Sức sống mới làng mai Bình Lợi

Theo UBND xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM), những ngày đầu năm 2020, địa phương đã gấp rút hoàn thành 18 tuyến đường, cũng là hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn nâng chất để phục vụ người dân tốt hơn về sinh hoạt, sản xuất.

Các tuyến đường nội đồng được xây dựng, mở rộng để xe tải lớn vào tận nơi vận chuyển

Các tuyến đường nội đồng được xây dựng, mở rộng để xe tải lớn vào tận nơi vận chuyển

Xe tải vô tận đồng

Nhìn dòng xe tải vào tận ruộng mua nông sản, ông Phạm Văn Dững (chủ vườn mai Hai Dững) với hơn 10 năm trong nghề, nhớ lại: “Khoảng 5 năm trước, tại xã Bình Lợi chỉ trồng mía và thơm. Khi thu hoạch, phải thuê xuồng nhỏ chuyển ra đầu đường để đưa lên xe lớn. Tính ra, chi phí thuê nhân công bốc vác 2 lần và vận chuyển 2 lần nên giá thành tăng cao, khó cạnh tranh. Nhờ xây dựng NTM, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân hiến đất mở rộng đường nội đồng để xe tải có thể vào tận ruộng. Đầu năm 2020, nông dân vui mừng khi UBND xã làm đường cấp phối, nông dân không tốn thêm chi phí bốc vác, lợi nhuận cao hơn mùa trước”.

Từ khi chuyển cây mía sang trồng mai vàng gần 5 năm, thu nhập của gia đình ông Lê Hữu Thiện tăng so với trước. Với 12ha trồng mai vàng, bước sang năm thứ 3, ông Lê Hữu Thiện thu hoạch được 3ha, với 1.000 cây. Tết Canh Tý này ước tính thu hoạch khoảng 4.000-5.000 cây.

“Không chỉ riêng tôi mà tất cả nông dân xã Bình Lợi cũng đạt được lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, UBND huyện, UBND xã còn hỗ trợ giúp mai vàng của xã phát triển. Năm 2019, UBND huyện đã tổ chức Đường mai vàng nhằm quảng bá sản phẩm của xã. Song song đó, UBND xã hỗ trợ thành lập HTX Hoa mai vàng Bình Lợi để phát triển căn cơ, được nhiều nơi biết đến. Thương lái từ Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận, Hà Nội… đến tận vườn hỏi mua”, ông Lê Hữu Thiện tâm sự.

Khi biết vùng đất Bình Lợi có tiềm năng phát triển mai nên nhiều người nơi khác đến đầu tư. Tuy mùa này chưa thu hoạch, nhưng với kinh nghiệm hơn 20 năm, ông Trần Văn Đỉnh (đến từ tỉnh Kiên Giang) vừa mua lại vườn mai 2 năm tuổi, đánh giá vùng đất này tốt để trồng mai. Tuy mới 2 năm tuổi, nhưng cây có gốc to, phát triển tốt.

Nguồn lực chính là người dân

Bình Lợi có địa hình trũng thấp, là xã nghèo của huyện Bình Chánh. Sau 10 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đã đạt trên 64 triệu đồng/người/năm. Có 1.220 hộ dân tham gia hiến 248.192m2 đất, trị giá 89,2 tỷ đồng để làm đường giao thông. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện xây dựng các hạng mục công khai để người dân bàn bạc, đóng góp, tiến tới đồng thuận khi triển khai giải pháp thực hiện từng tiêu chí NTM, phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Theo ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, 10 năm xây dựng NTM gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn. Cây mai được các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT TPHCM hỗ trợ xây dựng thương hiệu Mai vàng Bình Lợi và được chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ để gia tăng giá trị; đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn chuyên canh tại ấp 3. Kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau 10 năm là mai vàng có 366ha (tăng 206ha so với năm 2010); cây mía từ 940ha năm 2010, giảm còn 38ha; củ riềng 86ha, tăng 66ha so với năm 2010; lan 4,7ha, tăng 4ha so với năm 2010; cá thịt 125ha (giảm 110ha so với năm 2010), cá kiểng 42ha (tăng 24ha so với năm 2010). Bên cạnh đó, UBND xã còn tạo điều kiện cho nông dân vay vốn hơn 151 tỷ đồng.

Nói về kế hoạch xây dựng NTM năm 2020, ông Trương Thái Ngọc xác định xã tiếp tục xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu theo tiêu chí nâng cao. Để làm được việc này, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, cùng chung sức thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM.

Theo Trung tâm Khuyến nông TPHCM, hiện có hơn 1.000ha hoa kiểng trồng ở các huyện và quận ven thành phố để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, tập trung các chủng loại hoa truyền thống và có thế mạnh như mai vàng, chiếm khoảng 524ha tổng diện tích sản xuất hoa, kiểng tết. Trong đó, mai trồng chậu có 71ha, mai trồng đất 453ha, sản xuất chủ yếu ở huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận 9, Thủ Đức.

Dự kiến, tết này cung ứng hơn 700.000 cây mai thành phẩm. Kế đến là 218ha lan nhiệt đới các loại như Mokara, Dendrobium... với sản phẩm lan cắt cành và lan trồng chậu, tập trung tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và quận Thủ Đức với khả năng cung ứng hơn 10 triệu chậu lan và cành lan các loại. Trong khi đó, hoa nền các loại như cúc, vạn thọ, sống đời, mồng gà, hướng dương, cát tường, mãn đình hồng... trồng trên diện tích khoảng 86ha, dự kiến cung ứng hơn 6 triệu chậu. Ngoài ra còn có khoảng 207ha bon sai - cây kiểng, cung ứng hơn 1,5 triệu chậu các loại...

CÔNG PHIÊN

THANH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/suc-song-moi-lang-mai-binh-loi-641456.html