Sức mạnh vận tải của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ qua góc nhìn của người Pháp
Khả năng bảo đảm và tiếp tế hậu cần của bộ đội và dân công ta là một trong những điều bất ngờ đối với quân Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Catơru, Trưởng phái đoàn điều tra của Chính phủ Pháp, sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều tra về “vụ thất thủ Điện Biên Phủ” đã viết trong cuốn sách Hai màn của tấn bi kịch Đông Dương. Hà Nội - Điện Biên Phủ (Deux actes du drame indochinois. Hanoi – Dien Bien Phu) (Nhà xuất bản Plon, Paris, 1959) đã viết: “...Một việc hình như hết sức lạ lùng là một tướng vào loại Nava mà cũng phạm sai lầm về nhận định, khi không lường được khả năng mà Việt Minh có thể làm được về mặt cung cấp. Nava đã chịu ảnh hưởng của những tư tưởng được các bộ tham mưu truyền bá như những chân lý cho rằng việc sử dụng lực lượng vận chuyển, cung cấp của Việt Minh chỉ có hạn...”.
"Những hạt kim cương lấp lánh trong đêm"
Nhận định về các công trình phòng ngự của Pháp ở Điện Biên Phủ, Nava cho rằng: "Các công trình phòng ngự của Pháp được tổ chức theo những nguyên tắc hiện đại nhất, đặc biệt là có sự giúp đỡ của người Mỹ, là bất khả xâm phạm. Pháo binh của Việt Nam dù sao đi nữa vẫn thua kém pháo binh ta, không thể nào leo lên đến các đỉnh núi cao viền quanh lòng chảo. Các lực lượng của tướng Giáp không thể nào tiếp tế được vũ khí đạn dược và lương thực. Vận chuyển hàng ngàn vạn tấn qua rừng rậm là một việc kì dị. Chúng ta làm chủ trên không và chúng ta bắn phá các con đường giao thông của Việt Minh, họ không thể nào tránh được”.
Nhưng trên thực tế, nhà sử học Alanh Ruytxiô trong tác phẩm của mình lại cho rằng “số súng và đại bác mà người Việt đưa đến thung lũng nhiều hơn hẳn số mà cơ quan quân báo Pháp nghĩ đến… Người Pháp cũng tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn tiếp tế. Với một ruột tượng gạo cuốn quanh cổ, 75.000 con người bé nhỏ, ròng rã ngày đêm đẩy những chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Pháp thồ tới 300kg đạn pháo, lựu đạn, đạn bộ binh, lương thực, thực phẩm. Mùa đông 1953, họ lội qua suối lạnh giá, leo lên các sườn núi và kéo các khẩu đại bác đặt lên trên các chóp đỉnh. Khi mùa xuân đến, những dãy dài dân công và xe đạp dắt bộ trải thành một chiếc băng dài vô tận. Tất cả có đến 8.286 tấn đồ tiếp tế được chuyển đến Điện Biên Phủ. Về phía Pháp, trọng lượng chỉ lên tới 3.405 tấn”.
Ảnh tư liệu: Btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn
Tác giả Van Ghe trong cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh có đoạn miêu tả về cuộc chiến vận tải của quân và dân ta: “Khi mặt đất đã quá quang đãng trống trải, các cuộc vận chuyển của địch chỉ tiến hành vào ban đêm. Máy bay trinh sát Pháp, để tránh những tay súng bắn tỉa, bay ở độ cao thích hợp đã chẳng nhìn thấy gì... Thế là trước mặt hàng nghìn lính viễn chinh trong lòng chảo và hàng đoàn phi công, mỗi ngày sau các phi vụ, trở về Hà Nội đã đều ghi trong báo cáo “Trên đường vắng ngắt, rừng núi im lìm, không có vết tích của cuộc chuẩn bị tấn công...
...Nhưng có người lính dù nào đã nhảy xuống và may mắn được trở về nguyên vẹn họ sẽ được thấy một cảnh hùng vĩ: Phía xa tít, dưới tầm mắt của anh ta hệt như ngày hội giao hoan của những đàn đom đóm, hoặc như một chuỗi những hạt kim cương lấp lánh mờ ảo trong đêm đen, vắt ngang sườn núi, uốn lượn theo thế đất. Nếu tiến lại gần hơn nữa, anh ta sẽ thấy những đốm lửa nhảy nhót múa lượn, chập chờn giữa không trung, thoắt gần, thoắt xa và bất chợt biến mất tăm hệt như có phép ma. Và nếu anh ta có cách nào mà lại gần hơn nữa thì mới thấy được rằng: Những đốm sáng chập chờn ấy là những bó đuốc do những người, cả đàn ông lẫn đàn bà xen lẫn trong từng toán 10 người, đang giơ lên cao để soi đường cho một đoàn người dài vô tận đang gồng gánh thồ trên lưng họ những kiện hàng nặng bốn, năm mươi ki-lô-gam”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Pháp đã phải sử dụng cả mưa nhân tạo để chặn bước tiến của các đoàn dân công của ta ra mặt trận nhưng vẫn hoàn toàn thất bại. Trong một bức điện gửi cho Nava, Cônhi đã than thở rằng “mưa nhân tạo được tiến hành ở một số vùng nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Xe vận tải và các đoàn dân công vẫn tiếp tục đưa các đồ tiếp tế lên mặt trận”.
Còn nhà báo Giăng Hăngri Giônô trong cuốn Từ Vécđoong đến Điện Biên Phủ đã ghi lại như sau: “Điều đáng kinh ngạc hơn cả không phải ở chỗ Việt Minh có các loại pháo đó, vì Bộ chỉ huy Pháp đã biết từ một năm trước, mà là ở chỗ làm sao Việt Minh lại đưa được một khối lượng lớn pháo hạng nặng và duy trì việc tiếp tế đạn cho chúng qua vùng núi cao, rừng rậm, chẳng có đường sá gì cả”.
Kỹ thuật vận tải chưa từng có trong binh thư phương Tây
Khi nói về một trong những lý do Pháp thua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, không ít tướng, tá Pháp thú nhận điều mà Bộ tham mưu Pháp đã không thể nghĩ tới là ở Điện Biên Phủ, phương tiện vận tải thô sơ đã đạt tốc độ cao hơn cơ giới. Một số còn đổ lỗi cho rằng chưa hề có một cuốn binh thư nào của phương Tây đề cập tới “kỹ thuật vận tải” rất “kém hiện đại” ấy.
Nhà báo Văng Chéc đã ca ngợi rằng: “Ông Giáp đã biết sử dụng tới phương tiện mà ông ta gọi là “xe taxi của vùng Mácnơ của Pháp”, đó là những chiếc xe đạp. Những chiếc xe đạp “Peugeot” và các loại khác đã thồ các kiện hàng nặng hai, ba trăm ki-lô-gam. Ngoài việc phải thường xuyên cảnh giác đề phòng quân thù tiến công (tuy ít xảy ra), họ lại phải thường xuyên đối phó với các thú dữ của rừng núi Việt Bắc như hổ, báo… nên mỗi người tay đẩy xe lại còn phải giữ trong tay mình một bó đuốc cháy. Từng thời gian, từng đoàn xe thồ lại phải núp sát lề đường để nhường đường cho những xe ô tô tải. Đoạn đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ rất trắc trở nên xe thồ đã đi nhanh hơn là xe ô tô tải. Một đêm, xe đạp thồ có thể đi được 25km, còn ô tô chỉ đi được 15km”.
Nhà báo J. Roa trong cuốn Trận Điện Biên Phủ đã khẳng định: “Bất kể trường hợp nào thì tướng Giáp đã thắng trong cuộc chiến tranh vận tải với những dân công, mà theo dự đoán của Bộ tham mưu Pháp, họ đã tiêu thụ trên đường đi 1/4 số lượng vận chuyển”. Nhà báo J. Roa cũng đã kết luận: “... cũng chẳng phải là sự viện trợ của Trung Quốc khiến tướng Nava bị thua trận, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ những kiện hàng nặng từ 200 đến 300kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni lông trải trên mặt đất”.
Bản thân tướng Nava - người được giới quân sự Pháp đánh giá là “đặc biệt tài ba”, “rất thông minh và sáng suốt”, có “nhãn quan chiến lược”, “khả năng chịu đựng những đòn dữ dội và bất ngờ” và có “những đức tính riêng biệt của người chỉ huy quân sự và sự nhạy bén về chính trị” trong cuốn “Đông Dương hấp hối (Agonie d’Indochine)” (Nhà xuất bản Plon, Paris,1958) của mình cũng đã bày tỏ sự khâm phục đối với khả năng tổ chức của quân đội Việt Nam: “Khi trả lời phỏng vấn báo Pari Mát và báo Pari Prét, tướng Giáp đã phác họa rất hay về công tác vận chuyển của Việt Minh... Chúng ta phải thừa nhận sự cố gắng lớn lao đó và khâm phục khả năng của chính phủ và bộ chỉ huy đối phương đã đạt được kết quả đó...”.
BẢO HÂN (tổng hợp)
- Điện Biên Phủ - Sự kiện Tư liệu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2004.
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện – Hỏi và đáp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2004.
- btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn