Sức mạnh từ sự đoàn kết
BPO - Từ bao đời nay, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái đã được dân tộc ta gìn giữ, lưu truyền và phát huy hiệu quả. Trong tháng 11, tinh thần này càng được phát huy mạnh mẽ. Bên cạnh các công trình, phần việc chăm lo cho người khó, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là điểm nhấn, sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đó cũng là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và ban, ngành, đoàn thể các cấp về dự, động viên, chung vui với nhân dân địa phương. Từ đó, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể với nhân dân.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Lập gia đình sớm, lại đông con nên vợ chồng anh Điểu Lanh ở thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng rất khó khăn, không xây dựng được căn nhà ở kiên cố. Với nguồn lực vận động của xã, căn nhà thanh niên dành cho gia đình anh Điểu Lanh đã được trao tặng và giao tổ chức đoàn thanh niên quản lý, quan tâm, tiếp tục động viên gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Đình Tâm Anh, Phó Bí thư Đoàn xã Đường 10 chia sẻ: Với phương châm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau, Đoàn thanh niên xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội và ban, ngành đã cùng thực hiện nhiều công trình, phần việc đồng hành với thanh niên khó khăn. Trong đó, thực hiện xây nhà thanh niên, nhà tình bạn đã kịp thời động viên, khuyến khích thanh niên nỗ lực vươn lên, chăm lo phát triển kinh tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường và Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Thị Xuân Trang thăm, tặng quà hộ nghèo ở thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng - Ảnh: Phạm Quang
Là thân nhân thờ cúng liệt sĩ, tuổi cao, sống một mình, không có thu nhập nên ông Điểu Póp được Chi bộ thôn 1, xã Đường 10 xây dựng là địa chỉ nhân đạo và hằng tháng được trợ cấp 10kg gạo, nhu yếu phẩm để ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Đức Chính, Bí thư Chi bộ thôn 1, việc xây dựng địa chỉ nhân đạo được thực hiện trong vòng 1 năm và luân phiên sang hộ khác để tất cả hộ khó khăn trên địa bàn được quan tâm và tạo động lực nâng cao đời sống.
Bà Trần Thị Bích Toàn, Chủ tịch UBMTTQVN xã Đường 10 cho biết: Ở một xã vùng sâu với 21 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, tinh thần đoàn kết, sẻ chia vì người khó đã được thực hiện phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức. Ngoài tham mưu, vận động xây dựng các căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương hướng về người nghèo, khó khăn, xã Đường 10 đã phối hợp vận động trao tặng hàng trăm phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công, gia đình chính sách và hộ khó khăn với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Cùng với các tổ chức đoàn thể khác, năm 2023, UBMTTQVN xã đã phối hợp kiểm tra, rà soát xây dựng 12 căn nhà đại đoàn kết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cây - con giống trên địa bàn cũng được thực hiện hiệu quả.
Thắm tình đoàn kết
Từ sáng sớm 4-11, hội trường nhà văn hóa ấp 4A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh đã rất đông người dân đến tham gia ngày hội điểm đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ phần hội sôi nổi với các trò chơi dân gian như: kéo co, đập heo đất, nhảy bao bố thu hút nhiều người tham gia, kể cả người cao tuổi, đến phần lễ nghiêm trang, long trọng ôn lại truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Hướng về Tháng hành động vì người nghèo và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ấp 4A đã cùng các đoàn thể, chính quyền đóng góp xây dựng tuyến đèn điện thắp sáng đường quê; trồng 2,7km đường hoa trong khu dân cư; trao tặng những phần quà cho người nghèo, khó khăn. Trong năm, khu dân cư ấp 4A có 185/189 hộ gia đình văn hóa, đạt 97,9% số hộ; tình hình an ninh trật tự trong khu dân cư luôn đảm bảo.
Lãnh đạo tỉnh, thị xã Bình Long và phường Hưng Chiến cùng các mạnh thường quân chứng kiến trao quyết định bàn giao nhà đại đoàn kết cho gia đình chị Lê Thị Hồng Điệp - Ảnh: Thanh Mảng
Ngày hội đại đoàn kết năm nay, ấp Chàng Hai, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh cũng vinh dự được chọn làm điểm tổ chức ngày hội cấp tỉnh. Với 383 hộ dân sinh sống, trong đó 222 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ngày hội đại đoàn kết dân tộc năm nay tưng bừng, rộn ràng với đa màu sắc, song chủ đạo vẫn là nét truyền thống của đồng bào Khmer và S’tiêng. Những âm thanh rộn ràng của cồng chiêng; các điệu múa lâm thôn uyển chuyển trong ngày hội đã thể hiện rõ thắng lợi của ấp trong năm qua. Năm 2023, nhân dân ấp Chàng Hai đã đóng góp tiền, vật chất, ngày công lao động sửa chữa và làm các tuyến đường giao thông theo cơ chế đặc thù với tổng hơn 1km; phối hợp Đoàn thanh niên xã thực hiện tuyến đèn đường chiếu sáng dài 3km. Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa” được nhân dân tích cực hưởng ứng. Qua bình xét, cuối năm 2023, toàn ấp có 93% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, ấp Chàng Hai đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”.
Ngày hội gắn tình đoàn kết khối đại dân tộc. Trong ảnh: Hội viên phụ nữ xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh biểu diễn văn nghệ vui ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ấp 4A
Để ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự là ngày hội lớn của non sông, của tình đoàn kết các dân tộc anh em, các cấp, ngành, cán bộ mặt trận đến mỗi người dân đều tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua. Từ đầu năm đến nay, MTTQVN huyện Lộc Ninh và các tổ chức thành viên đã phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền mặt hơn 4 tỷ đồng, 1.627 ngày công, hiến 9.265m2 đất để cùng Nhà nước làm mới hơn 10,4km đường giao thông nông thôn; lắp đèn chiếu sáng 40km đường giao thông. Các xã, thị trấn phối hợp xây dựng, duy trì 13 mô hình bảo vệ môi trường...
Đến tháng 11-2023, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã phát huy nội lực trong nhân dân, huy động được hơn 14,8 tỷ đồng, hiến 180.890m2 đất và 24.076 ngày công để đối ứng thực hiện các công trình dân sinh. Công tác hỗ trợ nhau về vốn, khoa học - k¬ thuật, cây - con giống, tặng sổ tiết kiệm được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 2.218 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ với tổng hơn 6 tỷ đồng; nhân dân giúp nhau 4.928 ngày công; giúp 4.179 con giống (heo, gia cầm); giúp 9.875 cây giống; chuyển giao khoa học - k¬ thuật được 340 đợt cho nhân dân...
Bà Trần Thị Bích Lệ, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh cho biết thêm: Tính đến ngày 25-10-2023, UBMTTQVN huyện đã thực hiện phong trào “Trồng cây xanh có hoa, trồng hoa các tuyến đường ở khu dân cư” với chiều dài hơn 80.190m. Ban Thường trực UBMTTQVN huyện phối hợp tiếp nhận, quản lý nguồn kinh phí 350 triệu đồng thực hiện công trình khu tăng gia sản xuất tập trung tại 7 chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới. Thực hiện Tháng hành động cao điểm vì người nghèo, Quỹ “Vì người nghèo” huyện đã vận động, tiếp nhận gần 1,2 tỷ đồng; tiếp nhận từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh chuyển về hơn 2,4 tỷ đồng. Qua đó, Ban Thường trực huyện, xã phối hợp kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và bàn giao 12 căn nhà đại đoàn kết, với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.
Ước đến năm 2025, tỉnh Bình Phước sẽ hoàn thành mục tiêu bình quân mỗi năm giảm từ 2.000-2.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó có 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Do đó, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã và đang huy động tổng lực các giải pháp để giảm nghèo và chống tái nghèo. Nhất là trong Tháng hành động vì người nghèo, các giải pháp càng được đẩy lên cao điểm, trong đó, bằng sức mạnh đoàn kết phát huy nội lực, đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là những giải pháp được đánh giá cao bởi tính hiệu quả và bền vững.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/150766/suc-manh-tu-su-doan-ket