Sức sống mới cho lý luận phê bình văn học: Thêm lực đẩy cho văn hóa

Nặng 'nghiên cứu' nhẹ 'phê bình', lượng dày chất mỏng, thiếu vắng các cây bút phê bình trẻ... là những ý kiến về đời sống lý luận phê bình văn học những năm vừa qua.

Điều đó có đúng không và làm thế nào để thúc đẩy, tạo sức sống mới cho đời sống lý luận phê bình văn học trong tương lai gần, để đội ngũ lý luận phê bình thực sự đồng hành, cộng hưởng với đội ngũ sáng tác, và thực sự là một lực đẩy cho văn hóa xã hội?

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V quy tụ nhà phê bình nữ nhiều thế hệ. Ảnh: CTV

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V quy tụ nhà phê bình nữ nhiều thế hệ. Ảnh: CTV

Một nền lý luận phê bình đang chuyển động

Đi song song với sáng tác văn chương, trong khoa học nghiên cứu văn học có ba mũi nhọn, đó là văn học sử (nghiên cứu về lịch sử văn học), lý luận văn học và phê bình văn học. Chính nhà lý luận và phê bình đã và đang là người gợi mở những ngả đường thẩm mỹ để độc giả bước chân vào tác phẩm văn học bằng - trước hết - một tâm thế khác và sau đó, một trải nghiệm khác. Cũng chính nhà phê bình là những người khơi lên những cuộc tranh luận, làm cho văn chương trở nên có một đời sống.

“Điểm danh” một số cây bút sinh năm 8x như Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Minh Tâm, Đỗ Anh Vũ, Phạm Phương Chi, Thái Phan Vàng Anh, Phan Tuấn Anh, Hoàng Cẩm Giang, Đoàn Ánh Dương, Võ Quốc Việt, Hà Thy Linh..., có thể thấy lực lượng lý luận phê bình văn học trẻ không quá thiếu vắng.

Những năm gần đây nổi lên các cây bút lý luận phê bình văn học thế hệ 9x như Hiền Trang, Vũ Kiều Chinh, Đặng Thị Thái Hà, Nguyễn Đình Minh Khuê... và cả thế hệ 2k như Triều Dương (Nguyễn Minh Trang) sinh năm 2001, Lê Hồ Nam sinh năm 2005.

Một người yêu văn chương luôn sống hai đời sống soi chiếu vào nhau: Văn chương và đời thường. Đời sống văn chương ấy lại được dựng lên trên hai bình diện gồm sự viết và sự đọc. Không chỉ có sự viết mới là đi tìm chính mình hay đi tìm chân lý, mà sự đọc cũng có thiên chức tương tự.

Nếu sự viết đi tìm kiệt tác thì sự đọc cũng phải có tinh thần tìm đến đỉnh cao của riêng nó, đó chính là con đường mà lý luận phê bình văn học đang đi và hướng dẫn độc giả cùng tham gia. Trong phê bình văn học, cá tính và thị hiếu thẩm mỹ của người làm phê bình trở nên hết sức quan yếu, không kém gì nhà văn và các nghệ sĩ. Trong vòng vài năm qua, nhiều tác phẩm phê bình văn học được xuất bản, đến tay bạn đọc và đã tạo ra diễn đàn của riêng nó.

Có thể kể đến như “Những thời xanh tráng lệ” của Nguyễn Thanh Tâm đưa ra những góc nhìn mới về văn học trước 1945; “Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi” của Đoàn Ánh Dương nhìn nhận văn chương trong những tương tác bên trong và bên ngoài nó từ sáng tạo đến xuất bản và tìm kiếm độc giả; “Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại” của Vũ Thị Thu Hà nỗ lực giải quyết một số vấn đề còn nhiều tranh luận về đời sống văn học đại chúng; “Ô cửa từ trang sách” của Nguyễn Quang Hưng khám phá nét đẹp của sáng tạo văn chương ở những tác giả tiêu biểu đương thời.

“Lật những mảnh ghép văn chương” của Phạm Khánh Duy là tập hợp các bài nghiên cứu tác phẩm như nhận diện cổ mẫu trong thơ Xuân Quỳnh hay tiếp cận về môi trường nông thôn trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Việt Hà.

Tập tiểu luận “Ngắn dần đều” của Hoàng Đăng Khoa với các chương như "Nghệ thuật của cái nhìn", "Người viết trẻ có đáng bị bắt bẻ?", "Thơ là hơi thở" đi sâu vào tâm thế tiếp cận văn chương, cũng như vai trò và trách nhiệm của nhà văn trong xã hội hiện đại.

“Những vấn đề của thi pháp tiểu thuyết Việt Nam” của Nguyễn Tiến Kim nhìn xuyên qua sự viết của văn chương hiện đại Việt Nam ở góc độ kỹ thuật, đặc biệt chỉ ra các kiểu nhân vật của văn chương đương đại: Nhân vật lịch sử nghiệm sinh về thời thế, nhân vật hiện sinh, nhân vật huyền thoại, nhân vật người lính phản tỉnh về chiến tranh.

Năm 2024 vừa qua, Giải thưởng Sách quốc gia đã gọi tên “Tại sao ta yêu?” một tiểu luận văn chương - nghệ thuật của tác giả Hiền Trang (sinh năm 1993) viết về nhiều tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam và quốc tế bằng cái nhìn duy mỹ...

Rõ ràng, các tác phẩm lý luận phê bình văn học hôm nay đang vươn mình, tìm cách tự trau dồi và cá tính hóa để đưa ra những chuẩn mực thẩm mỹ mới, liên tục tiếp cận và nghiên cứu văn chương đương đại cũng như tái khám phá các giá trị cũ và đáp ứng những đòi hỏi cập nhật của thời nay.

Nhưng quan trọng hơn, phê bình văn học hôm nay đã kết hợp được những tiêu chí thẩm mỹ và tiêu chí bên ngoài thẩm mỹ để qua đó, người đọc nhìn thấy cả một lịch sử đương đại đang vận động, với những nỗi ưu tư của độc giả về riêng một vấn đề nào đó qua những thăng trầm của một loại hình, một chủ đề văn chương, hay dấu vết thời gian phủ lên một thi pháp... Người đọc không còn chỉ nhìn thấy những hay dở của tác phẩm mà vượt lên cái nhìn bé nhỏ ấy để nhìn thấy diện mạo của chính mình đang sống trong thời đại.

Giải pháp nào thúc đẩy lý luận - phê bình văn học?

Việc viết phê bình và đọc phê bình ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Nếu lối phê bình quá chú trọng đánh giá hay - dở theo kiểu review sẽ tạo ra lớp bạn đọc chỉ tò mò muốn biết sự khen hay chê, mà bỏ qua giá trị nghệ thuật đặc thù của lý luận phê bình. Điều ấy phần nào dẫn đến sách phê bình văn học ít người đọc thực thụ - đọc để hưởng lấy niềm vui trí tuệ chứ không phải vì công việc hay học tập, trong khi lẽ ra lĩnh vực này cũng hấp dẫn không kém tác phẩm văn chương. Phải chăng đó chính là nguồn cơn tạo nên những ý kiến trái chiều như hiện thiếu vắng cây bút phê bình, chất lượng “phê và bình” chưa cao? Lý luận phê bình văn học cần đa dạng các lựa chọn và phong cách, đặc biệt rất cần có những đường lối phê bình đứng xa hoạt động "review" hay “khen chê thù tạc”.

Tại kỳ họp thứ V của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương diễn ra vào tháng 8-2024 cũng đã đặt ra vấn đề về đội ngũ tài năng kế cận trong lĩnh vực đặc thù này. Bởi lực lượng phê bình trẻ, nếu tính dưới 40 tuổi (sinh năm 1985 trở lại đây) thì vẫn đang thiếu hụt nhiều hạt nhân tích cực tại các hội văn nghệ địa phương, cộng tác với những tờ báo, tạp chí lớn, mang tính đại chúng..., mặc dù việc bồi dưỡng, đào tạo về lý luận phê bình văn học ở Việt Nam rất dày dặn ở các trường đại học trên cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng nhuận bút của các bài viết phê bình hiện không đóng góp quá nhiều cho thu nhập của các cây bút lý luận phê bình, nên nhiều người phải tập trung vào công việc khác để mưu sinh, dẫn đến sự phân tán khó tránh khỏi trong hoạt động chuyên môn. Có lẽ, phê bình văn học vẫn chưa phải là lĩnh vực hấp dẫn về mặt nghề nghiệp, khiến nhiều cây bút trẻ dễ bị cuốn theo xu hướng xã hội, ảnh hưởng đến chiều sâu của tác phẩm phê bình. Thúc đẩy sự phát triển mảng lý luận phê bình, có lẽ chính các nhà văn trẻ nên thử sức ở địa hạt này, hoặc ít nhất là tiểu luận văn học, chẳng hạn về sự đọc của nhà văn trẻ diễn ra như thế nào, để làm giàu trải nghiệm sáng tác của chính mình. Hoạt động lý luận phê bình sẽ là sợi chỉ nối những văn bản mà nhà văn đọc được, giúp người viết phát hiện ra những vùng đất, những cõi suy tưởng riêng cho mình, trong một tổng thể văn chương đa chiều, mà các trải nghiệm khác của đời sống hoàn toàn có thể không có được.

Về phía các đơn vị xuất bản cũng hoàn toàn có thể đóng góp thúc đẩy phê bình văn học bằng cách hợp tác có lợi hai chiều như mời các nhà phê bình trẻ viết phần dẫn luận, viết bài điểm sách cho các tác phẩm sắp xuất bản, đặc biệt là các tác phẩm của các gương mặt mới ở Việt Nam. Khi các nhà văn đọc nhau và “phê nhau” mới tạo nên được một nền văn chương lành mạnh, các tác giả có thể truyền cảm hứng, thúc đẩy lẫn nhau, tạo ra một dòng chảy ngầm của sự đọc - thay vì chỉ những hoạt động hội thảo bề nổi.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc thi, chuyên mục định kỳ chuyên về phê bình văn học sẽ tạo cơ hội để các nhà phê bình trẻ thể hiện tài năng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải thấy được là việc nhìn nhận, soi chiếu đời sống xã hội đương thời không phải chỉ là nhiệm vụ của nghệ thuật, mà còn của người làm lý luận phê bình. Những buổi giao lưu giữa nhà phê bình, nhà văn và cộng đồng, hội nhóm độc giả đại chúng cũng là cơ hội để tạo sự kết nối và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Lý luận và phê bình văn học phải được nhìn nhận như một trong những lực đẩy cho văn hóa xã hội - đây chính là phương châm giúp lĩnh vực này khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của văn hóa - nghệ thuật. Người viết lý luận - phê bình phải chăng cũng nên mang tâm thế như một nhà văn, nhưng thay vì viết để tìm chân lý, họ xây dựng thế giới thông qua hành trình đọc? Chính cái tìm kiếm ấy, nỗi trăn trở riêng tư ấy sẽ tạo nên chân dung của nhà lý luận phê bình và nâng cao năng lực nhìn nhận.

Đức Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/suc-song-moi-cho-ly-luan-phe-binh-van-hoc-them-luc-day-cho-van-hoa-690218.html