Sức nóng cuộc đua thu hút đầu tư vào ngành y dược
Thu hút đầu tư vào ngành y dược mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu có hành động. Việt Nam cần ý thức được sự cạnh tranh đầu tư từ các quốc gia khác và đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư
Đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển
Dựa trên thế mạnh và kinh nghiệm của ngành dược phẩm phát minh, cũng như vị thế tập đoàn dược hàng đầu thế giới, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group đã có những khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Hội thảo “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7.
Pharma Group đại diện tiếng nói các nhà sản xuất dược phẩm phát minh nước ngoài, hiện đang đầu tư trên 10% doanh số toàn cầu hàng năm vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và có 22 thành viên từ Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.
Ông Emin Turan cho biết, 10.000 phương án thử nghiệm thuốc thì chỉ 1 sản phẩm thành công và chỉ 1/3 số thành công có thể đưa vào hoạt động thương mại. Bởi vậy, hoạt động đầu tư vào dược phẩm rất lớn. Các công ty dược phẩm sinh học đã và đang duy trì tổng đầu tư vào R&D hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu trong một thập kỷ đến năm 2030.
Trung bình tỷ trọng đầu tư vào R&D thường chiếm 15% doanh thu của công ty dược, mất 10 - 15 năm và chi phí 2,6 tỷ USD để phát triển một loại thuốc mới, từ lúc nghiên cứu tới lúc thuốc được phê duyệt theo quy định.
Đây là lý do các doanh nghiệp dược rất cẩn trọng trong việc đầu tư ra ngoài và thực hiện việc chuyển giao công nghệ.
10 yếu tố nâng cao sức cạnh tranh
Thu hút đầu tư vào ngành này đang trở thành một cuộc đua nước rút trên cả quy mô khu vực và toàn cầu mà quốc gia nào cũng muốn giành được phần hơn. Chỉ nhìn vào con số hàng ngàn tỷ USD mà các công ty dược phẩm sinh học sẽ đầu tư cho riêng lĩnh vực nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn 2020 - 2030 cũng có thể lý giải phần nào về cuộc đua này.
Theo Chủ tịch Pharma Group, 1 nghiên cứu toàn cầu cho thấy, có 10 yếu tố giúp quốc gia thành công trong thu hút chuyển giao công nghệ vào đất nước, bao gồm thể chế, ổn định chính trị, môi trường thân thiện với đổi mới sáng tạo, thị trường nội địa đủ lớn, lao động có tay nghề, thị trường tài chính phù hợp…
Đây cũng sẽ là các yếu tố mà Việt Nam có thể “soi mình” để tìm cách cải thiện, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư chất lượng cao vào ngành dược.
“Thu hút đầu tư vào ngành y dược mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu có hành động. Việt Nam cần ý thức được sự cạnh tranh đầu tư từ các quốc gia khác và đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư. Những khuyến nghị từ tôi bao gồm việc tập trung cải cách thể chế để duy trì và phát triển một môi trường hoạt động mang tính khả thi và dự báo sẽ là tiên quyết để thu hút thêm các đầu tư. Tập trung vào cải thiện môi trường chính sách, đây là thời điểm thích hợp để tìm ra và điều chỉnh. Môi trường pháp lý được cải thiện sẽ nâng cao tính ổn định, có thể dự báo, từ đó nâng khả năng thu hút đầu tư mới”, ông Emin Turan chia sẻ.
Các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam có lợi thế từ việc rút ra bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, cùng với sự tiến triển vượt bậc của khoa học – công nghệ hiện nay, nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống y tế và ngành y dược bền vững. Để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn.
Chủ tịch Pharma Group cho rằng, với các lợi thế cạnh tranh hiện tại của Việt Nam, việc tập trung cải cách thể chế để duy trì và phát triển một môi trường hoạt động mang tính khả thi và dự báo sẽ là tiên quyết để thu hút thêm các đầu tư.
Khi tầm nhìn đã rõ ràng, thì cần phải hành động ngay. Theo đó, ông Emin Turan khuyến nghị, Việt Nam có thể thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đổi mới sáng tạo: Giám sát việc xây dựng khung pháp lý và lộ trình thực hiện theo định hướng Nghị quyết 29/NQ-TW về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Phó Thủ tướng làm trưởng ban.
Ban chỉ đạo quốc gia sẽ cần có thực quyền đảm bảo theo dõi và chịu trách nhiệm giải trình của các bên liên quan liên ngành từ phía chính phủ – giới học thuật và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thí điểm các ngành cụ thể đã được xác định là ngành ưu tiên tại Nghị quyết 29/NQ-TW như ngành Dược phẩm.
Tiến hành nghiên cứu phân tích các điểm nghẽn tồn tại trong chính sách, xác định các vấn đề cấp thiết hiện tại và phát triển chính sách dựa trên bằng chứng thực tiễn để giải quyết những điểm nghẽn này.