Sức sống của áo dài ngũ thân trong thời đại mới
Trải qua bao thăng trầm của thời đại, chiếc áo dài vẫn luôn là biểu tượng mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Như một dòng chảy, có lúc quanh co, chiếc áo dài ngũ thân - tiền thân của áo dài ngày nay từng có lúc chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, ngày nay áo dài ngũ thân đang có cuộc trở về 'ngoạn mục' trong đời sống của những người yêu văn hóa truyền thống.
Niềm tự hào của người Việt
Trải qua bao thăng trầm của thời đại, chiếc áo dài vẫn luôn là biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của con người Việt Nam. Những người yêu văn hóa truyền thống hẳn không quên được hình ảnh vào mùa hè năm 2018, khi Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, Trần Ngọc An trình quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, ông đội khăn đóng, mặc chiếc áo màu xanh nước biển thẫm, trên áo có in hình hoa văn truyền thống. Hay, hình ảnh Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Bu-tan và Nê-pan Phạm Sanh Châu “diện” áo dài trong những dịp thực hiện nghi lễ ngoại giao, các dịp lễ, Tết… đặc biệt là vận động nhân viên Đại sứ quán mặc áo dài.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt: Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc mà còn chứa đựng một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Áo dài xuất hiện từ những lễ nghi quan trọng của quốc gia đến sinh hoạt văn hóa thường ngày, ai cũng có thể mặc bộ áo dài để thêm phần trang trọng. Từ đời sống của người Việt Nam, áo dài đi vào thơ ca, nhạc, họa và vươn ra thế giới.
Trải qua sự biến thiên của lịch sử, áo dài nữ được cách tân nhiều lần để phù hợp với mỗi thời kỳ khác nhau nhưng vẫn là trang phục quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Khác biệt hơn, áo dài dành cho nam dường như ít được ứng dụng hơn trong đời sống thường nhật. Áo dài nam chỉ còn xuất hiện trên sân khấu, dịp tết, lễ quan trọng.
Chia sẻ về lịch sử chiếc áo dài của người Việt ông Bình cho biết: Tiền thân của áo dài ngày nay là áo ngũ thân tay chẽn - loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn, ống tay hẹp và vạt ngắn hơn nam - loại áo này được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông chính là người đặt nền tàng cho hình hài của áo dài.
Gọi là áo ngũ thân vì loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất. “Người Huế gọi là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng, năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người, bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường “nhân - nghĩa - lễ - trí - tín”; ngũ luân biểu trung cho hình ảnh “quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè”. Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý” - ông Bình chia sẻ.
Phân tích giá trị của áo dài ngũ thân, ông Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, chỉ rõ: Cách may áo, mặc áo dài ngũ thân, đặc biệt với áo dài nam thể hiện rõ các đặc tính: Khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc, thẩm mỹ tinh tế. Sự tinh tế thể hiện ở kỹ thuật may của người thợ. Từ việc ghép hoa văn chỗ sống áo thật khớp, đường kim thẳng, nhỏ, đều, khi cần phải giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Đường tà lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. Về góc độ mỹ thuật, các đặc điểm tạo hình tà, cổ, khuy, tay áo đều được tính toán rất kỹ lưỡng vừa phù hợp với công năng sử dụng vừa có thẩm mỹ. “Trong các công đoạn may áo dài ngũ thân, công đoạn định hình của tà áo là công đoạn phức tạp nhất, bởi khi chiếc áo hoàn thiện, những vấn đề đẹp, xấu, cơ bản đều do công đoạn này mà ra”- ông Nguyễn Đức Bình cho hay.
Đưa áo dài ngũ thân sống lại bản sắc vốn có
Mặc dù ra đời trước áo dài nữ và từng là trang phục truyền thống của người đàn ông Việt nhưng qua những thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài nam truyền thống không còn hiện diện trong đời sống thường ngày. “Những kỷ vật cuối cùng của tà áo dài ngũ thân nam, khăn quấn nay chỉ còn tồn tại trong các viện bảo tàng, trong văn học đương đại, sân khấu điện ảnh, nghệ thuật hội họa” - Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt chia sẻ.
Để giữ được nét truyền thống, nhiều người cho rằng, cần đảm bảo tiêu chí trang phục văn hóa, hiểu được nguyên lý và cốt cách của áo dài. Những người quan tâm đến áo dài truyền thống cũng đưa ra nhiều quan điểm nhằm phát huy, lan tỏa bản sắc văn hóa áo dài Việt Nam. Thực tế, tháng 9/2020, Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên - Huế đã vận động cán bộ, công chức mặc áo dài trong lễ chào cờ đầu tháng, và nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo mọi người. Dù chưa chính thức được công nhận là di sản văn hóa song trong tâm thức của người Việt Nam, áo dài đã là di sản văn hóa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho rằng, điều đầu tiên vẫn cần lan tỏa văn hóa áo dài đến thế hệ trẻ, đưa văn hóa truyền thống vào trường phổ thông. Một điều quan trọng khác là việc thiết kế áo dài cần đảm bảo các yếu tố để dễ dàng đi vào đời sống.
Những năm gần đây, Câu lạc bộ Đình làng Việt đã không ngừng tổ chức các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giúp công chúng hiểu được giá trị của áo dài truyền thống; vận động đưa trang phục áo dài ngũ thân của nam giới quay trở lại đời sống.
Trong đó, có sự kiện ra đời của Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống vào năm 2017. Đây trở thành nơi tập hợp những người yêu mến trang phục truyền thống, đặc biệt là áo dài nam. Đặc biệt, góp phần nâng cao tính ứng dụng trong đời sống đương đại, tăng cường các hoạt động hỗ trợ bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của trang phục Việt đặc biệt là chiếc áo dài ngũ thân.
Ấn tưởng nhất phải kể đến Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm- Hà Nội) đã có một không gian đặc biệt dành cho áo dài ngũ thân do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt khai trương. Đây là hành động thiết thực của những người yêu mến áo dài ngũ thân nam, tạo cơ hội cho công chúng, du khách được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những giá trị của trang phục áo dài truyền thống.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng hỗ trợ nghệ nhân, người dân, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận những sản phẩm may theo truyền thống, phù hợp với đời sống hiện nay. “Việc may và mặc áo dài truyền thống đã có những khởi sắc; người may, mặc áo ngũ thân ngày càng tăng và được lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt trong lớp trẻ”- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt chia sẻ.
Những người yêu văn hóa truyền thống vui mừng khi chứng kiến một cuộc “phục hưng” của áo dài ngũ thân và không khỏi tự hào khi khoác lên mình tấm áo ngũ thân cắt may đúng truyền thống. Thường chọn áo dài ngũ thân mặc vào những dịp đặc biệt và lễ Tết truyền thống, anh Phạm Hồng Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Khi mặc tấm áo dài ngũ thân lên người tôi cảm giác như sống lại không gian xưa. Chúng tôi có một nhóm bạn chơi thân với nhau thường hay uống trà, đàm đạo, bình hoa, diện áo tứ thân này nữa và ngồi tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây) thì cảm giác mình như sống lại cảm giác mà ở trong phim ảnh mới có, cảm xúc rất tự hào”.
Nom gần một thế kỷ trôi qua, áo dài ngũ thân đi qua một hành trình, từ thân thuộc, đến lạ lẫm, rồi bắt đầu thân quen. Trong tâm thức của nhiều người, chiếc áo dài ngũ thân đã dần trở thành hình ảnh đại diện cho văn hóa trang phục Việt Nam
Với các tiêu chí thẩm mỹ cao, áo ngũ thân góp phần làm tôn lên vẻ đĩnh đạc và lịch lãm của người mặc, tạo nên vẻ đẹp và phong cách riêng biệt dễ nhận biết của người Việt Nam.
Thu Trang – Hoàng Lan
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-song-cua-ao-dai-ngu-than-trong-thoi-dai-moi-171468.html