Sức sống mới ở ấp Mười Mẫu

Điều mà ai cũng được chứng kiến khi đến ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đó là các trục đường chính trong ấp được rải nhựa đi lại dễ dàng, điện lưới chạy thẳng tắp đến từng gia đình, nhiều căn nhà được xây dựng kiên cố đã thay thế những ngôi nhà tranh vách nứa xiêu vẹo… Mười Mẫu đang thực sự thay da đổi thịt từng ngày!

Đại úy Hoàng Văn Thiệu khám bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc

Đại úy Hoàng Văn Thiệu khám bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc

Từ Đồn Biên phòng Phước Thiện, BĐBP Bình Phước, xuyên qua gần 15km đường rừng cao su mới đến ấp Mười Mẫu. Điểm đến đầu tiên của tôi là Trạm xá quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Phước Thiện nằm ngay ở trung tâm ấp. Vì đúng ngày trạm xá tổ chức khám chữa bệnh cho người dân, nên mặc dù mới hơn 6 giờ sáng, bà con đã có mặt khá đông đúc.

Đang ngồi chờ đến giờ khám bệnh, chị Điểu Thị Nương (sinh năm 1972), người dân tộc S’tiêng cho biết: “Hôm nay, tôi bị sốt, thấy mệt trong người nên chồng đưa tới nhờ cán bộ quân y BĐBP khám và xin thuốc uống cho khỏi để còn đi làm kiếm tiền. Hơn 10 năm về đây sinh sống, mỗi khi có bệnh, gia đình đều đến trạm xá xin thuốc uống. Cảm ơn BĐBP nhiều lắm!”.

Được biết, từ nhiều năm nay, Trạm xá quân dân y của Đồn Biên phòng Phước Thiện đã trở thành “điểm tựa” cho người dân vùng biên xã Phước Thiện, nhất là người nghèo trên địa bàn ấp Mười Mẫu. Với điều kiện sinh sống ở rừng núi, người dân sống không tập trung nên việc phát sinh bệnh tật là không thể tránh khỏi. Đặc biệt, bệnh sốt rét luôn là nỗi sợ hãi của người dân nơi đây. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều người ít có điều kiện để đến các trung tâm y tế khám chữa bệnh. Vì vậy, từ khi có trạm xá quân dân y đóng trên địa bàn đã phần nào giúp người dân yên tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Gắn bó với trạm xá quân dân y hơn 7 năm nay, Đại úy Hoàng Văn Thiệu, cán bộ quân y phụ trách trạm xá chia sẻ: “Vì trung tâm y tế xã cách hơn 10km nên mỗi khi có bệnh, người dân đều tìm đến trạm xá quân dân y. Ngoài ra, cứ thứ 3 và thứ 7 hằng tuần, trạm đều tổ chức khám bệnh miễn phí cho bà con trên địa bàn. Riêng đối với những trường hợp đau ốm đột xuất, hay những người già yếu đi lại khó khăn, chúng tôi đến tận nhà thăm khám, cấp phát thuốc. Những lần xuống địa bàn thăm khám, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền để người dân ăn uống hợp vệ sinh, không tự ý chữa bệnh tại nhà, khi có bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chữa trị kịp thời... Nhờ đó, hiện nay, các loại dịch bệnh trên địa bàn đã giảm nhiều so với trước kia, sức khỏe người dân đã được cải thiện”.

Trung tá Bùi Gia Lượng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Thiện cho biết: “Ấp Mười Mẫu được thành lập từ năm 2005, đến nay có hơn 220 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gồm: S’tiêng, Khmer, Nùng, Hoa... Đa phần bà con thuộc diện thiếu đất sản xuất của huyện Bù Đốp về đây được cấp đất để trồng trọt, chăn nuôi. Những ngày đầu mới thành lập, Mười Mẫu là khu vực dân cư thưa thớt, cơ sở vật chất điện, đường, trạm y tế còn thiếu thốn. Mặc dù hiện tại đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đầu tư, nhưng cuộc sống của người dân trên địa bàn vẫn khó khăn nhất của xã Phước Thiện”.

Để hiểu rõ hơn cuộc sống của người dân ấp Mười Mẫu, tôi được Trung tá Bùi Gia Lượng đưa đến nhà bà Thạch Thị Tài (66 tuổi) - một hộ dân trước đây từng thuộc diện khó khăn nhất của ấp. Được sự giúp đỡ của lực lượng Biên phòng, hiện nay, cuộc sống gia đình bà Tài đã ổn định, nhà cửa xây dựng kiên cố. Trong câu chuyện, bà Tài luôn nắm chặt bàn tay Thiếu tá Bùi Gia Lượng như để cảm ơn về sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng.

Bà nói: “Gia đình tôi không có ruộng vườn để canh tác, thu nhập chủ yếu từ làm thuê cho chủ vườn tiêu, vườn cao su trong xã. Việc làm theo thời vụ, thất thường, các con đã lập gia đình hết nhưng hoàn cảnh cũng rất khó khăn, không có điều kiện để hỗ trợ nhiều. May mắn thời gian qua, vào những dịp lễ, Tết đều được các chú Biên phòng và các nhà hảo tâm tặng gạo, quần áo, bánh kẹo. Đặc biệt, cách đây hơn 3 năm, nhà tôi được các chú Đồn Biên phòng Phước Thiện hỗ trợ 1 con bò giống, đến nay, bò đã sinh sản được 3 con và phát triển khỏe mạnh. Có được tài sản lớn, vợ chồng tôi mừng lắm. Nhờ có các chú Biên phòng mà vợ chồng tôi mới có được cuộc sống như ngày hôm nay!”.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đồng bào nơi đây còn nỗ lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, số hộ nghèo ở ấp Mười Mẫu đã giảm từ 71 hộ cuối năm 2018 xuống còn 53 hộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Nhờ chăm chỉ lao động và tích góp vốn, nhiều gia đình đã xây được ngôi nhà mới khang trang.

Ông Lê Xuân Diễn, Trưởng ấp Mười Mẫu, sống tại đây từ những ngày đầu thành lập ấp phấn khởi chia sẻ: “Khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Phước Thiện mà đồng bào có đường nhựa đi, có điện sinh hoạt, có trường cho tụi nhỏ học hành, đội ngũ y, bác sĩ trạm xá quân dân y thì hết lòng phục vụ, khám chữa bệnh tận tình cho bà con. Đặc biệt, hơn 1 năm nay, điện lưới đã về đến từng gia đình trong ấp. Có điện, cuộc sống sinh hoạt và phát triển sản xuất của bà con cũng đỡ cực hơn. Giờ đây, trong việc tưới tiêu, bà con đã thay thế máy nổ bằng bơm điện, giúp thuận tiện, giảm chi phí rất nhiều. Bên cạnh đó, con, em có điện chiếu sáng phục vụ việc học được tốt hơn...”.

Vậy là, những ước mơ, khao khát được thấy ánh sáng điện lưới, được xem ti vi, có điện chạy máy bơm tưới nước cho cây trồng của bà con ấp Mười Mẫu nay đã trở thành hiện thực. Chia tay ấp Mười Mẫu, trong lòng tôi thực sự phấn khởi khi chứng kiến được sự đổi thay của vùng đất biên giới này.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/suc-song-moi-o-ap-muoi-mau/