Sức mạnh của đồng Nhân dân tệ trong năm 2021 liệu có kéo dài sang 2022?
Hầu hết các tiền tệ Châu Á giảm giá trong năm 2021, nhân dân tệ tăng mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi, trong khi baht Thái giảm nhiều nhất trong số các tiền tệ Châu Á, và đồng rupee Ấn Độ giảm 4 năm liên tiếp.
Hầu hết các tiền tệ Châu Á kết thúc năm 2021 với kết quả tiêu cực, trong đó baht Thái trải qua năm giảm nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ do nền kinh tế vốn phụ thuộc vào ngành du lịch cho đến lúc này vẫn đang chịu tổn thất nặng nề do virus Covid-19. Trái lại, nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) "rực sáng trên bầu trời" tiền tệ Châu Á.
Nhân dân tệ năm 2021 tăng giá mạnh mẽ
CNY đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm so với USD trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 do xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, thặng dư thương mại ngày càng tăng và dòng vốn đầu tư chảy vào duy trì ổn định trong bối cảnh thanh khoản tiền USD trên thị trường nội địa dồi dào.
Theo đó, CNY kết thúc phiên 31/12 ở mức 6,3404 CNY/USD, cao nhất kể từ cuối tháng 5/2018, sau một năm đầy biến động. Giá trị tính theo trọng số thương mại của đồng Nhân dân tệ so với các đối tác thương mại lớn kết thúc năm cũng tăng lên mức cao nhất trong sáu năm và tính chung cả năm 2021 tăng 8,05%.
Đồng tiền Trung Quốc đã dẫn đầu trong số các đồng tiền chính của các thị trường mới nổi trong năm vừa qua nhờ mức tăng 2,8% so với đồng USD, trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều giảm. Nhân dân tệ tăng giá mạnh mẽ đến mức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải cố gắng kiềm chế sự gia tăng của đồng nội tệ bằng cách sử dụng các phương pháp như ấn định tỷ giá nội tệ so với USD ở mức thấp.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong năm vừa qua hàng tháng đều tăng ít nhất 2 con số, trong đó nổi bật là tháng 2 với mức tăng 155% so với sự sụt giảm ở cùng tháng năm trước đó.
Về triển vọng của đồng nhân dân tệ trong năm 2022, bất chấp mức tăng mạnh trong năm 2021, dự đoán về tỷ giá CNY năm 2022 của các nhà đầu tư lớn có sự khác biệt rất nhiều.
Một số nhà phân tích thị trường cho rằng các yếu tố hỗ trợ đồng tiền này tăng tiếp, như việc các doanh nghiệp Trung Quốc bán mạnh ngoại hối, có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại cho đến trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vào đầu tháng 2, khi các doanh nghiệp gia tăng nhu cầu đối với nhân dân tệ để thực hiện các khoản thanh toán khác nhau.
Marco Sun, trưởng nhóm phân tích thị trường tài chính của ngân hàng MUFG Bank, cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng doanh số bán ròng ngoại hối ở Trung Quốc sẽ giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022 – yếu tố kích hoạt tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ". Ông dự đoán tỷ giá CNY trong quý I/2022 sẽ ở mức 6,3 đến 6,5 CNY/USD.
Các nhà phân tích của Australia and New Zealand Banking Group (ANZ) cũng kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ duy trì khả năng phục hồi so với đồng đô la bất chấp chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong những tháng tới, và CNY sẽ tăng lên 6,3 CNY/USD vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, một số thương nhân và nhà kinh tế đang cảnh giác với các biện pháp có thể để kiềm chế sức mạnh của đồng nhân dân tệ trong bối cảnh lo ngại CNY tăng giá có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Một cựu quan chức của Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ gặp khó khăn "chưa từng có" trong việc ổn định thương mại trong năm 2022 vì những điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2021 sẽ không bền vững".
Các nhà kinh tế của Ngân hàng OCBC Wing Hang cho biết sức mạnh ‘rộng lớn’ của đồng USD có thể bắt đầu gây áp lực lên đồng nhân dân tệ, và "Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ năm 2022 sẽ linh hoạt hơn so với năm 2021 trong bối cảnh xuất hiện áp lực giảm giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nhưng cơ hội chỉ giảm giá một chiều là không cao".
Đồng quan điểm đó, theo chiến lược gia Geoffrey Yu của BNY Mellon, sức mạnh của đồng nhân dân tệ có thể bị hạn chế vào năm 2022. Ông nói: "Chúng tôi vẫn nghĩ PBoC sẽ miễn cưỡng để đồng CNY tăng cường mạnh mẽ vì xuất khẩu là động lực tăng trưởng tốt duy nhất hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc".
Tương tự, các nhà phân tích của ngân hàng Hà Lan, ING, cho biết họ dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ có nhiều biến động. Theo đó, dòng vốn chảy vào danh mục đầu tư của Trung Quốc có thể chậm lại trong năm 2022 nếu Trung Quốc không nhanh chóng nới lỏng các biện pháp hạn chế chống COVID-19, dẫn đến sự biến động "khi đối mặt với một Fed ngày càng có thái độ ‘diều hâu’" hơn.
Trong một động thái mới nhất mà các nhà giao dịch và nhà phân tích cho biết sẽ giúp đảm bảo giá trị của đồng nhân dân tệ không trở thành một lực cản đối với xuất khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc (CFETS) tăng tỷ trọng của đồng đô la Mỹ trong rổ tiền tệ CFETS lên 19,88% từ mức 18,79% trước đây, và nâng tỷ trọng của đồng euro lên 18,45% từ mức18,15% trước đây.
Theo phía Trung Quốc, việc tăng tỷ trọng của đồng đô la và đồng euro không có khả năng tạo ra nhiều biến động trong giao dịch đồng nhân dân tệ mặc dù nó có thể ảnh hưởng đến việc thiết lập mức cố định điểm giữa hàng ngày chính thức của đồng nhân dân tệ, từ đó giá giao ngay được phép cao hơn hoặc thấp hơn 2%.
Trung Quốc đã điều chỉnh rổ CFETS nhiều lần kể từ khi đưa ra chỉ số tỷ giá nhân dân tệ có trọng số thương mại, vào tháng 12 năm 2015, để phản ánh tốt hơn các điều kiện thương mại bên ngoài.
Các đồng tiền Châu Á khác hầu hết giảm giá
Hầu hết các tiền tệ Châu Á giảm giá trong năm 2021,với đồng baht Thái giảm nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ khi nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch tiếp tục chịu áp lực bởi virus Covid-19.
Theo đó, bạt giảm 10,3% so với USD trong năm 2021, là năm giảm nhiều nhất kể từ 2000, do nền kinh tế vẫn chịu áp lực từ sự phục hồi chậm trễ của ngành du lịch, một nguồn thu chính của đất nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ANZ dự báo đồng baht sẽ tăng giá lên mức 32,10 vào cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài với giả định rằng các hạn chế đi lại được nới lỏng và du lịch phục hồi.
Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm 9,4% trong năm 2021, mức giảm nhiều nhất kể từ 2008, trong khi peso của Philippines, ringgit của Malaysia và rupee Ấn Độ đều giảm từ 2% đến 6%.
(Theo Reuters/ Bloomberg/ Nhịp sống kinh tế)