Sức mạnh quân sự và các điểm nóng xung đột dịch chuyển từ Tây sang Đông
Trung tâm của sức mạnh quân sự toàn cầu và các điểm nóng quốc tế mới đang chuyển từ Tây sang Đông. Một sự dịch chuyển báo hiệu tương lai tiềm ẩn nhiều bất ngờ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Quân đội Mỹ đang triển khai hơn nửa quân đội ở nước ngoài tại châu Á - Ảnh: Hải quân Mỹ
Bài liên quan
Hải quân Mỹ bắn cảnh cáo khi ba tàu Iran áp sát trên Vịnh Ba Tư
Ấn Độ phản đối việc hải quân Mỹ đi qua vùng đặc quyền kinh tế
Pakistan cảnh báo Trung Quốc có thể lấp đầy chỗ trống của Mỹ
Mỹ lo ngại về mối quan hệ UAE - Trung Quốc gây nguy hiểm tới hợp đồng bán F-35
Châu Á chiếm nửa số lượng quân đội Mỹ ở nước ngoài
Quả thật, Mỹ đã triển khai nhiều quân hơn ở các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương so với châu Âu và Trung Đông trong hai thập kỷ qua. Sự thay đổi này phản ánh chính sách ‘xoay trục’ của Mỹ khi sự trỗi dậy của Trung Quốc được xem như một mối đe dọa lớn đối với an ninh sau cuộc đối đầu Đông-Tây trong Chiến tranh Lạnh và cuộc chiến chống khủng bố.
Các mục tiêu chiến lược ở nước ngoài của Mỹ đã đạt đến một bước ngoặt. Tổng thống Joe Biden đã quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 9/2021, trong khi tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hồi tháng 4 đề cập đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan - một tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ rất nghiêm túc về việc giám sát Trung Quốc.
Dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong hai thập kỷ qua cho thấy những thay đổi trong việc triển khai quân đội Mỹ ở nước ngoài. Năm 2000, Mỹ có 69.000 quân ở Đức, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Sau các cuộc tấn công khủng bố năm 2001, quân đội Hoa Kỳ chuyển trọng tâm sang Trung Đông, triển khai tại một thời điểm hơn 100.000 quân ở Afghanistan và Iraq.
Năm 2013, Tổng thống Barack Obama khi đó nói rằng Hoa Kỳ không còn là "cảnh sát của thế giới". Mỹ đã cắt giảm khoảng 50% quân đội ở nước ngoài trong 10 năm cho đến năm 2020. Tuy nhiên, họ vẫn giữ sự hiện diện mạnh mẽ trong các đồng minh của mình ở Đông Á - Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong một sự so sánh đối với những thay đổi về sức mạnh quân sự toàn cầu, với các số liệu từ Military Balance, một đánh giá về quân đội thế giới của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một viện nghiên cứu của Anh, sức mạnh quân sự toàn cầu cũng có những điều chỉnh khá rõ rệt.
Ở châu Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ - tiền tuyến trong Chiến tranh Lạnh - sức mạnh quân sự đã bị cắt giảm hơn 50% trong ba thập kỷ qua. Ngược lại, các quốc gia mới nổi và những nước gần Trung Quốc lại tăng cường sức mạnh quân đội. Trong 30 năm qua, Indonesia đã tăng 40% lực lượng vũ trang và Philippines tăng 30%. Ấn Độ, quốc gia từng diễn ra một số tranh chấp với các nước láng giềng, đã mở rộng quân đội thêm 15%. Tỷ trọng của châu Á về sức mạnh quân sự đã tăng mạnh.
Trung Quốc đã giảm số lượng quân đội thường trực nhưng tăng cường đáng kể khí tài quân sự. Mặc dù không trang bị máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom hiện đại vào năm 1990, nhưng quốc gia này hiện đang nhỉnh hơn Mỹ về số lượng máy bay chiến đấu và có nhiều hơn tổng số máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ tại Nhật Bản.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang tìm cách khai thác vũ khí mới, trong khi Trung Quốc thúc đẩy ngành chông nghiệp chế tạo vũ khí nội địa. Trung Quốc cũng đã tăng cường tên lửa và tàu ngầm. Những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật cao giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Tham vọng chinh phục không gian mới đây, khi một tàu thăm dò đổ bộ thành công xuống Sao Hỏa, là một ví dụ cụ thể cho thấy bước tiến mạnh mẽ của họ.
Vào năm 2019, quốc gia hơn 1,4 tỷ dân có từ 750 đến 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể tấn công Đài Loan, tăng so với 50 tên lửa vào năm 1995, theo phân tích của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và các thực thể khác. Quân đội Trung Quốc cũng ước tính có hơn 950 tên lửa đạn đạo tầm trung.
Phi đội máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ - Ảnh: Quân đội Mỹ
Cuộc chơi chính ở châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21
Thượng nghị sĩ John Aquilino, người được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vào cuối tháng 4, đã cảnh báo về khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan tại một phiên điều trần của Thượng viện vào tháng 3. Ông nói rằng, "vấn đề này gần gũi với chúng ta hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết mọi người".
Trong tuyên bố về chính sách đối ngoại của mình, Tổng thống Joe Biden mô tả “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” và cho biết Mỹ sẽ “đối đầu những thách thức đặt ra đối với sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ từ đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất”. Điều này lý giải cho việc ông Biden tiếp tục các chính sách cứng rắn được áp dụng từ chính quyền tiền nhiệm. Mỹ sẽ duy trì và tăng cường các hành động để đối đầu với Trung Quốc về nhiều vấn đề, từ nhân quyền, sở hữu trí tuệ, thương mại và công nghệ.
Mục đích cuối cùng là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và chiến lược “xoay trục” sang phía Đông là một trong những biểu hiện của tham vọng đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 3 cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi duy trì lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác".
Trong 20 năm qua, khi sự chú ý của Hoa Kỳ bị chuyển hướng bởi các vấn đề ở Trung Đông, thì Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội và có hành vi “bắt nạt” trong một số trường hợp, Bộ trưởng Quốc phòng Austin, người từng là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ phụ trách vấn đề quân sự ở Trung Đông, bình luận.
Katsuya Tsukamoto, người đứng đầu Bộ phận An ninh và Kinh tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia cho biết: “Hoa Kỳ cần khẩn cấp khôi phục cân bằng quân sự ở Châu Á. "Họ cần tăng cường hướng tới khả năng triển khai của mình trong nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy hơn nữa của Trung Quốc".
Tuy nhiên, việc giám sát Trung Quốc nằm ngoài khả năng của Hoa Kỳ. Đó là nguyên nhân của sự hồi sinh nhóm Quad, hay Bộ tứ an ninh, nơi các đồng minh trong khu vực của Mỹ sẽ phải gánh thêm trách nhiệm.
Trong một Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden, Nhật Bản cam kết sẽ tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã đưa ra ý định của chính phủ về việc loại bỏ mức trần ngân sách quốc phòng 1% GDP được duy trì từ lâu.
Việc thay đổi trọng tâm sức mạnh quân sự tất nhiên đang ảnh hưởng đến Trung Đông. Koichi Nakagawa, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Mitsubishi, cho biết các cuộc đụng độ vũ trang gia tăng giữa Israel và Palestine phần lớn là do sự chuyển hướng ưu tiên của chính quyền Biden khỏi Trung Đông sang Trung Quốc.
Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Đông với 90% lượng dầu nhập khẩu. Do đó, Nakagawa cảnh báo rằng "Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác nếu Mỹ rút khỏi Trung Đông". Những thay đổi trong cán cân quân sự toàn cầu đang đặt ra những thách thức mới và khó khăn đối với an ninh của Nhật Bản. Cũng như Hàn Quốc, đất nước khó tránh khỏi vòng xoáy của cuộc xung đột Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, đây là điều khó tránh khỏi khi mà trục đang xoay mạnh mẽ hơn lúc nào hết về phía Đông và Thái Bình Dương, nơi mà giờ đây ngay cả Australia hay New Zealand trở dần bị lôi vào cuộc. Ngay cả một quốc đảo bé xíu ở Thái Bình Dương như Kiribati bỗng được nhắc tới như một vị trí địa chính trị quan trọng.