Sức sống mới của thành phố Hồ Chí Minh

Song song với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2022, với quyết tâm chính trị, thành phố đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước phục hồi nền kinh tế-xã hội. Và nỗ lực, quyết tâm đó thật sự đã mang lại những gam màu sáng cho thành phố, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Công nhân Công ty Sài Gòn Food đóng gói sản phẩm trên chuyền của công ty.

Công nhân Công ty Sài Gòn Food đóng gói sản phẩm trên chuyền của công ty.

Báo cáo của các ngành, địa phương trong quý I năm nay đều cho thấy, từ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, sức sống mới đã, đang trở lại trên thành phố mang tên Bác sau những ngày kiệt quệ vì đại dịch.

Phục hồi ngoài mong đợi

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Sau thời gian “khởi động” của ba tháng cuối năm 2021 (bình thường mới từ 1/10/2021) thì ngay trong quý I đầu năm 2022, thành phố đã đạt những kết quả bước đầu trên nhiều lĩnh vực; qua đó, tạo niềm tin rất lớn cho hệ thống chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Bà Lê Thị Huỳnh Mai dẫn chứng, đến hết tháng 3/2022, hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều cơ sở, doanh nghiệp tái cơ cấu đã đăng ký hoạt động.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, tỷ lệ này ở ngoài khu công nghiệp là hơn 90%. Ngoài ra, một tỷ lệ lớn người lao động cũng đã trở lại thành phố làm việc sau khi về quê trong tâm dịch. Các thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, các lĩnh vực kinh tế của thành phố đều có mức tăng trưởng khá, nhất là trong tháng 3. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý I/2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III và IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế thành phố đã đạt mức tăng trưởng dương. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt hơn 121 nghìn tỷ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD. So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 1,04%. Ấn tượng hơn, du lịch là một trong các lĩnh vực bị đại dịch Covid-19 “tàn phá” nặng nề nhất nhưng cũng đang bước đầu phục hồi. Hàng loạt sự kiện kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước đã được nối lại. Thành phố cũng đang tích cực triển khai các công tác để có thể đón các đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại sau dịch. Tương tự, nhiều lĩnh vực khác về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, xây dựng,… cũng đạt được những kết quả tích cực.

Công nhân Công ty cổ phần May Nhà Bè hoàn thiện các sản phẩm tại phân xưởng.

Công nhân Công ty cổ phần May Nhà Bè hoàn thiện các sản phẩm tại phân xưởng.

Với những kết quả đạt được đầy ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của thành phố trong quý I/2022, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Kết quả này là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp sau những ngày tháng bị tác động rất khủng khiếp do dịch bệnh. Đây là sự khởi đầu thuận lợi để nền kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Tạo sức bật cho phục hồi

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trên nhiều lĩnh vực trong quý I/2022, vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa được vực dậy như kỳ vọng. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, so với cùng kỳ, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng đầu năm ước giảm 4,8%. Điều này phản ánh thực tế từ việc sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn sau những thiệt hại về kinh tế trong đại dịch vừa qua. Ở lĩnh vực đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút ước giảm khoảng 40,09% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, một số ngành công nghiệp chủ lực của thành phố (điện tử, xây dựng, dịch vụ…) còn chậm phục hồi. Dự báo, thời gian tới, thành phố tiếp tục phải đối diện với những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh; tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến khó lường; xu hướng tăng giá nhiều loại hàng hóa có thể khiến gia tăng lạm phát, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân...

Lường trước được những khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm sớm đưa thành phố trở lại với nhịp sống sôi động, mức tăng trưởng cao, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa 10 (9/12/2021), nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố năm 2022.

Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn đạt 6% đến 6,5%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35%; phấn đấu nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ 20,4 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân; tiếp tục duy trì tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi đến trường được đi học.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các chỉ tiêu về kinh tế nêu trên là khá cao trong bối cảnh thành phố vừa trải qua những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, thành phố đã vượt qua và đang dần trở lại nhịp sống thường nhật. Từ việc phân tích, nhận diện các khó khăn, hạn chế, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các ngành, các cấp và người dân thành phố cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, bởi đây là điều kiện để mở cửa kinh tế-xã hội.

Đối với các khó khăn, các sở, ngành, địa phương cần nhận diện và tháo gỡ các điểm nghẽn; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính; nghiên cứu các mô hình cung cấp dịch vụ công phù hợp đối với các đề án, kế hoạch.

Quán triệt tinh thần phục hồi nền kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Trên tinh thần sức mạnh tập thể, mỗi người phải thấy được trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ chung. Các đồng chí đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn nữa, dám nghĩ dám làm. Thành phố đã bắt nhịp trở lại thì đừng để đầu tàu kinh tế của đất nước bị chậm lại. Việc hoàn thành các mục tiêu đề ra của năm 2022 là rất quan trọng, bởi từ đó chúng ta mới có cơ sở vững chắc để hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025”.

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/suc-song-moi-cua-thanh-pho-ho-chi-minh-692781/