Sức sống mới ở làng nghề tiện gỗ Nhị Khê có lịch sử hàng trăm năm tuổi

Người thợ Nhị Khê đã khéo léo kết hợp nghề mộc cao cấp với sơn mài, điêu khắc, khảm trai để tạo ra những sản phẩm tiện tinh xảo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nghề tiện gỗ phát triển đã giúp cho người dân làng Nhị Khê có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Nghề tiện gỗ phát triển đã giúp cho người dân làng Nhị Khê có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Làng nghề Nhị Khê có tên Nôm là làng Dũi, có nghề tiện gỗ với lịch sử hàng trăm năm, xưa thuộc tổng Cổ Hiền, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Đầu thế kỷ 20 là xã Nhị Khê, tổng Cổ Hiền, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Nhị Khê vốn là mảnh đất văn hiến, khoa bảng, quê hương của những bậc danh nhân như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến… Nhị Khê còn nổi tiếng với nghề tiện truyền thống, chuyên cung cấp những sản phẩm tiện bằng gỗ vô cùng tinh xảo cho thị trường cả nước. Nghề tiện đã đem lại đời sống ấm no cho nhân dân nơi đây và khiến cho Nhị Khê càng được biết đến nhiều hơn.

Lịch sử làng nghề

Tương truyền vào thời vua Lê chúa Trịnh, có một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo, trong đó có cái điếu 18 lỗ, có thể để 18 trai tráng cùng hút một lúc...

Cụ về thôn Khánh Vân, xã Khánh Hà bên kia sông Tô Lịch (cùng thuộc huyện Thường Tín) dạy nghề làm đồ gỗ cho người dân bên đó, nhưng dạy mãi không thành. Cụ chán nản, ra sông ngồi, thấy có đông trẻ tắm, liền hỏi có muốn học nghề không. Dân làng đồng ý, cụ lội sông qua làng Nhị Khê truyền nghề.

Khi người Nhị Khê đã học được thành thục, ngày 25/10, cụ bỗng dời đi không trở về. Từ đó, người Nhị Khê lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ làng nghề, tôn cụ là Tổ tiên Thánh sư.

Làng nghề phát triển, đến thế kỷ 18-19, người dân Nhị Khê đã mang nghề tiện đi kiếm sống ở nhiều nơi như Nam Định, Thái Nguyên. Ở Hà Nội, họ tập trung mở cửa hàng ở phố Tố Tịch, phường Hàng Gai ngày nay.

 Hầu như cả làng đều làm nghề tiện. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Hầu như cả làng đều làm nghề tiện. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Sức sống mới của làng nghề

Xưa kia phương tiện thô sơ, máy tiện đạp bằng chân rất vất vả nhưng thợ tiện Nhị Khê vẫn làm nên nhiều sản phẩm rất tinh xảo.

Nguyên liệu dùng để tiện gồm hai loại chính là gỗ và sừng. Gỗ có đủ loại từ gỗ mít, gỗ de, lim, gụ, trắc, pơmu. Sừng thì có sừng trâu, bò, hươu, nai... Xưa kia còn tiện cả ngà voi để làm vật phẩm quý cho triều đình và nhà quyền quý.

Đồ tiện ở Nhị Khê có hai chủng loại hàng chính là đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ cúng gồm có ống hương, lọ hoa, mâm bày, giá nến... Đồ gia dụng thì có giỏ đựng ấm tích, bánh gỗ, điếu bát, con quay, quả cầu...

Những năm gần đây, tận dụng gỗ vụn, người dân Nhị Khê còn làm các hạt tiện tròn xâu làm mành hoặc gối. Nghề mới này tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương các lứa tuổi từ già đến trẻ.

Ngoài ra, người làng Nhị Khê còn phát triển thêm nhiều loại sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người dùng như các loại tượng Phật, tượng muông thú...

 Nhờ áp dụng máy móc nên sản phẩm tiện của Nhị Khê có độ chính xác và đồng bộ rất cao. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Nhờ áp dụng máy móc nên sản phẩm tiện của Nhị Khê có độ chính xác và đồng bộ rất cao. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Không những thế, người thợ Nhị Khê còn khéo léo kết hợp nghề mộc cao cấp với sơn mài, điêu khắc, khảm trai để tạo ra những sản phẩm tiện tinh xảo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt là các mặt hàng trang trí, mỹ nghệ cao cấp.

Ngày nay, công nghệ tiện đã phát triển. Các hộ làm nghề đã sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Mỗi hộ lại tập trung vào một mẫu sản phẩm riêng, không ai giống ai. Hộ chuyên làm đồ thờ, hộ làm hàng sừng, hàng mỹ nghệ, hàng chiếu, rèm, móc treo áo… Ai không sản xuất thì đi buôn gỗ hoặc giao dịch sản phẩm…

Sản phẩm tiện Nhị Khê ngày càng phong phú, đa dạng. Bất kỳ mặt hàng nào, từ loại sản xuất hàng loạt hay đơn chiếc, người thợ tiện Nhị Khê đều đáp ứng được. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều mặt hàng được đưa đi xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của làng nghề.

Nghề tiện không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

 Từ những khúc gỗ thô sơ, người làng Nhị Khê đã tạo nên một bộ ấm chén rất độc đáo.

Từ những khúc gỗ thô sơ, người làng Nhị Khê đã tạo nên một bộ ấm chén rất độc đáo.

Điểm du lịch hấp dẫn du khách

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, làng tiện Nhị Khê còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Khi đến Nhị Khê, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra những sản phẩm từ gỗ và những món quà lưu niệm được bày bán tại các cửa hàng. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu, tham quan các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như Đình làng, miếu Trúc, nhà thờ Tổ nghề tiện, nhà thờ Nguyễn Trãi…

Người dân làng Nhị Khê đã dầy công xây cất nên những Quán Rồng, Quán Phượng, cầu Vân, đình Ba Chạ, chùa Thông… Mỗi cái tên ấy đều gắn bó với một sự tích.

Quán Rồng, tương truyền trong ngày khánh thành Trùng tu đình làng Nhị Khê, nhà vua có về dự lễ, thuyền dừng lại ở con sông nhỏ, ăn thông ra sông Tô Lịch. Để ghi dấu nơi nhà vua dừng thuyền, các bô lão trong làng đã cho xây quán và mang tên Quán Rồng; còn quán Phượng là nơi nghỉ của các quan văn võ, cung phi đi theo hộ giá nhà vua.

Hay khu văn bia được xây dựng ở đầu phía đông cầu Vân bắc qua sông Tô Lịch, trên cánh đồng bãi sếu giữa Nhị Khê và Trung Thôn, trên khoảng đất rộng chừng hai sào Bắc bộ (720m) gồm Khu văn chỉ thờ Khổng Tử, vừa là nơi tế lễ hàng năm các bậc chí tôn trong đạo Nho; song song với văn chỉ là nhà bia.

Tấm bia cổ nhất được dựng vào năm 1690, có ghi tên, chức vụ những người trong vùng Nhị Khê, đỗ đạt khoa Bảng thời Trần, Lê như Nguyễn Phi Khanh đỗ tiến sỹ; Nguyễn Trãi đỗ tiến sỹ; Nguyễn Hòa đỗ hoàng giáp; Nguyễn Đình Tấn đỗ thám hoa; Nguyễn Trung Lương đỗ tiến sỹ; Dương Công Đô đỗ tiến sỹ; Trần Đình Dụ đỗ bảng nhãn…

Những tấm bia dựng thời Tây Sơn, thời Nguyễn ghi tiếp những người đỗ đạt về sau như Dương Bá Cung, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, Lương Trúc Đàm…

Nhị Khê cũng còn nhiều nhà từ đường thờ những người có danh tiếng, có công với làng với nước như từ đường họ Dương, thờ tổ họ và Dương Công Độ, Dương Bá Cung; từ đường họ Nguyễn Trung, thờ Nguyễn Trung Mạch, Nguyễn Trung Lương; từ đường họ Lương thờ tổ họ và Lương Văn Can.

 Trường Lương Văn Can được bảo tồn nguyên vẹn. (Ảnh: Báo Điện tử Hà Nội mới)

Trường Lương Văn Can được bảo tồn nguyên vẹn. (Ảnh: Báo Điện tử Hà Nội mới)

Tại đây còn có ngôi trường của Lương Văn Can dựng năm 1924, nay là các phòng học dành cho các cháu lớp 1 trong làng, đã được xếp hạng cấp thành phố năm 2005.

Đình Ba Chạ là ngôi đình cổ nhất của làng Nhị Khê đã không còn nữa. Đình đã bị thực dân Pháp phá để xây bốt Chùa Thông năm 1948. Đến nay chỉ còn mấy cây cổ thụ trong khu trường cấp hai của làng. Kỷ vật duy nhất của đình là tượng hai ông tướng bằng đá được dân làng đưa về đình Thượng đình lưu giữ.

Chùa Thông cũng cùng chung số phận, ngôi chùa được xây dựng cách đây 300 năm đã bị quân Pháp làm biến dạng, làm thành nơi đóng bốt, chỉ còn lại bức tượng hậu nay đặt ở chùa Duyên Thái./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/suc-song-moi-o-lang-nghe-tien-go-nhi-khe-co-lich-su-hang-tram-nam-tuoi-post970231.vnp