Sức mạnh mô hình ngành dọc của Quản lý thị trường
Sau gần 2 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, cùng với sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Tổng cục Quản lý thị trường đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Phối hợp tốt với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thời gian qua Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (BCĐ Quốc gia 389), triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt... Qua đó, đã xử lý nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn và nổi cộm.
Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6 (thành phố Hồ Chí Minh), phát hiện ra một lượng lớn hàng hóa giả nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như: Louis Vuitton, Gucci, Dior, Chanel và vụ việc hàng trăm nghìn bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng này tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) ngay sau đó...
Chánh Văn phòng BCĐ Quốc gia 389 Đàm Thanh Thế đã từng đánh giá, lực lượng QLTT chiếm vai trò quan trọng trong công tác phòng chống hàng giả, hàng gian lận thương mại với số lượng chiếm tới 70% vụ việc. Đây chính là lý do Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia khẳng định sẽ xem xét kỹ và không bỏ qua bất kỳ một khó khăn, vướng mắc nào của lực lượng QLTT, tùy khả năng và điều kiện thực tế, Văn phòng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, phối hợp với lực lượng QLTT.
Trước mắt, Tổng cục QLTT và BCĐ 389 Quốc gia đã trao đổi về các nội dung phối hợp trong công tác tham mưu cơ chế quản lý của lực lượng QLTT đối với thương mại điện tử (TMĐT), trao đổi thông tin, kiểm tra, xử lý vụ việc vi phạm; công tác truyền thông... Ông Thế cũng đề nghị Tổng cục QLTT tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để thông tin kịp thời về các vụ việc do lực lượng QLTT bắt giữ. Đồng thời cần nhanh chóng báo cáo cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết thêm, trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tập trung vào các giải pháp chống lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; giải pháp phát hiện, đấu tranh xử lý đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, Tổng cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức; Đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích. Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng cục cũng xem xét trách nhiệm với những tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, nghiêm trọng.
Phá các điểm bán hàng hiệu luxury
Lực lượng QLTT sẽ tiếp tục chú ý đến các mặt hàng “nóng”, có thể dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ như xăng dầu, thuốc lá điếu, rượu, đường... Đặc biệt Tổng cục QLTT sẽ tấn công mạnh hơn vào các trung tâm thương mại (TTTM) - những địa điểm trước đây vốn được coi là “vùng nhạy cảm”.
Có thể nhắc đến vụ việc cực lớn do Tổng cục QLTT thực hiện vào năm 2019 ở Quảng Ninh. Cuộc đổ bộ của lực lượng Tổng cục QLTT kiểm tra đột xuất Thương trường quốc tế Hồng Nguyên và Cửa hàng mua sắm ASEAN có địa chỉ tại phường Trần Phú, TP Móng Cái trong cùng một ngày.
Kết quả cho thấy, tại Thương trường quốc tế Hồng Nguyên, hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả nhãn hiệu, bao bì như đồng hồ, túi, ví, thắt lưng, khăn, mỹ phẩm có tổng trị giá xác định theo giá niêm yết tới 32,26 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hàng hóa có dấu hiệu là hàng cấm như 3.090 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất; hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu có tổng trị giá xác định theo giá niêm yết trên 5,28 tỷ đồng.
Tại Cửa hàng mua sắm ASEAN, hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả nhãn hiệu, bao bì như đồng hồ, túi, ví, thắt lưng, khăn, mỹ phẩm có tổng trị giá xác định theo giá niêm yết trên 15,4 tỷ đồng; Hàng hóa có dấu hiệu là hàng cấm và hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu bao gồm trang sức các loại, hàng mỹ ký có tổng trị giá xác định trên 1,8 tỷ đồng.
Đây được xác định là vụ việc chưa từng có trước khi lực lượng QLTT được tổ chức theo mô hình ngành dọc. Trên đà thắng lợi của vụ việc này, lực lượng QLTT đã mở rộng thêm nhiều vụ kiểm tra ở các TTTM và thu giữ được rất nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bán với giá cao (gần tương đương hàng thật), góp phần giảm dần các mô hình cửa hàng luxury (sang trọng) nhưng trưng bày hàng fake là chủ yếu.