Sức mạnh không lay chuyển từ liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: 'Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc' và xác định: 'Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận'.

Trải qua 90 năm, với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc, là biểu tượng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước với các đại biểu tại dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước với các đại biểu tại dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX. Ảnh: TTXVN

Tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu dân tộc

Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước; ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.

Chỉ thị xác định Hội Phản đế Đồng minh phải bảo đảm tính công nông; đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: "giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công".

Hội Phản đế Đồng minh là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Đảng ta. Đó cũng là cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc, là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đủ trưởng thành, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.

Từ đó tới nay, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, như: Hội Phản đế Liên minh, Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, dù ở giai đoạn, bối cảnh nào, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 với chủ đề: "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đã xác định Chương trình hành động trong nhiệm kỳ là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dựa vào dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Thời điểm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở trong giai đoạn quan trọng của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết quyết tâm cao, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, kiên trì phấn đấu, bằng trí tuệ, tài năng, khát vọng, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế mới và lực mới cho đất nước.

Cho rằng việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc luôn là một trong những thành tố cốt yếu trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Chỉ có đoàn kết mới đủ sức đối phó với những khó khăn, thách thức hiện nay. Nhân dân đang đặt niềm tin vào Mặt trận. Mặt trận là dân, dân là Mặt trận. Mặt trận đại diện cho nhân dân, phát huy dân chủ và đồng thuận xã hội."

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Đảng luôn đặt niềm tin vào Mặt trận, Mặt trận phải thể hiện rõ là cầu nối vững chắc để thắt chặt mối quan hệ máu thịt Đảng, Nhà nước, nhân dân. Đảng làm cho dân và dân làm theo Đảng, thông qua Mặt trận để Đảng gần dân hơn, để người dân tham gia ngày càng hiệu quả vào quản lý xã hội, phát triển của đất nước.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò trung tâm vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, theo ông Trần Thanh Mẫn, thời gian tới, Mặt trận sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực. Theo đó, Mặt trận sẽ hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, với phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước, xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận cũng là một trong những hoạt động phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. "Làm sao lắng nghe được nhiều ý kiến thiết thực của nhân dân? Bài học từ thực tiễn là phải phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân.

Việc gì có lợi cho dân thì làm đến cùng là trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận. Mặt trận phải đổi mới chính mình, đổi mới phương thức hoạt động, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chính kiến, gần gũi với cuộc sống nhân dân để biết nhân dân mong muốn gì, biết nhân dân nghĩ gì, như vậy mới làm tốt được vai trò đại diện của nhân dân", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định.

Bằng sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan Nhà nước, sự thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, sự tin yêu ủng hộ của nhân dân, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng Mặt trận sẽ thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng mà Đảng và nhân dân giao phó.

Chặng đường 90 năm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Việt Nam cũng mang lại những bài học kinh nghiệm rất quý, trong đó có bài học về việc luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định sự thành công của việc xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Trong bối cảnh đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải không ngừng đổi mới về mọi mặt, nhất là phương thức hoạt động, khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị, xứng đáng là tổ chức tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, dựa vào nhân dân để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường; củng cố, phát huy thế trận lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh tới việc cần làm sâu sắc hơn những bài học kinh nghiệm đúc rút qua 90 năm Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, nhất là những bài học rút ra trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện lý luận về xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

Cùng với việc có những đánh giá sâu sắc hơn về những tác động của bối cảnh mới tới tình hình đất nước và việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, từ thực tiễn tổng kết nhiệm vụ, Mặt trận cần phát hiện những mô hình hay, cách làm tốt, đề xuất những kiến nghị nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận.

"Trong giai đoạn tới, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với quyết tâm mới, khí thế mới và thừa kế truyền thống 90 năm hết sức vẻ vang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ ngày càng mở rộng, phát triển, tập hợp, phát huy ngày càng mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/suc-manh-khong-lay-chuyen-tu-lien-minh-chinh-tri-cua-cac-doan-the-nhan-dan-20201118104700317.htm