Loại pháo phòng không cỡ nòng 20 mm phổ biến nhất của Nhật Bản trong thế chiến hai là pháo tự động Type 98. Hệ thống này được phát triển như một loại vũ khí lưỡng dụng, vừa chống lại các phương tiện bọc thép hạng nhẹ và chống lại máy bay hoạt động ở độ cao thấp.
Pháo tự động Type 98, được đưa vào trang bị năm 1938, được thiết kế trên cơ sở sao chép súng máy 13,2 mm Hotchkiss М1929 mà Nhật Bản đã mua giấy phép sản xuất từ Pháp. Lần đầu tiên, pháo phòng không Type 98 tham chiến vào năm 1939, tại trận sông Khalkhin-Gol với Liên Xô.
Pháo phòng không Type 98 sử dụng đạn xuyên giáp 20×124mm và loại đạn này cũng được sử dụng trong súng chống tăng Type 97. Đầu đạn xuyên giáp 20mm nặng 109g, sơ tốc đầu nòng là 835 m/s. Đạn có thể xuyên thủng lớp giáp 20mm ở cự ly dưới 250m.
Trọng lượng của toàn bộ của pháo (cả bánh xe bằng gỗ) là 373 kg; pháo có thể được kéo bằng xe ngựa hoặc xe tải nhẹ với tốc độ lên đến 15 km/h. Khi ở tư thế chiến đấu, Type 98 được thiết bị trên giá 3 chân. Pháo có xạ giới hướng 360°, xạ giới tầm từ –5° đến + 85°.
Cơ chế tiếp đạn của Type 98 bằng hộp tiếp đạn 20 viên, tốc độ bắn lý thuyết từ 280-300 phát/phút. Tốc độ bắn chiến đấu 120 phát/phút. Tầm bắn tối đa là 5,3 km, nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ bằng một nửa; độ cao phòng không khoảng 1.500 m.
Năm 1942, Nhật Bản phát triển pháo phòng không 20mm Type 2 trên cơ sở pháo phòng không tầm thấp 2.0 cm Flak 38 của Đức. Loại pháo này nằm trong chương trình hợp tác quân sự Đức-Nhật. Điểm khác biệt duy nhất là Type 2 được điều chỉnh cho vừa với loại đạn 20mm của Nhật Bản, để tiết kiệm kinh phí chế tạo đạn.
Type 2 là loại pháo tiên tiến hơn nhiều so với Type 98; pháo có độ tin cậy và tốc độ bắn cao. Khối lượng của Type 2 ở tư thế chiến đấu là 460 kg, tốc độ bắn lên đến 480 phát/phút. Xạ giới hướng và tầm tương ứng với Type 98, nhưng hiệu quả của hỏa lực phòng không đã tăng lên đáng kể.
Pháo phòng không 20mm của Nhật chủ yếu phục vụ cho các đơn vị phòng không lục quân cấp trung đoàn và sư đoàn. Chúng được quân đội Nhật Bản sử dụng không chỉ chống lại máy bay phe Đồng minh, mà còn tích cực sử dụng trong tất cả các trận chiến trên bộ để chống lại xe bọc thép.
Số pháo phòng không 20mm của Nhật Bản nhìn chung khá phù hợp với mục đích của chúng. Tuy nhiên, vào năm 1945, quy mô quân đội Nhật Bản xấp xỉ 5 triệu người, nhưng pháo phòng không 20mm chỉ được sản xuất với số lượng hơn 3.000 khẩu, rõ ràng là không đủ.
Loại pháo phòng không bắn nhanh nổi tiếng và phổ biến nhất của Nhật Bản là Type 96 có cỡ nòng 25 mm, được sản xuất ở các phiên bản một nòng, hai nòng và ba nòng. Nó là vũ khí phòng không hạng nhẹ chủ lực của Hải quân Nhật Bản và được sử dụng rất tích cực trong các đơn vị phòng không mặt đất.
Type 96 được phát triển vào năm 1936, trên cơ sở khẩu pháo phòng không Mitrailleuse de 25 mm, do công ty Hotchkiss của Pháp sản xuất. Sự khác biệt chính giữa phiên bản của Nhật Bản và bản gốc là trang bị một số công nghệ của công ty Đức Rheinmetall với khóa nòng và một số khác biệt trong cơ cấu hãm lùi.
Tất cả pháo phòng không 25 ly đều được trang bị loại hộp tiếp đạn 15 viên. Tốc độ bắn tối đa của một nòng pháo không vượt quá 250 phát/phút. Tốc độ bắn thực tế 100-120 phát/phút. Xạ giới hướng 360°; xạ giới tầm từ –10° đến + 85°. Phạm vi bắn hiệu quả lên tới 3.000 m, độ cao phòng không 2.000 m.
Về hiệu quả, đạn pháo 25mm vượt trội đáng kể so với đạn pháo phòng không 20 mm Type 98 và Type 2. Ở cự ly 200 mét, một quả đạn xuyên giáp của Type 96, khi bắn trúng mục tiêu với góc chạm 90°, có thể xuyên thủng lớp giáp dày 30 mm. Chỉ cần 2-3 quả đạn xuyên giáp 25 mm hoặc 1-2 quả đạn nổ phá là có thể bắn rơi một máy bay chiến đấu một động cơ.
Nhật Bản sản xuất khoảng 33.000 khẩu pháo phòng không 25mm Type 96 và đã trở thành loại pháo phòng không phổ biến. Chính loại pháo phòng không này đã bắn hạ nhiều máy bay của Mỹ hoạt động ở độ cao thấp, nhiều hơn so với tất cả các loại pháo phòng không còn lại của Quân đội Nhật cộng lại.
Pháo phòng không 25 mm được sử dụng rộng rãi trong hải quân và lục quân, nhưng cấu tạo còn nhiều thiếu sót, nhất là việc tiếp đạn bằng hộp 15 viên, chứ không phải bằng dây, nên tốc độ bắn rất thấp. Nhưng vào những năm 1930, người Nhật không có những trung tâm thiết kế vũ khí cơ bản, và họ đã chọn sao chép mẫu đã hoàn chỉnh của Pháp.
Loại pháo phòng không cỡ nhỏ thứ ba của Nhật Bản là pháo phòng không 40mm Type 91 (hoặc 40 mm/62 HI Shiki); loại pháo này nguyên bản là khẩu Vickers Mark VIII 40 mm, được trang bị trên các tàu chiến. Tổng cộng, Nhật đã nhận được khoảng 500 khẩu pháo phòng không tự động 40 ly của Anh.
Vào cuối những năm 1920, Vickers là một loại pháo phòng không tiên tiến; nhưng đến đầu Thế chiến hai, nó đã lạc hậu. Nguyên nhân là do đạn 40x158R quá yếu, đầu đạn 40 mm nặng 900 g rời nòng với sơ tốc 600 m/s, trong khi tầm bắn hiệu quả vào các mục tiêu trên không, di chuyển không được vượt quá 100 m/s.
Do pháo phòng không 40mm lạc hậu, không đủ độ cao phòng không, nên chúng không gây ra mối đe dọa đặc biệt nào đối với những chiếc máy bay ném bom B-29 bốn động cơ, ngay cả khi chúng được hạ thấp xuống để ném bom cháy.
Trong những năm 1930-1940, khẩu 40 mm Bofors L/60 là loại pháo phòng không mạnh nhất thuộc lớp này. Bofors L/60 có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao đến 3.800 m và tầm bắn lên đến 4.500 m. Do Quân đội Nhật Bản rất cần pháo phòng không bắn nhanh, nên quyết định sao chép và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 1943 phiên bản Bofors L/60 với tên gọi Type 5.
Tuy nhiên do sản xuất sao chép, không có bản vẽ kỹ thuật nên chất lượng pháo Type 5 của Nhật Bản sản xuất chất lượng rất thấp. Do độ tin cậy của pháo Type 5 không đạt yêu cầu và số lượng sản xuất không nhiều, vì sự đánh phá của Mỹ, nên Quân đội Nhật Bản đã không nhận.
Còn pháo phòng không Vickers 40mm mua từ Anh rõ ràng đã lạc hậu vào cuối những năm 1930. Và chúng không thể được coi là một phương tiện phòng không hiệu quả. Người Nhật chiếm được một số ít pháo Bofors L/60 40 mm rất hoàn hảo của Hà Lan và Anh, nhưng họ đã thất bại trong việc sao chép thành phiên bản Type 5 lên mức có thể chấp nhận được.
Như vậy có đánh giá, các loại pháo phòng không cỡ nhỏ của Nhật do các vấn đề về tổ chức, thiết kế và sản xuất đã không đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Những loại pháo phòng không đã không đảm bảo lập ô phòng không đáng tin cậy, cho quân đội của họ khỏi các cuộc tấn công tầm thấp, của máy bay cường kích và máy bay ném bom quân Đồng minh. Nguồn ảnh: Pinterest
Những hình ảnh hiếm về sức mạnh của Không quân Nhật Hoàng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nguồn: Archives.
Tiến Minh