Sức mạnh 'con bài' Trung Quốc tung ra trong cuộc chiến chip bán dẫn
'Đây là một phát súng nhằm mục đích nhắc nhở các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan rằng Trung Quốc có các lựa chọn trả đũa và do đó ngăn cản họ áp đặt các hạn chế hơn nữa đối với việc Bắc Kinh tiếp cận các chip và công cụ cao cấp'.
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ về tương lai của chất bán dẫn đang leo thang.
Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách chơi con át chủ bài: áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hai nguyên liệu thô chiến lược là gali và germani, tối quan trọng đối với ngành sản xuất chip toàn cầu.
Các nhà phân tích của Jefferies cho biết: “Chúng tôi coi đây là biện pháp đối phó thứ hai với tầm ảnh hướng lớn của Trung Quốc đối với cuộc chiến công nghệ và có khả năng là một phản ứng đối với tiềm năng Mỹ thắt chặt lệnh cấm chip AI [của nước này].
Nguồn cơn "chiến tranh"
Tháng 10 năm ngoái, chính quyền ông Biden đã công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu cấm các công ty Trung Quốc mua chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip mà không có giấy phép.
Chip là yếu tố quan trọng đối với mọi thứ, từ điện thoại thông minh và ô tô tự lái đến máy tính tiên tiến và sản xuất vũ khí. Các quan chức Mỹ khẳng định, động thái trên là một biện pháp để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Nhưng không dừng lại ở đó. Để các biện pháp hạn chế có hiệu quả, Washington cần các nhà cung cấp chính khác, ở Hà Lan và Nhật Bản, tham gia.
Trung Quốc cuối cùng đã trả đũa. Vào tháng 4, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc điều tra an ninh mạng đối với Micron trước khi cấm doanh nghiệp Mỹ này cung ứng cho các công ty Trung Quốc đang làm việc trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Hôm 3/7, Bắc Kinh đã công bố các hạn chế đối với gali và germani.
Những vật liệu này là gì?
Gali là một kim loại mềm, có màu bạc và rất dễ cắt bằng dao, thường được sử dụng để sản xuất các hợp chất là vật liệu chính trong chất bán dẫn và điốt phát quang.
Germani là một á kim cứng, màu trắng xám và giòn, được sử dụng trong sản xuất sợi quang có thể truyền ánh sáng và dữ liệu điện tử.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã được so sánh với những nỗ lực được báo cáo của Trung Quốc vào đầu năm 2021 nhằm hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố mà Trung Quốc kiểm soát hơn một nửa nguồn cung toàn cầu.
Gali và germani không thuộc nhóm khoáng chất này. Giống như đất hiếm, rất tốn kém để khai thác hoặc sản xuất.
Điều này là do các chất này thường được hình thành như một sản phẩm phụ của quá trình khai thác các kim loại phổ biến hơn, chủ yếu là nhôm, kẽm và đồng, và được xử lý tại các quốc gia sản xuất chúng.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về cả gali và germani. Quốc gia này chiếm 98% sản lượng gali toàn cầu và 68% sản lượng germani của nhà máy lọc dầu.
“Quy mô kinh tế trong các hoạt động khai thác và chế biến mở rộng và ngày càng tích hợp của Trung Quốc, cùng với các khoản trợ cấp của nhà nước, đã cho phép nước này xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến với chi phí mà các nhà khai thác ở nơi khác không thể sánh được, duy trì vị thế thống trị thị trường của nước này đối với nhiều mặt hàng quan trọng” các nhà phân tích từ Eurasia Group cho biết hôm 4/7.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất Trung Quốc về hai nguyên liệu thô này đã tăng 10% hôm 4/7.
Ngoài Trung Quốc, các nhà sản xuất đất hiếm của Australia cũng tăng trưởng, do các nhà đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh có thể mở rộng hạn chế xuất khẩu đối với nhóm khoáng sản quan trọng chiến lược này. Lynas Rare Earths (LYSCF) tăng 1,5%.
Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về hai yếu tố quan trọng này. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy họ đã nhập khẩu hơn 50% lượng gali và germani sử dụng vào năm 2021 từ nước này.
Các nhà phân tích của Eurasia Group mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc là một “phát súng cảnh cáo”.
“Đây là một phát súng nhằm mục đích nhắc nhở các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan rằng Trung Quốc có các lựa chọn trả đũa và do đó ngăn cản họ áp đặt các hạn chế hơn nữa đối với việc Trung Quốc tiếp cận các chip và công cụ cao cấp,” Eurasia Group cho biết trong một ghi chú nghiên cứu.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng có thể có ý định sử dụng quyền kiểm soát đối với các kim loại này như một con bài thương lượng khả dĩ trong các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, dự kiến sẽ đến thăm Bắc Kinh vào cuối tuần này.