Sức mạnh hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ là chiến dịch có quy mô lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Trong chiến dịch này, công tác hậu cần phải bảo đảm cho quân số đông nhất, với khối lượng vật chất lớn nhất, trong điều kiện rất khó khăn, ác liệt. Để hoàn thành xuất sắc mỗi trận đánh và toàn chiến dịch, 'vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật'(1).

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào tiền tuyến. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào tiền tuyến. Ảnh: TTXVN

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ hậu cần chiến dịch, nổi lên một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi: Trước nhu cầu to lớn và khẩn trương của chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị cho toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, trong đó, huy động hậu cần tại chỗ ở Tây Bắc được xác định là đặc biệt quan trọng.

Thực hiện mệnh lệnh, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trực tiếp xuống các liên khu, các tỉnh để kiểm tra đôn đốc việc huy động nhân lực, vật lực. Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính tổ chức động viên nhân tài, vật lực của cả nước phục vụ tiền tuyến. Nhờ đó, đã huy động được sức người, sức của từ các địa phương tại chỗ và từ Liên khu 3, 4, Liên khu Việt Bắc bảo đảm đáp ứng yêu cầu hậu cần chiến dịch.

Hai là, tổ chức, bố trí tạo lập thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, phát huy sức mạnh các lực lượng hậu cần: Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, hướng chính là Tây Bắc, Tổng cục Hậu cần tiến hành điều chỉnh, dồn các kho tàng và các binh trạm vận tải của Tổng cục các nơi về tập trung, hình thành năm khu vực hậu cần chiến lược: Căn cứ trung tâm ở khu vực Bắc Kạn-Thái Nguyên, các căn cứ còn lại bố trí trên các hướng chiến trường.

Tổng cục Cung cấp đã tổ chức hậu cần thành hai tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp phối hợp Hội đồng Cung cấp các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4 đảm nhiệm; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp Tiền phương phối hợp Hội đồng Cung cấp Khu Tây Bắc đảm nhiệm. Ngoài ra, Tổng cục Tiền phương còn tổ chức tuyến Mường Luân-Nà Sang để khai thác, vận chuyển gạo ở vùng thượng nguồn sông Mã về nam Điện Biên Phủ; tổ chức tuyến Ba Nậm Cúm-Lai Châu sử dụng thuyền, mảng theo sông Nậm Na chuyển 1.700 tấn gạo do Trung Quốc giúp về Lai Châu và Điện Biên Phủ.

Tuyến hậu cần chiến thuật được tổ chức ở cấp đại đoàn và trung đoàn. Quân y chiến dịch tổ chức ba đội điều trị ở ngay sau đội điều trị của các đại đoàn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hậu cần chiến dịch đã kết hợp chặt chẽ các lực lượng triển khai trên các hướng tạo nên thế bố trí liên hoàn, vững chắc, hợp lý bảo đảm cho các lực lượng tác chiến giành thắng lợi.

Ba là, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành hậu cần chiến dịch chủ động, linh hoạt, sáng tạo: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu cần chiến dịch đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, điều hành công tác hậu cần, kịp thời đề ra nhiều biện pháp để giải quyết khó khăn, đáp ứng nhu cầu của chiến dịch. Với phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, Hậu cần đã đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội từ chuẩn bị cho tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang chuẩn bị bảo đảm cho bộ đội đánh lâu dài, liên tục.

Để giải quyết vấn đề vận tải, Tổng cục triệt để vận chuyển bằng cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ, tranh thủ thời gian để có dự trữ lớn. Việc bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày ở chiến trường rừng núi, thời tiết khắc nghiệt, xa hậu phương, điều kiện cấp dưỡng khó khăn là nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành Hậu cần.

Đoàn xe cơ giới trên đường vào chiến dịch. Ảnh: TTXVN

Đoàn xe cơ giới trên đường vào chiến dịch. Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn chuẩn bị, Tổng Quân ủy yêu cầu phải bảo vệ sức khỏe cho bộ đội tham gia chiến dịch và tự cải thiện đời sống; nhiều biện pháp, sáng kiến đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo như: Chế biến các loại thực phẩm khô (vừng, đỗ, lạc), ướp muối thịt, muối dưa... gửi lên mặt trận. Từ đợt hai chiến dịch, đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, đào bếp Hoàng Cầm ngay tại trận địa, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, củi khô, nước, đào giếng tại trận địa; các hầm, công sự đều có nhà vệ sinh, bộ đội được luân phiên tắm giặt...

Thành công của công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm:

Trước hết, phát huy sức mạnh to lớn của hậu cần nhân dân thông qua Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và các cấp trong tạo nguồn, khai thác nguồn; triệt để khai thác hậu cần tại chỗ để bảo đảm cho chiến dịch.

Hai là, tổ chức hệ thống hậu cần các cấp chặt chẽ bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất theo phân cấp.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, linh hoạt tổ chức tốt công tác chuẩn bị hậu cần; tập trung bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bám sát phương châm chiến dịch.

Bốn là, tổ chức bảo vệ, khai thác hiệu quả mạng đường vận tải và các lực lượng tham gia vận chuyển.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng gia tăng thực hiện “diễn biến hòa bình” can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ là chiến tranh nhân dân phát triển cao chống lại chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Điều đó đặt ra những yêu cầu và thách thức mới, đòi hỏi công tác hậu cần phải chủ động chuẩn bị, trong đó cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng; cùng với phát huy kinh nghiệm, truyền thống ngành Hậu cần, nhất là tự lực, tự cường; xây dựng hậu phương đất nước, hậu phương tại chỗ từng địa phương toàn diện cả thế trận và tiềm lực, lấy “thế trận lòng dân” làm cơ sở nền tảng; lấy tạo nguồn, khai thác tiềm năng tại chỗ là cơ bản; thường xuyên củng cố hệ thống tổ chức hậu cần nhân dân các cấp vững mạnh, xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện, thực hiện hậu cần gắn với dân, gắn với kinh tế, gắn với địa bàn trọng yếu của từng quân khu.

Hình thành các khu vực hậu cần tại chỗ có khả năng độc lập bảo đảm cho lực lượng vũ trang hoạt động, tác chiến trong mọi tình huống. Coi trọng nâng cao năng lực công tác hậu cần; duy trì lực lượng hậu cần tinh, gọn, mạnh; xây dựng lực lượng hậu cần dự bị hùng hậu, chất lượng cao, nhất là lực lượng quân y và vận tải để sẵn sàng động viên khi có tình huống.

Thứ hai, xây dựng tiềm lực hậu cần mạnh, thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc trên phạm vi cả nước. Hoàn thiện cơ chế, phương thức, đẩy mạnh xây dựng và hoạt động hậu cần phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ địa phương, huy động các nguồn lực để bảo đảm hậu cần. Kết hợp chặt chẽ kinh tế-quốc phòng, quốc phòng-kinh tế, thực hiện xây dựng tiềm lực ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, ở các địa bàn, tạo tiềm lực hậu cần đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến. Quy hoạch, tổ chức bố trí các thành phần hậu cần phù hợp với thế trận quân sự theo quyết tâm, kế hoạch tác chiến ở các cấp, bảo đảm liên hoàn, vững chắc, cơ động, sẵn sàng chuyển hóa linh hoạt theo tình huống tác chiến. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng, xây dựng thế trận hậu cần với phát triển kinh tế-xã hội; đồng bộ với quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội trên từng hướng, địa bàn, tạo thế liên hoàn, vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, nâng cao năng lực, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của cán bộ hậu cần các cấp: Thực hiện đồng bộ hoạt động của các tổ chức, các lực lượng tác động vào đội ngũ cán bộ hậu cần các cấp, nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành hậu cần theo phân cấp trong bảo đảm hậu cần cho tác chiến, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm cho tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi điều kiện, đòi hỏi cán bộ hậu cần các cấp phải có phẩm chất, đạo đức tốt, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện năng lực tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo, quản lý, điều hành.

--------------------------------------------

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.270.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/suc-manh-hau-can-trong-chien-dich-dien-bien-phu-post806964.html