Sức mạnh của máy bay chiến đấu Su-22
Máy bay tấn công mặt đất mạnh mẽ Su-22 là vũ khí linh hoạt trong lực lượng không quân Liên Xô trong nhiều năm, và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác.
Máy bay Su-22 với mẫu cánh độc đáo được tối ưu hóa để sử dụng ở tầm thấp, từng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Sức mạnh của Su-22
Máy bay chiến đấu Su-22 là phiên bản xuất khẩu của máy bay Su-17 do Liên Xô cũ phát triển từ những năm 1960, dựa trên thiết kế các máy bay Su-7, Su-17 và Su-20.
Hình dạng “cánh cụp cánh xòe” cho máy bay khả năng cơ động và phạm vi hoạt động cao hơn, với tải trọng chiến đấu nặng hơn. Su-22 đã được tối ưu hóa cho khả năng bay tốc độ cao ở tầm thấp.
Trong đó Su-22M4 (Fitter-K) là máy bay tiêm kích/ném bom siêu âm một chỗ ngồi, một động cơ được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất bằng vũ khí dẫn đường và không dẫn đường cũng như để trinh sát trên không. Trong một phạm vi hạn chế, máy bay cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không. Trong dòng máy bay Su-22, đây là phiên bản hoàn hảo nhất và được trang bị tốt nhất cho các hoạt động chiến đấu trong điều kiện tầm nhìn hạn chế và ban đêm. Nó cũng được trang bị ghế phóng K-36D (cũng được sử dụng trong MiG-29 và Su-27). Su-22M3K được thiết kế để huấn luyện nâng cao.
Máy bay tấn công mặt đất mạnh mẽ này là vũ khí linh hoạt trong lực lượng không quân của Liên Xô trong nhiều năm, được xuất khẩu sang các quốc gia như Iraq, Afghanistan, Syria, Ba Lan và một số quốc gia khác. Liên Xô cũ và nước Nga kế thừa sau này đã sản xuất khoảng 2.200 chiếc Su-17, Su-20 và Su-22.
Trong bối cảnh năm 1979, do nhu cầu cần có một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm với tầm bay dài, vừa có thể không chiến, vừa có thể tấn công mặt đất để yểm trợ cho bộ binh, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ một số máy bay tiêm kích-bom Su-22M/UM. Sau khi số Su-22M/UM trong đợt viện trợ đầu tiên ngừng hoạt động, đầu năm 1989, Trung đoàn không quân 937 đã tiếp nhận những chiếc Su-22M4 đầu tiên, biến thể được sản xuất cuối cùng của dòng máy bay Su-22 với những cải tiến đáng kể trong hệ thống điện tử, bao gồm hệ thống ngắm bắn quang học Klen-54 trong chóp mũi. Hiện tại, Không quân Việt Nam đang có trong biên chế với số lượng lớn các may bay tiêm kích - bom phiên bản Su-22M, Su-22UM3K và Su-22M4.
Su-22 có chiều dài sải cánh xòe 13,68 m, cánh cụp 10,02 m, tải trọng cất cánh tối đa là 19 tấn. Cường kích này có thể bay với vận tốc tối đa 1.400 km/h trên biển và 1.860 km/h ở độ cao lớn, trần bay 14.200 m, tầm bay 1.150 km (tấn công) và 2.300 km (tuần tiễu) với bán kính chiến đấu là 360 km (bay thấp) và 630 km (bay cao) khi mang theo 2,2 tấn vũ khí.
Phần lớn các phiên bản Su-22 chỉ do 1 phi công điều khiển, trừ phiên bản huấn luyện như Su-22U có 2 chỗ ngồi. Hiện chỉ có một số quốc gia sử còn sử dụng cường kích Su-22, bao gồm Angola, Lybia, Syria và Việt Nam. Nhiều quốc gia loại biên hoàn toàn hoặc chỉ giữ số ít cường kích này trong kho.
Các sự cố liên quan đến Su-22
Từng có các sự cố đáng tiếc xảy ra liên quan đến máy bay Su-22 trong quá khứ. Năm 2013, máy may Su-22 của lực lượng không quân Yemen rơi tại nước này khi đang huấn luyện khiến một số người dân và phi công thiệt mạng. Tai nạn cũng xảy ra với những chiếc Su-22 khác của nước này vào năm 2011 và 2009.
Năm 2017, một chiếc Su-22 của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran rơi gần thành phố Sarvestan miền nam khiến phi công thiệt mạng. Năm 2022, một chiếc Su-22 khác của không quân nước này rơi ở tỉnh Fars sau khi cất cánh, nhưng các phi công may mắn tiếp đất an toàn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/suc-manh-cua-may-bay-chien-dau-su-22-ar739145.html