Sức mua sắm tết trầm lắng
Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tại thời điểm này, từ siêu thị, cửa hàng tạp hóa đến các chợ… đã bày bán nhiều mặt hàng phục vụ tết. Tuy nhiên, sức mua sắm tết năm nay có phần trầm lắng hơn so năm trước.
Sức mua giảm mạnh
Dạo quanh một vòng chợ Phan Thiết, các cửa hàng tạp hóa, hải sản… đã trưng bày lên kệ đa dạng các mặt hàng thiết yếu, đặc sản địa phương để phục vụ tết. Tuy nhiên, năm nay số lượng khách hàng đến mua sắm thưa thớt, chủ yếu là mua hàng hóa tiêu dùng hàng ngày, số khách hàng mua sắm đồ tết hầu như trầm lắng. Cửa hàng của chị Xuân Hường có các mặt hàng phục vụ tết như bánh rế, bánh cốm, bánh kẹp, mứt, hạt điều… được trưng bày lên kệ ngăn nắp nhưng lượng khách đến đây mua hàng khá đìu hiu. Chị Hường cho biết: “Đã gần tuần nay, tôi đã nhập các mặt hàng phục vụ tết về để bán. So với năm ngoái, giá vẫn giữ ổn định, hàng hóa đa dạng, chất lượng, mẫu mã đẹp nhưng lượng khách đến mua vắng, rất ế ẩm”.
Không khí mua sắm tết ở chợ Phan Thiết trầm lắng.
Vài năm gần đây, các loại thực phẩm đặc sản luôn là mặt hàng bán chạy, hút khách trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi không chỉ giúp mâm cỗ của nhiều gia đình thêm phong phú, hấp dẫn mà còn được nhiều người chọn làm quà tặng biếu người thân, bạn bè. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, siêu thị trên địa bàn Phan Thiết đã đẩy mạnh cung cấp hàng đặc sản đến người tiêu dùng. Tại cửa hàng đặc sản khô Ngọc Trâm bày bán đa dạng các mặt hàng đặc sản khô như tôm khô, mực khô, nước mắm, các hàng khô ăn liền…
Chủ cửa hàng cho biết, đây là các mặt hàng được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng nhiều trong dịp tết. Do vậy, cửa hàng đã nhập đa dạng các loại, có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tết cho khách hàng. Tuy nhiên, thời điểm này so với năm trước, lượng khách đến mua hàng rất đông thì năm nay thưa thớt, giảm khoảng 50%. Theo chủ các cửa hàng, nguyên nhân năm nay giá nông sản thấp, trong khi đó giá các loại vật tư tăng cao, nông dân sản xuất không có lãi. Mặt khác, sau dịch Covid - 19, nhiều công ty, xí nghiệp gặp khó khăn về sản xuất do các đơn hàng ngưng trệ, khiến công nhân thất nghiệp, tiền thưởng cuối năm không có nên tiết giảm chi tiêu.
Các mặt hàng hải sản khô sức mua giảm.
Giá các mặt hàng tăng nhẹ
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước khoảng 5 - 10% do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Cùng với đó, các mặt hàng hải sản khô không được dồi dào do giá dầu tăng, có thời gian ghe thuyền không hoạt động hoặc chỉ cầm chừng. Hiện giá mực khô loại to ngon có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg, loại trung giá từ 750.000 – 900.000 đồng/kg, loại nhỏ 300.000 – 600.000 đồng/kg. Tôm khô có giá từ 600.000 – 1 triệu đồng/kg, tùy loại lớn nhỏ. Các loại cá khô có giá từ 150.000 - 700.000 đồng/kg như cá khô tẩm, cá khô đuối, cá bò khô, cá khô dảnh…
Bên cạnh đó, các đặc sản của địa phương như nước mắm cũng “hút” khách trong dịp tết vừa dùng cho gia đình vừa làm quà biếu. Các thương hiệu nước mắm được ưu chuộng nhất của Bình Thuận như nước mắm Tứ Tuyệt (hiệu con cá vàng), nước mắm Bà Hai, nước mắm Toàn Hương… Ông Phạm Văn Hóa - Chủ cửa hàng Ngọc Trâm giới thiệu: “Cửa hàng chúng tôi nhập rất nhiều thương hiệu nước mắm của Bình Thuận về phục vụ khách trong dịp tết, trong đó nước mắm cá cơm là đặc sản của Phan Thiết được người tiêu dùng ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, năm nay nước mắm cá cơm khá khan hiếm, do năm nay lượng cá cơm thiếu hụt, mặt khác do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên việc sản xuất chỉ dự đoán”. Ngoài ra, các mặt hàng như bánh tráng, bánh cốm, kiệu, măng khô… là những mặt hàng không thể thiếu trong mỗi gia đình mỗi khi tết đến xuân về nhưng sức mua năm nay cũng giảm đáng kể.
Năm 2022, dịch Covid-19 đã lắng xuống, cuộc sống trở lại “bình thường mới” nhưng tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều người dân bị giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao, dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu và sức mua sắm tết giảm sâu cho thấy rõ điều này.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/suc-mua-sam-tet-tram-lang-104680.html