Sức sống mới trên những chiến khu xưa- Bài 2
Bài 2: Bừng sáng Thuận An Hòa
Đất thép nở hoa
TP.Thuận An có nhiều di tích lịch sử cách mạng, từng là chiến khu năm xưa, hôm nay tràn đầy khát vọng về sự phát triển tươi mới. Có mặt tại Đền tưởng niệm Khu di tích Chiến khu Thuận An Hòa (khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An), chúng tôi đã được Thượng tá Nguyễn Phước Đạt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Thuận An, chia sẻ về lịch sử của chiến khu. Thuận An Hòa là tên ghép của vùng đất thuộc 3 phường Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa, được hình thành từ năm 1946, nhằm tạo thành vùng căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Với vị trí chiến lược quân sự, vai trò của Thuận An Hòa cực kỳ quan trọng; là nơi trực tiếp phục vụ cho những đơn vị hoạt động ngay trong lòng địch và là nơi tập kết, trung chuyển các lực lượng chiến đấu của ta. Vì thế, quân địch luôn tìm mọi cách để càn quét nhằm phá bỏ căn cứ cách mạng này. Nhưng với ý chí quật cường, lòng yêu nước nồng nàn, quân và dân nơi đây vẫn luôn trụ vững.
Vùng đất Chiến khu Thuận An Hòa nay đã lấp lánh sắc màu công nghiệp, đô thị. Trong ảnh: Một góc VSIP I nhìn từ trên cao. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địch cũng tìm mọi cách nhằm xóa rừng Cò My để lực lượng cách mạng ở Chiến khu Thuận An Hòa không còn nơi trú ẩn. Chúng thường xuyên trút những trận mưa bom, bão đạn xuống vùng đất Chiến khu Thuận An Hòa. Dù rừng không còn, nhưng nhờ vào lòng dân, Thuận An Hòa vẫn là căn cứ đứng chân của cán bộ, đảng viên, du kích trong những hầm bí mật. Nhờ sự che chở, nuôi giấu của người dân địa phương, nên mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù đã không lay chuyển được ý chí, tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự mưu trí dũng cảm của lực lượng cách mạng và “thế trận lòng dân” nơi đây, quân dân Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.
Thuận An Hòa là tên ghép của vùng đất thuộc 3 phường Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa hiện nay, được hình thành từ năm 1946, nhằm tạo thành vùng căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn. Với vị trí chiến lược quân sự, vai trò của Chiến khu Thuận An Hòa cực kỳ quan trọng; là nơi trực tiếp phục vụ cho những đơn vị hoạt động ngay trong lòng địch và là nơi tập kết, trung chuyển các lực lượng chiến đấu của ta. Quân địch luôn tìm mọi cách để càn quét nhằm phá bỏ căn cứ cách mạng này nhưng với ý chí quật cường, lòng yêu nước nồng nàn, quân và dân nơi đây vẫn luôn trụ vững…
Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thuận An không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, vận dụng sáng tạo để từng bước kiến thiết lại quê hương ngày càng văn minh, hiện đại. Những nỗ lực của Thuận An đã được khẳng định bằng sự thay đổi ngoạn mục của địa phương: Vào tháng 8-1999, thực hiện Nghị định số 58/1999/NĐ-CP của Chính phủ, huyện được chia tách thành huyện Thuận An và huyện Dĩ An. Ngày 13-1-2011, thực hiện Nghị quyết số 04/ NQ-CP của Chính phủ, huyện Thuận An được nâng lên thành thị xã. Đến ngày 1-2-2020, TX.Thuận An được nâng cấp lên thành phố theo Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH14 ngày 10-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, trong những năm qua, TP.Thuận An luôn là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ thương mại - nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao. Đến nay, TP.Thuận An có 3 khu công nghiệp (KCN): Việt Nam - Singapore I (VSIP I), Việt Hương I, Đồng An và 3 cụm công nghiệp (CCN) tập trung, thu hút 7.300 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư hoạt động. Riêng VSIP I đã thu hút các nhà đầu tư từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 95.000 kỹ sư, công nhân lao động trong nước và nước ngoài, với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 3,6 tỷ đô la Mỹ.
Cũng như những người dân khác đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP.Thuận An, bà Đặng Thị Gái, ngụ tại phường Thuận Giao, chủ một khu nhà trọ với 600 phòng, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp, từ khi các khu, CCN được xây dựng, nhiều công ty tới sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Cuộc sống của gia đình tôi và những người dân khác cũng thay đổi ngày càng tốt hơn. Chứng kiến TP.Thuận An ngày một thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân ngày được nâng lên, chúng tôi thật sự rất vui mừng, phấn khởi và mong muốn TP.Thuận An tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa”.
Vươn lên phát triển bền vững
Theo Thành ủy Thuận An, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, trong năm 2022, mặc dù tình hình chung có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới… đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; tuy nhiên, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã phát huy tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế và xử lý tương đối kịp thời các công việc phát sinh, khó khăn vướng mắc. Thành phố đã hoàn thành khá tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022; thực hiện đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước gắn với cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung thực hiện. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh được chú trọng, nổi bật là công tác phát triển đảng viên, đã kết nạp 164/150 đảng viên theo chỉ tiêu, đạt 109,3%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững…
Một góc phường Lái Thiêu, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của TP.Thuận An. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Hiện nay, TP.Thuận An đang hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Trong đó, thành phố tập trung thực hiện không gian phát triển công nghiệp theo định hướng của tỉnh và Chính phủ, như chuyển đổi, nâng cao chất lượng hoạt động của các DN trong các KCN theo hướng công nghệ cao, logistics, dịch vụ giao thông - vận tải, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Đồng thời, thành phố từng bước phối hợp di dời một số cơ sở, công ty theo chủ trương, kế hoạch của tỉnh để tổ chức lại không gian đô thị công nghiệp gắn với dịch vụ, bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa xã hội.
Đặc biệt, thành phố sẽ không phát triển thêm các DN ngoài khu, CCN; vận động các DN ngoài khu, CCN thực hiện chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, CCN đã được quy hoạch; di dời các cơ sởsản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm xen lẫn trong khu dân cư, đô thị. Cùng với đó, TP.Thuận An cũng thực hiện quy hoạch định hướng không gian phát triển và tập trung các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An, cho biết thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo đúng định hướng phát triển đề ra; phấn đấu xây dựng TP.Thuận An sớm đạt các tiêu chí đô thị loại I và xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp. Cụ thể, thành phố tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị vững mạnh.
Trong những năm qua, TP.Thuận An luôn là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ, thương mại - nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao. Đến nay, TP.Thuận An có 3 KCN: VSIP I, Việt Hương I, Đồng An và 3 CCN tập trung, thu hút 7.300 DN trong và ngoài nước đến đầu tư hoạt động…
(còn tiếp)
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/suc-song-moi-tren-nhung-chien-khu-xua-bai-2-a295138.html