Sức mạnh gia đình trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Mới đây, trong phiên họp liên quan đến công tác thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, vai trò cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em chính là gia đình. Nếu phát huy được sức mạnh của gia đình, cùng sự chung tay của toàn xã hội, trẻ em sẽ được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.
Nhiều “cạm bẫy” rình rập trẻ em
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong những năm qua, công tác trẻ em luôn được Đảng, Chính phủ và cả xã hội cùng quan tâm, dành nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Việt Nam được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là một điểm sáng trên thế giới về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, thì rất cần quan tâm tới mặt tối của bức tranh toàn cảnh về trẻ em tại Việt Nam, đó là tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Đây là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội và gần đây tình trạng này đang gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019 cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó xâm hại tình dục chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Số trẻ em lao động trái pháp luật lên tới 790.518 trường hợp, 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và gần 13.500 trẻ 15 tuổi tảo hôn. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ. Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.
Không chỉ phải đối mặt với vấn nạn xâm hại, bạo lực ngoài đời thường, trẻ em thời nay còn gặp nhiều rủi ro, thách thức với những tệ nạn trên mạng xã hội. Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ/ngày, thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp so với thế hệ trước. Trong báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay nhiều học sinh học tập, giao lưu nhiều hơn trên môi trường mạng. Việc dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt, tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực…
Phát huy vai trò của gia đình trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em
Xác định rõ những nguy cơ “cạm bẫy” mà trẻ em đang phải đối mặt cả ngoài đời thực lẫn trên môi trường mạng, thời gian vừa qua, hàng loạt chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em,… đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành, nổi bật nhất là việc đưa vào thực thi Luật Trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, theo một khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện gần đây cho thấy, ở vùng nông thôn, hơn 40% người lớn không biết về Luật Trẻ em, chưa biết tới trẻ em có quyền gì?, Luật Trẻ em đề cập đến những vấn đề gì?, tuyệt đại bộ phận trẻ em nông thôn hiện nay không biết được mình có quyền gì. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cũng cho thấy, số trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng thấp (10,4% tổng số trẻ em được khảo sát), tỷ lệ cha mẹ có kiến thức càng thấp hơn (chiếm 8,6%).
Rõ ràng, dù đã có một hành lang pháp lý rất vững chắc về chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhưng việc hiện thực hóa những văn bản pháp luật vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều bất cập.
Tại phiên họp liên quan đến công tác thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, các đại biểu nêu cao vai trò cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em là gia đình. Gia đình ở đây là cha mẹ và người thân trong gia đình của trẻ em, cộng đồng bao gồm những cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương. Quả thực, gia đình có một vai trò vô cùng quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bởi đây là những người gần gũi nhất, nắm bắt nhanh và rõ nhất tâm tư, tình cảm, những thay đổi tâm sinh lý của các em ở những độ tuổi khác nhau. Thống kê về tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em cũng cho thấy, rất nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại bởi chính những người thân trong gia đình mình. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ chính gia đình là cốt lõi của sự thành công trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh còn chưa đánh giá đúng vai trò của gia đình đối với sự phát triển của trẻ. Nhiều ông bố, bà mẹ để con thoải mái tiếp xúc với môi trường mạng, tiếp xúc với nhiều thông tin xấu độc mà không có kiểm soát. Cha mẹ còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, xâm hại tình dục, nhiều cha mẹ ngại đề cập đến những vấn đề nhạy cảm với trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ không có được những thông tin cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi những “cạm bẫy” của xã hội.
Là những mầm non tương lai của đất nước, trẻ em luôn giành được sự quan tâm của cả xã hội. Tuy nhiên, muốn trẻ em thực sự an toàn, phát triển toàn diện, gia đình mà ở đây chính là các bậc phụ huynh cần phát huy tốt hơn vai trò của người làm cha, làm mẹ, đồng hành cùng trẻ trong cuộc sống, chăm sóc và bảo vệ trẻ tránh khỏi những tệ nạn, bạo lực cả trên môi trường mạng lẫn ngoài đời thực.