Sức sống mới ở chiến khu Trung Thuần

Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của vùng đất chiến khu Trung Thuần xưa, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân 2 xã Quảng Thạch và Quảng Lưu (Quảng Trạch) đang ra sức xây dựng nơi đây thành một vùng quê yên bình, trù phú. Và với những tiềm năng, lợi thế 'đặc biệt' về lịch sử, văn hóa, vùng đất Trung Thuần đang được định hướng để phát triển du lịch, trở thành một điểm đến hấp dẫn ở phía Bắc của tỉnh…'Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đẹp, nên thơ cùng bề dày văn hóa, giá trị lịch sử, nếu được các nhà đầu tư quan tâm, vùng chiến khu Trung Thuần chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, hứa hẹn mang đến nhiều đổi thay, tạo nên sức sống mới trên quê hương Trung Thuần', Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh nhấn mạnh.

Căn cứ địa cách mạng "đặc biệt"

Trong không khí sôi nổi của những ngày quê hương hướng tới kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), chúng tôi có dịp trở lại chiến khu Trung Thuần để được nghe câu chuyện về vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, là căn cứ địa cách mạng trong các thời kỳ lịch sử, là niềm tự hào của mỗi một người dân huyện Quảng Trạch.

Sách lịch sử Đảng bộ của 2 xã Quảng Lưu và Quảng Thạch (tập 1, giai đoạn 1930-2000) ghi lại: Chiến khu Trung Thuần là di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia năm 1995. Chiến khu nằm trên địa phận của 2 xã là Quảng Lưu và Quảng Thạch, có diện tích khoảng 150km2. Chiến khu Trung Thuần xưa là một thung lũng bao kín với nhiều núi cao và rừng rậm theo hình chữ U. Trong chiến khu có đỉnh Chóp Chài cao gần 1.000m so với mực nước biển đã trở thành “đài” quan sát lý tưởng cho cả vùng rộng lớn.

Trong thời kỳ Cần Vương, Trung Thuần là căn cứ của nghĩa quân Lê Trực ở Quảng Bình từ năm 1885-1888. Đặc biệt, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung Thuần là hậu cứ của lực lượng kháng chiến huyện Quảng Trạch và của lực lượng vũ trang phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Đây không chỉ là nơi Huyện ủy, Ủy ban hành chính và các cơ quan đầu não của huyện Quảng Trạch làm việc mà còn là nơi huấn luyện, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền.

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của chiến khu Trung Thuần.

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của chiến khu Trung Thuần.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung Thuần là hậu cứ của Binh đoàn B70 Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là điểm trung chuyển trong hệ thống đường Hồ Chí Minh chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đặc biệt, tháng 4/1971, tại vực Sỉa Trâu (Trung Thuần), Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm lễ xuất quân mở đầu Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn tổ chức hội nghị tổng kết chiến thắng Đường 9-Nam Lào.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Tạ Đình Hà, chiến khu Trung Thuần không chỉ có vai trò lịch sử cực kỳ quan trọng, mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa rất lớn. Tại vùng đất này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều hiện vật của khảo cổ như trống đồng Đông Sơn, trống đồng Phù Lưu… và nhiều di tích như gò gạch Lâm Ấp, lũy cổ Hoàn Vương, với nhiều hiện vật gốm sứ mang dấu ấn của người Chăm.

Chưa hết, những năm gần đây, người dân Quảng Lưu trong quá trình canh tác, sản xuất đã thu lượm được một số công cụ của người nguyên thủy, như: Rìu đá, trống đồng, rìu đồng, lưỡi câu đồng, mũi lao đồng, giáo đồng… Những hiện vật này cũng đã đóng góp quan trọng cho lĩnh vực khảo cổ học cả nước. Với tất cả những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, Trung Thuần được xem là vùng đất chiến khu “đặc biệt”, là niềm tự hào của người dân 2 xã Quảng Thạch, Quảng Lưu nói riêng và huyện Quảng Trạch nói chung.

Đổi thay Trung Thuần

Con người vùng chiến khu Trung Thuần xưa anh hùng, quả cảm bao nhiêu thì thời bình họ lại cần cù, chịu khó và yêu lao động bấy nhiêu. Trung Thuần giờ không còn là chiến khu với những bom đạn, hầm trú như ngày xưa mà được bao bọc bởi bạt ngàn màu xanh của cây trái.

Đặc biệt nhất là cánh rừng dẻ rộng gần 4.000ha một thời “che bộ đội, ngăn quân thù” trong kháng chiến, nay vẫn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây xem là “báu vật” của quê hương, với những quy ước, hương ước giữ rừng chặt chẽ. Đến mùa hạt dẻ cho trái, người dân quanh vùng lại kéo nhau vào rừng nhặt hạt, thu về hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập.

Người dân xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) nuôi ong lấy mật, phát triển kinh tế.

Người dân xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) nuôi ong lấy mật, phát triển kinh tế.

Với lợi thế vùng gò đồi, những năm qua, người dân 2 xã Quảng Thạch và Quảng Lưu đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Theo thống kê, hiện trên địa bàn 2 xã có hàng trăm hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Điển hình như các mô hình trang trại của ông Phan Văn Lộc, Nguyễn Quốc Vượng, Trần Trúc Kỳ… (xã Quảng Lưu); Hợp tác xã Chăn nuôi gà đồi Quý Chiên; trang trại ông Nguyễn Thanh Bình… (xã Quảng Thạch).

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay cả 2 xã đều đã “cán đích” và đang bắt tay xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nhờ vậy, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn ở Trung Thuần không ngừng khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên rõ nét. Từ xuất phát điểm là các xã vùng đồi khó khăn, đến nay thu nhập bình quân đầu người ở 2 xã Quảng Thạch và Quảng Lưu đều đạt trên 45 triệu đồng/năm. Riêng xã Quảng Lưu năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 13 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo 2 xã Quảng Thạch và Quảng Lưu đều khẳng định, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương chiến khu cách mạng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; đồng thời, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại. Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư để củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng; đặc biệt bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn chiến khu xưa, nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết: Chiến khu Trung Thuần là mảnh đất đã đi vào lịch sử của dân tộc, là niềm tự hào của các thế hệ người dân Quảng Trạch. Trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt các đề án phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, thương mại dịch vụ, huyện Quảng Trạch sẽ tiến hành quy hoạch, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển du lịch gắn với gìn giữ và bảo vệ di tích chiến khu Trung Thuần.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/suc-song-moi-o-chien-khu-trung-thuan-2218423/