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ 30 tỷ đồng) để kịp thời hỗ trợ cho các địa phương vùng bị ảnh hưởng của thiên tai ổn định đời sống. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hướng dẫn trên 60 nhóm thiện nguyện đến hỗ trợ trực tiếp tại các địa bàn bị ngập úng, tổng giá trị cứu trợ hỗ trợ trên 3 tỷ đồng. Hội đã tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm bao gồm bánh chưng, mỳ tôm, gạo, sữa, nước lọc, giò, xúc xích, lương khô... trị giá 1,68 tỷ đồng, số tiền mặt tiếp nhận được 411,2 triệu đồng. Tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, tương thân tương ái được thắt chặt, lan tỏa mạnh mẽ...

Đoàn viên thanh niên xã Cao Xá, huyện Lâm Thao giúp người dân thu hoạch lúa bị đổ, ngập sau hoàn lưu bão số 3

Đoàn viên thanh niên xã Cao Xá, huyện Lâm Thao giúp người dân thu hoạch lúa bị đổ, ngập sau hoàn lưu bão số 3

Ngay sau khi nước lũ rút, tỉnh đã tập trung huy động trên 17.000 người gồm lực lượng Công an, Quân đội, các lực lượng xung kích, tổ chức đoàn thể, nhân dân tại chỗ và nhân dân các xã lân cận vùng ngập... tham gia hỗ trợ vệ sinh trường học, trụ sở, cơ sở y tế, giúp Nhân dân dọn dẹp nhà cửa; triển khai các biện pháp khử trùng, tiêu độc, vệ sinh môi trường ở các khu vực bị ngập; hỗ trợ đưa người dân trở về nơi ở cũ để sớm ổn định cuộc sống.

Dù nước lũ đã rút nhưng trên địa bàn các xã: Hiền Lương, Đan Thượng, Tứ Hiệp (huyện Hạ Hòa) nhiều nhà dân vẫn bị ngập sâu. Hiện nay, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và Nhân dân vẫn đang dồn sức tham gia dọn dẹp khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Đối với các hộ vùng ngập sâu tiếp tục tổ chức huy động xuồng máy, thuyền đảm bảo an toàn để đưa các loại nhu yếu phẩm thiết yếu cung ứng kịp thời cho người dân với phương châm “bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết”. Các địa phương, cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình, vị trí bị ảnh hưởng; đánh giá thực hiện các phương án phòng chống các tình huống, sự cố, tại các vị trí, khu vực có công trình trọng điểm xung yếu (đặc biệt lưu ý các tuyến đê bị sạt lở bờ vở sông, các hồ đập, vị trí có nguy cơ sạt lở taluy). Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết kịp thời, thông tin, yêu cầu các hộ dân có nhà ở gần taluy chủ động phương án sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn do mưa nhiều ngày đất đã ngậm no nước và bão hòa, khả năng sạt trượt là rất cao để hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người có thể xảy ra.

Phú Thọ là địa phương chịu thiệt hại lớn do thiên tai. Theo thống kê sơ bộ đến ngày 15/9, tổng thiệt hại trên 950 tỷ đồng. Cùng với nỗ lực của các địa phương tiếp tục phát huy nội lực, tỉnh rất cần huy động các nguồn lực để khắc phục những thiệt hại lớn do thiên tai gây ra.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/suc-manh-chien-thang-thien-tai-219053.htm