Sức mua vàng miếng SJC tăng cao kỷ lục

Nhu cầu mua vàng miếng SJC của người dân trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt mức cao kỷ lục trong một thập kỷ qua.

Mới đây, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam trích dẫn số liệu theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, trong nửa đầu năm nay nhu cầu vàng miếng SJC tại thị trường trong nước tăng mạnh.

Nhu cầu vàng miếng SJC tăng đột biến

Cụ thể, nhu cầu vàng miếng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Trong khi đó, nhu cầu vàng trang sức giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm này chủ yếu do giá vàng chi phối, bên cạnh đó do tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua.

Đáng chú ý, WGC cho rằng, chỉ 6 tháng đầu năm 2024, tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu đã đạt 26 tấn, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trang sức giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm nay, nhu cầu vàng miếng luôn trong xu hướng tăng cao do mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã chạm sàn. Bên cạnh đó là thị trường bất động sản thì khan hiếm nguồn cung, thị trường chứng khoán thì trồi sụt thất thường…

Điều này khiến một phần lớn nguồn tiền nhàn rỗi chạy sang vàng. Nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại khan hiếm khiến chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới có thời điểm nới rộng lên 18-20 triệu đồng/lượng.

 Nhu cầu mua vàng miếng SJC của người dân tăng cao. Ảnh: T.L

Nhu cầu mua vàng miếng SJC của người dân tăng cao. Ảnh: T.L

Để tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường cũng như nhằm kéo giảm mức chênh lệch này, từ ngày 19-4 đến ngày 27-5, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Trong số đó, chỉ có 6 phiên đấu thầu thành công và góp phần tăng cung ra thị trường với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.

Dù nguồn cung vàng miếng SJC đã được cải thiện nhưng độ vênh giữa giá vàng miếng SJC và thế giới vẫn neo ở mức cao. Chính thế thế, để đảm bảo mục tiêu bình ổn thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp khác. Đó là bán vàng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và Công ty SJC kể từ ngày 3-6.

Đến nay, việc bán vàng qua nhóm Big 4 và Công ty SJC đã kéo dài hơn hai tháng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và thế giới đã giảm mạnh. Từ chỗ chênh lệch gần 18-20 triệu đồng đến nay chỉ còn khoảng 5 triệu đồng một lượng, thậm chí có thời điểm khoảng cách này chỉ vênh nhau hơn một triệu đồng.

Vàng miếng SJC vẫn "một mình một chợ"

Động thái bán vàng miếng SJC của NHNN thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC đã giúp giá vàng miếng SJC giữ ổn định, nếu không muốn nói là nó gần như “bất biến” trước mọi biến động của thị trường vàng thế giới. Thậm chí, giá vàng thế giới càng tăng thì vàng miếng SJC lại càng giảm.

Chẳng hạn, vào ngày 16-7, giá vàng thế giới từng lập kỷ lục mới là gần 2.470 USD/ounce, tương đương 75,8 triệu đồng/lượng, song giá bán vàng miếng SJC tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC vẫn dậm chân tại chỗ ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế chỉ hơn một triệu đồng mỗi lượng.

Đến ngày 27-7, khi giá vàng quốc tế rơi xuống mức 2.387 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới khi đó ở vào khoảng 73,1 triệu đồng/lượng. Lúc này giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 77,5 triệu đồng, bán ra 79,5 triệu đồng/lượng.

Đến hôm nay, ngày 6-8, khi giá vàng thế giới đang dao động quanh ngưỡng 2.410 USD/ounce, tương đương gần 73,5 triệu đồng/lượng, song giá vàng miếng SJC Công ty SJC niêm yết mua vào ở 77 triệu đồng/lượng, bán ra ở 79 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên chiều qua, giá vàng độc quyền thương hiệu quốc gia đột ngột giảm 800.000 đồng/lượng, sau nhiều ngày “đóng đinh” ở mốc 80 triệu đồng/lượng. Và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại nới rộng lên khoảng 6,5 triệu đồng/lượng.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-mua-vang-mieng-sjc-tang-cao-ky-luc-post803877.html