Sức sống mới ở Mường Phăng

'Diện mạo ngày càng khởi sắc', đó là cảm nhận của nhiều người khi đến xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Có được đổi thay đó là nhờ sự nỗ lực, chung tay góp sức của chính quyền và nhân dân địa phương trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM).

Vượt qua quãng đường hơn 30km từ TP Điện Biên Phủ, chúng tôi đến xã Mường Phăng. Không còn đất hoang, đồi trọc, không còn ruộng vườn cằn cỗi, Mường Phăng nay đã “chuyển mình”. Những vạt nương ngô, sắn cao sản trải dài sườn đồi; những thửa ruộng màu mỡ dồi dào nước; những nếp nhà sàn khang trang nằm yên bình bên các con đường rộng rãi, sạch đẹp; chợ trung tâm xã được nâng cấp với quy mô lớn hơn, với những sản vật đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái... tạo nên khung cảnh vùng căn cứ địa cách mạng tràn đầy sức sống.

Nhân dân xã Mường Phăng thi đấu kéo co tại Chương trình “Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân” năm 2024. Ảnh: VĂN HIẾU

Nhân dân xã Mường Phăng thi đấu kéo co tại Chương trình “Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân” năm 2024. Ảnh: VĂN HIẾU

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cựu chiến binh Lường Văn Xương (bản Bun, xã Mường Phăng) tận mắt chứng kiến sự đổi thay của quê hương mình, nhất là nhờ Phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”. Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết và đồng thuận của bà con giúp Mường Phăng bứt phá vươn lên. Sau 8 năm triển khai xây dựng NTM, xã Mường Phăng được UBND tỉnh Điện Biên công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2019. Không dừng lại ở đó, sau khi “về đích lần một”, xã tiếp tục hướng tới các tiêu chí nâng cao bằng những công trình nhà văn hóa, trường học, nước sinh hoạt, điện lưới... được đầu tư đạt chuẩn. Ông Xương chia sẻ: “Những tuyến đường liên bản bằng bê tông, các công trình phúc lợi kiên cố cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên trong cuộc sống”.

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, lúc đó xã Mường Phăng không đạt bất cứ một tiêu chí nào trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 42%; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ lẻ; mặt bằng dân trí không đồng đều... Đồng chí Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: “Khó khăn là vậy, nhưng với việc bám sát chỉ đạo của cấp trên, xã đã xây dựng chi tiết kế hoạch phù hợp với địa phương để từng bước gỡ các nút thắt, nhất là tập trung phát triển những mô hình sản xuất, loại cây, con giống đặc trưng; đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua như: “Cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM”, “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”... Đặc biệt, kể từ khi sáp nhập về TP Điện Biên Phủ, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực và nâng cao các tiêu chí NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo (chiếm 0,04%) và 3 hộ cận nghèo (chiếm 0,03%)".

Cùng với đó, xã Mường Phăng cũng nỗ lực, chủ động phát huy tiềm năng du lịch trải nghiệm lịch sử và du lịch cộng đồng, khám phá bản sắc đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hệ thống di tích thành phần thuộc quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, có thể kể đến là Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm tượng đài mừng công, công viên chiến thắng Mường Phăng... tạo thế mạnh để địa phương phát triển du lịch lịch sử. Công tác bảo vệ, chăm sóc, đầu tư tôn tạo các di tích đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành đặc biệt quan tâm.

Mặt khác, chính quyền và người dân còn chú trọng đến du lịch cộng đồng ở địa phương. Đơn cử như bản Che Căn được xã chọn lựa, nhân rộng thành bản du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay. Đây là một trong những bản văn hóa tiêu biểu của Mường Phăng, là nơi đang bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, bao gồm kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội... Nắm bắt được lợi thế là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mô hình homestay, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, buôn bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa vùng miền, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Chỉ riêng năm 2023, xã đón hơn 43.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

Câu chuyện của Mường Phăng cho thấy hiệu quả mạnh mẽ từ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân trong vươn lên phát triển kinh tế-xã hội. Hy vọng với những đổi thay, đi lên đó sẽ giúp người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

HIẾU TRƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/suc-song-moi-o-muong-phang-765654