Sức mạnh quân sự quốc gia từ những góc nhìn khác nhau trên thế giới (Kỳ cuối)
Để gìn giữ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, phải tiếp tục xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại cả về tổ chức lực lượng, nguồn nhân lực, vũ khí trang bị, nghệ thuật quân sự, chỉ huy.
Phản biện từ Việt Nam
Trong 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972 (từ 18-29/12) diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” mang tầm cỡ một trận quyết chiến chiến lược. Việt Nam được viện trợ một số loại vũ khí tiên tiến như máy bay phản lực, tên lửa, pháo phòng không, rada… Nhưng vẫn kém xa vũ khí trang bị của quân đội Mỹ cả về số lượng và mức độ hiện đại.
Cán bộ, chiến sĩ ra đa vạch rừng nhiễu tìm mục tiêu. Máy bay MIG 17, 21, tên lửa SAM 2, pháo phòng không mưu trí, sáng tạo, bắn hạ nhiều máy bay hiện đại, do các phi công Mỹ lão luyện lái.
Kết cục là quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có nhiều pháo đài bay B52, “cánh cụp cánh xòe” F111, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.
Điều đó càng có ý nghĩa khi so sánh với chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, quân đội Iraq có vũ khí hiện đại hơn Việt Nam nhiều mà chỉ hạ được 1 máy bay liên quân.
Còn rất nhiều kỳ tích khác. Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn vượt qua hàng rào điện tử, “cây nhiệt đới”, các loại máy bay trinh sát, đánh phá liên tục ngày đêm, khắc chế “vũ khí khí tượng” gây mưa rừng, lũ lụt, sạt lở đất, đưa 1,5 triệu tấn vũ khí trang bị, 5,5 triệu m3 xăng dầu chi viện chiến trường và trên 2 triệu lượt người hành quân ra vào. Tàu vận tải cải trang khắc chế thủy lôi, mở “đường Hồ Chí Minh trên biển”, vượt tầng tầng lớp lớp tàu chiến Mỹ, Ngụy, đưa vũ khí vào Nam.
Kết quả là quân và dân Việt Nam đã đánh bại năm chiến lược của một đội quân tinh nhuệ, trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhất lúc đó, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến mà lúc đầu có người ví von là “châu chấu đá voi”!
Đó là một cuộc đấu trí, đấu thế, đấu lực đỉnh cao. Thắng lợi do nhiều nguyên nhân, mà cơ bản, quyết định nhất là đường lối, tư tưởng quân sự đúng đắn của Đảng; nghệ thuật chỉ đạo, tiến hành chiến tranh nhân dân linh hoạt, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ “thế, lực, thời, mưu” ở tầm chiến lược, từng bước chuyển hóa tạo thế có lợi, tập trung ưu thế sức mạnh vào hướng chủ yếu, trận then chốt, thời cơ quyết định.
Bên cạnh đó, chúng ta đã phát huy cao độ ưu thế chính trị, tinh thần, sức mạnh văn hóa, sức mạnh toàn dân, toàn quân, khai thác mọi yếu tố có lợi, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất chống xâm lược.
Tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do đã thôi thúc quân và dân Việt Nam sáng tạo cách đánh, phát huy hiệu quả các loại vũ khí, có lúc vượt cả tính năng thiết kế. Ngược lại, gây chiến tranh xâm lược ở một nước xa lạ, không được người dân ủng hộ, sức mạnh quân sự của Mỹ bị suy giảm khá nhiều.
Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn Việt Nam là “lời phản biện” thuyết phục đối với quan điểm tuyệt đối hóa vũ khí công nghệ cao, thiên về sức mạnh quân sự đơn thuần.
Bài học gì cho tương lai
Trong giai đoạn mới, sẽ tiếp tục xuất hiện những loại vũ khí với công nghệ hoàn toàn mới, hình thái chiến tranh mới. Tổ chức biên chế quân đội, vai trò các quân, binh chủng, môi trường tác chiến thay đổi, hình thành lực lượng mới. Tất yếu chiến lược, khoa học, nghệ thuật quân sự cũng phát triển. Nguy cơ một số nước lớn lợi dụng ưu thế sức mạnh quân sự để đe dọa, cưỡng chiếm, thậm chí là xâm lược nước khác vẫn hiển hiện. Trong bối cảnh đó, cần kế thừa, vận dụng, phát triển các bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện mới.
Thứ nhất, dù thắng hay thua, hậu quả của chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới cũng vô cùng tàn khốc. Ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh là chiến lược tối ưu. Cách thức phòng ngừa tốt nhất là xây dựng đất nước vững mạnh, giữ vững ổn định bên trong, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Làm được như vậy, sẽ buộc nước khác phải cân nhắc khi muốn gây chiến tranh.
Ngoại giao là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong xây dựng, phát triển quan hệ, hợp tác quốc tế, tạo dựng môi trường thuận lợi, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi, thu hút nguồn lực từ bên ngoài; đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng biện pháp hòa bình, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thứ hai, xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, sẵn sàng đối phó với sức mạnh quân sự của nước lớn có ý đồ, hành động gây sức ép, đe dọa, can thiệp, cưỡng đoạt, cưỡng chiếm, lật đổ… Chỉ có bằng sức mạnh tổng hợp quốc gia, chúng ta mới có thể đối phó hiệu quả với sức mạnh quân sự hiện đại của nước lớn.
Thứ ba, bổ sung, phát triển lý luận, khoa học, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân; xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang làm nòng cốt, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi hình thái chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới.
Để gìn giữ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, phải tiếp tục xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại, có lực lượng tiến thẳng, tiến nhanh lên hiện đại. Tinh, gọn, mạnh, hiện đại cả về tổ chức lực lượng, nguồn nhân lực, vũ khí trang bị, nghệ thuật quân sự, chỉ huy, điều hành chiến tranh, tác chiến.
Vũ khí trang bị hiện đại có vai trò ngày càng quan trọng, không thể thiếu. Nhưng chiến tranh công nghệ cao, vũ khí trang bị càng hiện đại, lại càng phải phát huy vai trò quyết định của con người.
Tiêu chí con người mới phải phát triển cao hơn, toàn diện hơn, cả ý chí, bản lĩnh chính trị, trình độ quân sự, chuyên môn, có khả năng nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ số để bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự, chỉ huy, điều hành tác chiến, nghiên cứu cải tiến, chế tạo, khai thác, làm chủ các loại vũ khí trang bị hiện đại.
Nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam đối phó với chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới. Điều quan trọng là tìm ra cách đánh đặc thù, sáng tạo của Việt Nam, kết hợp giữa hiện đại với truyền thống, khai thác mọi yếu tố có lợi, hạn chế tối đa sức mạnh quân sự, vũ khí công nghệ cao của đối thủ.