Sức mạnh đa phương vì sự thịnh vượng chung
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng đạt được những tiến bộ hợp tác, khẳng định sức mạnh đa phương để mang tới nhiều kỳ vọng to lớn về sự thịnh vượng chung.
Vì tương lai tươi sáng hơn
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU diễn ra vào cuối tuần trước tại Thủ đô Brussel của Bỉ tiếp tục đưa ra những lời khẳng định vững chắc cho mối quan hệ song phương bền chặt, tăng cường hợp tác vì nguyện vọng thịnh vượng chung. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hai tổ chức khu vực thành công hàng đầu thế giới ghi dấu 45 năm quan hệ và là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh giữa hai khối được tổ chức tại một quốc gia châu Âu.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 đánh giá, hội nghị thượng đỉnh lần này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn là cơ hội để hiện thực hóa nguyện vọng xích lại gần nhau với những kế hoạch cụ thể và có lợi cho cả hai khu vực trong những thập kỷ tới.
Theo bình luận của giới chuyên gia chính trị quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU chú trọng thảo luận về chủ đề tăng cường hợp tác song phương, nhất là lĩnh vực kinh tế. Ở tầm bao quát hơn, hội nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi bối cảnh địa chính trị thế giới bất ổn đặt ra nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn bao giờ hết. ASEAN và EU đã cho thấy những kỳ vọng to lớn khi đề cao cam kết tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn, củng cố sức mạnh của chủ nghĩa đa phương để dẫn dắt toàn cầu. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, kể từ tháng 12/2020 khi ASEAN và EU nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược, đến nay, hai bên đều đã triển khai quá trình hợp tác đi sâu vào thực chất.
Phân tích sâu về diễn biến phức tạp của địa chính trị, bà Eva Pejsova - Đại học Brussels nói tiếng Hà Lan (VUB) chỉ ra rằng, cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường thế giới gây ra những tác động tới các khu vực khác nhau trên thế giới. Điều này đòi hỏi các quốc gia trong phạm vi chịu ảnh hưởng bởi cuộc cạnh tranh phải củng cố khả năng chống chịu, cũng như né tránh những tác động tiêu cực. Vì vậy, việc hai tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu thế giới là EU và ASEAN gắn kết với nhau hơn nữa là biện pháp hữu hiệu, củng cố sức mạnh, tạo đối trọng với những ảnh hưởng của các nước lớn.
Vấn đề mà bà Eva Pejsova chỉ ra cũng là quan điểm chung của các nhà lãnh đạo và phần lớn giới chuyên gia phương Tây, điển hình như người đứng đầu Cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo… Các nhà lãnh đạo EU cùng chung quan điểm về việc châu Âu phải chống lại sự phụ thuộc vào các siêu cường quốc. Để hiện thực hóa điều này cần phải khuyến khích ASEAN đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng của “lục địa già”, phát huy vai trò trung tâm ASEAN.
Phần lớn học giả chính trị phương Tây cũng cho rằng, vấn nạn nghiêm trọng bậc nhất tại châu Âu hiện nay là khủng hoảng năng lượng, trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á sở hữu tài nguyên thiên nhiên lớn, bao gồm khí đốt tự nhiên và các loại nguyên liệu quý hiếm. Vì vậy, tăng cường hợp tác với ASEAN sẽ là con đường phù hợp để châu Âu tìm lời giải cho bài toán đa dạng hóa nguồn cung tài nguyên, năng lượng. Mặt khác, Đông Nam Á cũng được xem là khu vực đặc biệt năng động và dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử thế giới trong những năm qua, nhưng ASEAN luôn giữ vững vị thế là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. ASEAN cũng đang đặt ra mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu trong khoảng 5 năm tới.
Cùng đạt giá trị thực chất với tiềm năng vô hạn
Giới quan sát chính trị phương Tây nhìn nhận, thời gian gần đây, các quốc gia châu Âu ngày càng quan tâm, xích lại gần hơn với các đối tác ở khu vực Đông Nam Á với hàng loạt hành động mở rộng quan hệ chính trị và kinh tế đối với khu vực này. Một trong những lý do chính được giới quan sát chỉ ra là tiềm năng thương mại với Đông Nam Á không chỉ lớn, mà còn có thể coi là vô hạn. Thị trường trong mối quan hệ hợp tác giữa hai khu vực vừa khổng lồ, vừa năng động và rất chất lượng.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU vừa qua cũng chú trọng đẩy mạnh ưu tiên hợp tác hàng đầu là trong lĩnh vực thương mại. Trên thực tế, trải qua hành trình 45 năm, hợp tác thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ ASEAN - EU với kim ngạch thương mại hơn 280 tỷ EUR vào năm 2021. ASEAN và EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau.
Mục tiêu dài hạn chung mà hai tổ chức cùng hướng tới là Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU mà trong đó, ASEAN đứng ở vị trí trung tâm. Trong khi hai bên tích cực thúc đẩy đạt được hiệp định này, theo giới chuyên gia, các hiệp định song phương cần phải được ưu tiên. Hiện nay, trong khu vực ASEAN, EU mới chỉ ký kết FTA với Singapore và Việt Nam. Chia sẻ về Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ tận dụng cơ hội gặp gỡ lần này tại Brussels với các nhà lãnh đạo ASEAN để cố gắng thuyết phục về việc tạo ra những điều kiện phù hợp để nối lại đàm phán về hiệp định. Cũng theo bà Ursula von der Leyen, ASEAN và EU còn rất nhiều tiềm năng hợp tác. Trong đó, EU muốn sử dụng gói đầu tư lớn để thúc đẩy các dự án dành cho khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc mở rộng năng lượng tái tạo và đảm bảo an toàn các tuyến cáp ngầm dưới biển cho các mạng dữ liệu vào năm 2027.
Dẫn nguồn đánh giá từ giới chức châu Âu, truyền thông quốc tế cho hay, để hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN, EU sẽ đầu tư 10 tỷ EUR vào Đông Nam Á từ nay đến năm 2027, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp bền vững. Sự cam kết đi kèm với một danh sách khá chi tiết các dự án. Được công bố vào năm 2021, các quỹ đầu tư công đến từ chương trình Cửa ngõ toàn cầu nổi tiếng của EU, vốn được coi là một đối thủ cạnh tranh với những chương trình tương tự của các siêu cường quốc. Quỹ này phải có tác dụng đòn bẩy để huy động vốn tư nhân. Giới chức châu Âu cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng huy động nguồn vốn này khi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ trong khu vực nhằm đa dạng hóa các nguồn đầu tư và làm việc với các đối tác đáng tin cậy.