Sức mua chợ truyền thống giảm, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nói gì?
Kinh doanh ế ẩm, sức mua giảm sút là tình trạng diễn ra phổ biến tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Thông thường thời điểm này các năm trước hoạt động mua sắm ở các chợ truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh khá nhộn nhịp. Tuy nhiên năm nay các chợ truyền thống rơi vào cảnh đìu hiu, người bán dài cổ chờ người mua. Thậm chí, tại các chợ sỉ và chợ lẻ lớn như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6),... tình trạng tiểu thương bỏ sạp vì thua lỗ vẫn tiếp diễn từ thời dịch, người bán nhiều hơn người mua.
Lý giải sức mua tại chợ truyền thống ngày càng ảm đạm, bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Hiện tại xu hướng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi, trong khi đó diễn biến bắt nhịp tại chợ truyền thống lại diễn ra chậm. Bên cạnh đó, các kênh mua sắm như online và kênh mua sắm hiện đại ngày càng phát triển cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến mãi lực của chợ truyền thống.
Một nguyên nhân khác theo bà Quỳnh, tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh các chợ cũng là yếu tố làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của chợ truyền thống hiện nay.
“Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận/ huyện trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống. Tuy nhiên với những khó khăn hiện nay chúng tôi đã nhận định và đánh giá lại hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống và cũng đưa ta những giải pháp, mô hình phù hợp hơn”- bà Quỳnh thông tin.
Thực tế, chợ truyền thống là nét văn hóa lâu đời của người Việt, do vậy Sở Công Thương nhận định rằng, dù thế nào chợ truyền thống sẽ vẫn tồn tại. Tuy vậy giải pháp nào để phù hợp, cũng như mô hình nào để chợ kinh doanh hiệu quả cần được tính toán, cân nhắc lại.
“Trước mắt, Sở Công Thương đang phối hợp UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận/ huyện rà soát đánh giá lại hiệu quả của các chợ truyền thống. Thông qua rà soát sẽ đề xuất sắp xếp lại hoạt động của các chợ cũng như thương nhân đang kinh doanh tại chợ”- bà Quỳnh nói.
Ngoài ra, sở sẽ hướng dẫn tiểu thương nhân kinh doanh hàng hóa qua mua bán trực tuyến. Cụ thể là tổ chức lớp bồi dưỡng tiểu thương quảng bá sản phẩm qua thương mại điện tử, đa dạng cách tiếp cận thanh toán để người dân dễ dàng mua sắm. Từ đó giúp doanh thu của chợ tăng lên.
Bên cạnh đó, khảo sát nhu cầu của thương nhân để giúp họ tiếp cận nguồn hàng chất lượng cũng như giảm kinh phí để từ đó giảm giá sản phẩm.
Ngoài các giải pháp trên, Sở Công Thương đề xuất các UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận huyện phối hợp giảm tình trạng kinh doanh tự phát tại các chợ. Qua đó góp phần gia tăng mãi lực cho các chợ, nhất là trong giai đoạn cuối năm như hiện nay.