Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung
Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Vượt qua gian khó
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Ia Hrung là vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Nhân dân một lòng theo Đảng, không sợ gian khổ, hy sinh, luôn che chở, nuôi dấu cán bộ cách mạng. Nơi đây cũng đã sản sinh ra những người con trung kiên, một lòng góp sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Ia Hrung anh hùng.
Ông Ksor Hiếu-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Hrung, hiện đang sống ở làng Blo Dung, vốn là du kích xã những năm 1967-1968, làm Tiểu đội trưởng rồi Xã đội trưởng B15 (xã Ia Dêr hiện nay). Ông Hiếu kể lại: “Người dân xã Ia Hrung kiên cường lắm. Thời chiến tranh, nơi đây là đồn bốt ấp chiến lược của địch. Dù sống trong vòng vây của kẻ thù nhưng người dân luôn tìm cách thoát ra khỏi ấp chiến lược để trốn vào sống trong rừng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Mỗi người dân là một chiến sĩ du kích, nuôi giấu cán bộ, vững lòng tin vào Đảng, Bác Hồ. Năm 2000, xã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Quả cảm trong kháng chiến, đến thời bình, những người con trên mảnh đất anh hùng hôm nay đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Cũng theo ông Hiếu, sau ngày giải phóng, rất nhiều người từ các tỉnh, thành phố đến xã Ia Hrung sinh sống, xây dựng kinh tế. Bởi vậy, vùng quê cách mạng Ia Hrung ngày càng thêm trù phú. Đến nay, xã Ia Hrung có 1.553 hộ, trên 5.900 nhân khẩu sinh sống tại 7 thôn, làng; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 38% dân số toàn xã.
“Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ia Hrung đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng xây dựng diện mạo vùng đất giàu truyền thống cách mạng ngày càng khởi sắc”-ông Hiếu bày tỏ.
Và những “quả ngọt”
Thành tựu nổi bật của xã Ia Hrung hôm nay là kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm. Trước đây, xã Ia Hrung là một trong những xã nghèo của huyện Ia Grai, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chiếm khoảng 98%, thương mại-dịch vụ khoảng 2%. Đến năm 2023, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng dần sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 24%, nông nghiệp chiếm 76%; thu ngân sách đạt 16,34 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người, tăng 117,3% lần so với năm 2020.
Vợ chồng ông Tống Văn Chuẩn (SN 1974) và bà Đặng Thị Doanh (SN 1980, làng Út 1) là tỷ phú của xã nhờ chăm chỉ lao động sản xuất, trồng cà phê và sầu riêng. Ông Chuẩn cho hay: Những năm 2000, vợ chồng ông đang sinh sống ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Đến năm 2005, ông Chuẩn sang thăm một gia đình bà con ở xã Ia Hrung. Sau khi tìm hiểu, biết được vùng đất này bằng phẳng, phì nhiêu nên quyết định ở lại tìm hiểu và mua đất lập nghiệp.
Bán hết tài sản ở huyện Di Linh, vợ chồng ông Chuẩn mua được 3,5 ha đất ở xã Ia Hrung. Với những kinh nghiệm sẵn có, cùng sự cần cù, chịu khó, vợ chồng ông Chuẩn dần ổn định cuộc sống và ngày càng phát triển.
“Sau gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất anh hùng, dù trải qua nhiều gian nan, vất vả, song niềm hạnh phúc nhất là vùng đất này đã cho gia đình tôi những quả ngọt. Hiện gia đình tôi có 10 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Năm 2023, nhờ giá cà phê và sầu riêng tăng cao, sau khi trừ chi phí gia đình thu về gần 2 tỷ đồng. Năm 2024, cây sầu riêng cho thu chính vụ, hy vọng giúp gia đình tiếp tục gặt hái những thành quả và cho nguồn thu cao”-ông Chuẩn bày tỏ.
Còn với thế hệ trẻ như anh Phạm Ngọc Chung (SN 1991)-Phó Trưởng thôn Út 1 kiêm Phó Bí thư Chi đoàn thôn thì vui vẻ nói: “Tôi rất tự hào vì được sinh sống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Chứng kiến quê hương mình “thay da, đổi thịt”, cùng với tinh thần đoàn kết, gần gũi giữa ban, ngành, đoàn thể và người dân, tôi càng thấy trân trọng và vô cùng hạnh phúc. Hơn thế nữa, những con người từ ngoài Bắc vào lập nghiệp ở Ia Hrung, tôi thấy họ dù trải qua nhiều gian nan nhưng đến hôm nay, hộ nào cũng có cuộc sống khá giả, nhiều hộ là tỷ phú nhờ vào cây cà phê, cây ăn quả. Còn với những thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay chỉ cần có ý chí, nghị lực thì sống ở nông thôn vẫn có thể làm giàu”.
Những năm gần đây, thực hiện phương châm “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” đã được bà con hưởng ứng tích cực, tạo nên phong trào làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa; trên 98% đường trục thôn, làng và đường liên thôn được bê tông hóa; 77% đường ngõ xóm đã bê tông hóa… giúp cho diện mạo nông thôn khang trang, khởi sắc.
Ông Lê Công Phú-Chủ tịch UBND xã Ia Hrung-thông tin: “Đến cuối năm 2023, xã Ia Hrung đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: thông tin, truyền thông; tổ chức sản xuất sản xuất và phát triển kinh tế; nghèo đa chiều; môi trường an toàn thực phẩm. Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm để phấn đấu thực hiện những tiêu chí chưa đạt. Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 4/7 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới”.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu. Hàng năm 100% khu dân cư đạt văn hóa. 7/7 thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,13%. Toàn xã hiện còn 135 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, chiếm tỷ lệ 9,51% và 226 hộ cận nghèo, chiếm 15,92%; 100% hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Chủ tịch UBND xã Lê Công Phú nhấn mạnh: Những kết quả đạt được hôm nay là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã. Với quyết tâm “khắc phục khó khăn, tranh thủ sự quan tâm của các cấp, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương”, sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Ia Hrung đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh... diện mạo nông thôn khởi sắc.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/suc-song-moi-o-xa-anh-hung-ia-hrung-post275759.html