Sức sống mới ở Cù Lao Dung

Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) một vùng đất vốn được biết đến với nhiều khó khăn nằm cuối dòng sông Hậu, tách biệt với đất liền ngày nào giờ thay da đổi thịt vươn lên phát triển. Bức tranh vùng quê nơi đây đang khởi sắc từng ngày.

Về lại xứ cù lao những ngày đầu tháng 8 cảm nhận một không gian rất khác, làng quê, xóm ấp như đã khoác lên chiếc áo mới. Những con đường bê tông hóa rộng rãi cùng đủ loại hoa đua nhau khoe sắc. Những ngôi nhà mới kiên cố khang trang sạch đẹp.

Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm.

Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm.

Ông Lê Văn Út Em (xã An Thạnh Tây) phấn khởi cho biết: “Sau hơn 13 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã cho người dân chúng tôi hưởng lợi rất nhiều như: Giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng khang trang, y tế, giáo dục được đầu tư tốt hơn rất nhiều… Hiện thu nhập của người dân ở xã tăng gấp 2-3 lần so với những năm đầu xây dựng nông thôn mới, tình hình an ninh, trật tự xã hội đảm bảo ổn định, giúp người dân an tâm làm giàu trên quê hương mình sinh sống”.
Chủ tịch xã An Thạnh Tây Phạm Trường Giang chia sẻ, xác định xây dựng NTM luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, An Thạnh Tây chủ trương không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống cho người dân. Với cách làm này, nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Nông dân xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) ứng dụng công nghệ tưới phun qua điện thoại thông minh vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) ứng dụng công nghệ tưới phun qua điện thoại thông minh vào sản xuất nông nghiệp.

“Địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình sản xuất có liên kết tiêu thụ như: mô hình liên kết tiêu thụ khoai lang, trồng thanh nhãn, trồng nhãn xuồng, nhãn tím, bưởi da xanh… đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương, góp phần giảm hộ nghèo của xã xuống dưới 1% dân số’, Chủ tịch xã An Thạnh Tây Phạm Trường Giang cho biết thêm.

Chỉ cách đây vài năm trước, khi nhắc đến huyện Cù Lao Dung, nhiều người ở miền Tây Nam Bộ biết đến là vùng chuyên canh cây mía lớn nhất của khu vực, nhưng giờ đây diện tích trồng mía giảm dần, vì cây mía không đem lại thu nhập cao hơn so với cây trồng khác.
Hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Văn Tấn (xã Đại Ân 1) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3ha trồng mía sang trồng các loại cây ăn trái như, nhãn, mít và chanh. Ông Nguyễn Văn Tấn cho biết, nhiều năm trước khi giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp “chạm đáy”, khiến thu nhập nhiều nông dân và gia đình khá thấp. Vì vậy, gia đình ông quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, trừ các khoản chi phí, hiện gia đình thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm, cao hơn so với trồng mía 100 triệu đồng.
Có được kết quả hôm nay, theo ông Nguyễn Văn Tấn ngoài sự mạnh dạn trong chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái cho giá trị cao; còn có sự quan tâm hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung trong việc hỗ trợ cây giống, phân bón và chuyển giao các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, giúp nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Đến nay, toàn huyện Cù Lao Dung có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao, 100% các sản phẩm OCOP đều được đưa lên sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán.

Đến nay, toàn huyện Cù Lao Dung có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao, 100% các sản phẩm OCOP đều được đưa lên sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm mục tiêu nâng thu nhập cho nhân dân. Nổi bật như: chuyển đổi mạnh mẽ diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây ăn trái hoặc nuôi tôm nước lợ,… vừa đem lại hiệu quả vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện huyện Cù Lao Dung có 13.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, địa phương đã hình thành 42 vùng trồng tập trung, trong đó, có 8 vùng trồng đã được cấp 29 mã Code (truy xuất nguồn gốc), 4 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP. Đáng chú ý đến nay diện tích nuôi tôm nước lợ của địa phương đã lên con số hơn 3.600 ha/năm, hàng năm liên kết xuất khẩu trên 5 tấn thanh nhãn sang thị trường Australia và Hoa Kỳ. Đến nay, toàn huyện có 16 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao, 100% các sản phẩm OCOP đều được đưa lên sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán…

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, hơn 13 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả nổi bật. Toàn huyện có 7/7 xã đảo đạt chuẩn nông thôn mới (1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) góp phần từng bước đưa diện mạo nông thôn và đưa đời sống người dân nâng lên.

Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) có 226 tuyến đường giao thông nông thôn và 6 tuyến đường cấp huyện đạt chuẩn theo quy định.

Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) có 226 tuyến đường giao thông nông thôn và 6 tuyến đường cấp huyện đạt chuẩn theo quy định.

Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4/7 xã nông thôn mới nâng cao, 2/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2030, có 7/7 xã nông thôn mới nâng cao, 4/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã nông thôn mới thông minh.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung, xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, không có điểm kết thúc. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng vùng nông thôn có cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn nét đặc trưng của vùng quê sông nước cù lao; xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại.

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suc-song-moi-o-cu-lao-dung-10287389.html